1. Tổng quan về Hóa trị trong điều trị ung thư
- Tên khoa học: Hóa trị trong điều trị ung thư
- Tên thường gọi: Truyền hóa chất
- Mô tả sơ bộ kỹ thuật:
Hóa trị là sử dụng thuốc để tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Có thế áp dụng hóa trị liệu ung thư trong giai đoạn trước hoặc sau phẫu thuật và sau xạ trị. thuốc hóa trị có thể gây tác dụng trên toàn bộ cơ thể. Điều này có nghĩa là hóa trị có thể tiêu diệt các tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận của cơ thể cách xa khối u ban đầu (nguyên phát).
2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định: Hóa trị phụ thuộc vào loại bệnh lý ung thư, giai đoạn bệnh, mục đích điều trị.
- Để điều trị bệnh ung thư
- Làm khối u chậm phát triển
- Làm giảm bớt kích thước u tạo thuận lợi cho phẫu thuật hoặc xạ trị.
- Làm giảm bớt triệu chứng (chẳng hạn như đau)
- Diệt các tế bào mức vi thể sau khi khối u được phẫu thuật lấy bỏ (còn được gọi là điều trị bổ trợ), điều trị bổ trợ này có thể giúp đề phòng bệnh tái phát.
Chống chỉ định:
Bệnh nhân có toàn trạng sức khỏe yếu, không đáp ứng được cuộc hóa trị ung thư, chống chỉ định tạm thời với phụ nữ mang thai, rối loạn đông máu, suy tim, suy thận…
3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật
Ưu điểm:
- Ngăn chặn tế bào ung thư lây lan
- Làm khối u phát triển chậm đi
- Giảm nhẹ các triệu chứng của ung thư như: đau đớn hoặc tắc nghẽn ở các bộ phận có khối u
Nhược điểm:
Hóa trị trong nhiều trường hợp lại gây ra những tác dụng phụ vô cùng “khủng khiếp” đối với bệnh nhân. Nguyên nhân là do hóa chất vừa tiêu diệt tế bào ung thư. Đồng thời tiêu diệt luôn cả những tế bào bình thường trong cơ thể. Từ đó gây nên một loạt tác dụng phụ đối với bệnh nhân.
4. Quy trình thực hiện – Hóa trị trong điều trị ung thư
Hóa trị có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp như:
- Thông qua việc tiêm trực tiếp vào ven bằng một xi-lanh hoặc thông qua tĩnh mạch: Đa số được truyền thuốc qua mạch máu. Bệnh nhân có thể nằm hoặc ngồi, thời gian truyền tùy loại thuốc, thường thì vài giờ truyền trong một ngày hoặc 3-5 ngày liên tiếp, cứ 3 tuần lại truyền một lần, mỗi lần truyền gọi là một đợt hay một chu kỳ.
- Thuốc dùng theo đường tiêm bắp: Thuốc được đưa sâu vào lớp cơ với kim tiêm có kích thước lớn hơn đường dưới da giúp thuốc thấm sâu vào tổ chức cơ.Tủy sống: Để thuốc vào được tới dịch não tủy.
- Màng bụng: Dẫn thuốc vào khoang bụng, vùng xung quanh các cơ quan nội tạng nhưng lại không vào trong lòng dạ dày hay bất kỳ một cơ quan nào khác. Hiệu quả tại chỗ cao và đỡ độc cho cơ thể
- Bàng quang: Để thuốc có thể láng đều các phía và nhịn đi tiểu ít nhất là 2 giờ. Áp dụng cho ung thư bàng quang giai đoạn bề mặt, thể nông sau khi khối u đã được cắt bỏ
- Màng phổi: Được đưa vào màng phổi, khoang giữa phổi nhằm kiểm soát dịch màng phổi ác tính trong trường hợp dịch màng phổi quá nhiều gây chèn ép, khó thở. Kỹ thuật này có thể giúp màng phổi bị xơ hóa hoặc viêm dính, mang tính chất điều trị triệu chứng.
- Thuốc được dùng tại chỗ: Như dạng kem bôi trực tiếp vào vùng tổn thương trong bệnh ung thư da. Tuy vậy hiệu quả của phương pháp này còn hạn chế.
- Thuốc được đưa vào qua động mạch: lựa chọn các động mạch nuôi dưỡng khối u để đưa thuốc trực tiếp vào đó.
5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật
- Buồn nôn và nôn mửa là các triệu chứng nhất thời khi hóa trị.
- Đau họng/Lở miệng
- Ăn không ngon/Mất cảm giác ngon miệng
- Tiêu chảy/táo bón
- Sốt và viêm nhiễm
- Rụng tóc
Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?
- Nhiệt độ >38 độ C
- Lở miệng >3 ngày
- Ho kéo dài và khó thở
6. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này
- Phương pháp chữa trị tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ. Nó có thể hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng. Việc chữa trị thường được quy thành các chu kỳ, bao gồm một khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa các lần truyền.
- Việc nghỉ ngơi cho phép cơ thể bệnh nhân sản sinh ra các tế bào mới thay thế cho những tế bào bình thường bị tổn thương trong quá trình hóa trị.
- Đối với những bệnh nhân chữa trị thông qua tiêm tĩnh mạch, thời gian truyền có thể từ 2-6 tiếng, tùy theo chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ sẽ theo dõi quá trình một cách kỹ lưỡng và quyết định thời gian cho việc hóa trị.
- Không cần áp dụng chế độ ăn uống đặc biệt trong quá trình điều trị. Bệnh nhân nên tránh các loại thực phẩm sống để tránh nhiễm khuẩn. Đảm bảo thức ăn được rửa sạch và nấu chín trước khi ăn. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về chế độ ăn kiêng nếu cần thiết.
Nguồn: Vinmec