Điều trị sẹo lồi bằng tiêm tại thương tổn

1. Tổng quan về Điều trị sẹo lồi bằng tiêm tại thương tổn

Tên khoa học: Điều trị sẹo lồi bằng tiêm tại thương tổn

Mô tả sơ bộ kỹ thuật

Sẹo lồi xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, do tai nạn, phẫu thuật hoặc bệnh tật như bệnh thuỷ đậu, da có mụn bọc, mụn đầu đen…kiểu dáng và kích thước của những vết sẹo này khác nhau tùy vào mức độ của người mắc phải. Điều trị sẹo lồi bằng tiêm tại thương tổn là biện pháp điều trị sẹo lồi an toàn, hiệu quả, dùng thuốc Triamcinolone acetonide nồng độ quy định tiêm vào tổn thương sẹo lồi.

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

Sẹo lồi.

Chống chỉ định:

  • Sẹo bị loét, chảy máu, nhiễm khuẩn, chàm hóa.
  • Hội chứng Cushing hoặc giả
  • Rối loạn kinh nguyệt kéo dài, trứng cá nặng.
  • Bệnh lý dạ dày – tá tràng tiến triển.
  • Các bệnh nhiễm khuẩn như lao phổi hay nhiễm nấm, suy giảm miễn dịch.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
  • Mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Cực kỳ an toàn đối với sức khỏe và làn da quanh vùng sẹo.
  • Kỹ thuật đơn giản, chi phí thấp.

Nhược điểm:

Đòi hỏi thời gian khá dài nên cần phải kiên trì mới đem lại kết quả tốt.

4. Quy trình thực hiện – Điều trị sẹo lồi bằng tiêm

Bước 1: Người bệnh có thể nằm sấp hay nằm ngửa tùy thương tổn (thuận lợi cho việc tiến hành thủ thuật). Bộc lộ rộng nơi tiêm.

Bước 2: Pha thuốc tiêm, thuốc được pha loãng với dung dịch lidocain HCl  2% để đạt nồng độ 15mg/ml (pha 1ml dung dịch triamcinolone acetat ống 80mg/2ml với 1,5ml dung dịch lidocain).

Bước 3: Tiến hành tiêm:

  • Sát trùng vùng sẹo.
  • Tiêm thuốc vào trong tổn thương sẹo lồi bằng cách chọc kim từ vùng da lành, cách bờ sẹo khoảng 0,2 – 0,5cm luồn kim vào trong tổn thương sẹo sao cho hướng kim song song với mặt sẹo.
  • Bơm thuốc chậm đến khi trên bề mặt sẹo nơi tiêm trở nên nhạt màu thì dừng bơm thuốc, sau đó rút kim ra khoảng 0,5cm thì tiếp tục bơm thuốc (đảm bảo đạt 0,5ml dung dịch thuốc tiêm /1cm2), cứ như vậy vừa bơm thuốc vừa rút kim đến khi cách bờ tổn thương 0,5cm thì dừng bơm. Để giảm đau có thể chườm lên vùng tổn thương túi đá 10 phút trước khi tiêm.
  • Băng ép sau khi tiêm.

Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

Đau tại chỗ tiêm

5. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn hay nôn mửa

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Người bệnh nằm lại tại chỗ tiêm  5 – 10 phút.
  • Liều tối đa cho một lần tiêm không quá 80mg.
  • Liệu trình điều trị: 4 – 9 lần tiêm, mỗi lần cách nhau 4 tuần. Nếu sau 4 lần tiêm không thấy cải thiện là ngừng tiêm.
  • Hiệu quả và độ an toàn tùy thuộc vào tay nghề của bác sĩ nên người bệnh hãy lựa chọn những địa chỉ y tế uy tín, chất lượng tốt.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *