Mổ mở cắt tử cung hoàn toàn 2 phần phụ và vét hạch

1. Tổng quan về Mổ mở cắt tử cung hoàn toàn 2 phần phụ và vét hạch

  • Tên khoa học: Phẫu thuật mở bụng cắt tử cung hoàn toàn và 2 phần phụ
  • Tên thường gọi: Mổ mở cắt tử cung hoàn toàn 2 phần phụ và vét hạch
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối tử cung bao gồm thân tử cung, cổ tử cung, vòi tử cung, buồng trứng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cắt tử cung hoàn toàn để lại một hoặc hai phần phụ, đây là phương pháp giúp loại bỏ khối ung thư buồng trứng để phòng tái phát và di căn.

Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Ung thư nội mạc tử cung
  • Ung thư buồng trứng
  • Ung thư cổ tử cung

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Bệnh lý liên quan đến sản khoa.
  • Hầu hết trong phẫu thuật cấp cứu sản khoa thường có chỉ định cắt tử cung bán phần, tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt phải có chỉ định cắt tử cung hoàn toàn.
  • Rau tiền đạo trung tâm, rau bám chặt xuống sâu tận cổ tử cung gây chảy máu mà thắt động mạch hạ vị không cầm máu được.
  • Thai ở cổ tử cung bị sảy, chảy máu, sau khi can thiệp các thủ thuật như khâu, đốt nhiệt mà không có kết quả.
  • Nhiễm trùng sau phẫu thuật lấy thai lan rộng tới buồng tử cung đã bị rách phức tạp.
  • Bệnh lý liên quan đến phụ khoa.
  • Một số bệnh lý tiền ung thư và ung thư của bộ phận sinh dục (cổ tử cung, tử cung, vòi tử cung, buồng trứng, rau, chửa trứng lớn tuổi…).
  • Những khối u lành tính ở tử cung có chỉ định cắt tử cung nhưng cổ tử cung không bình thường (tổn thương lành tính hoặc nghi ngờ cổ tử cung).

Chống chỉ định:

  • Ung thư nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng giai đoạn muộn.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

Là phương pháp giúp loại bỏ khối ung thư buồng trứng, ung thư tử cung, ung thư nội mạc tử cung… đề phòng tái phát và di căn hiệu quả đối với những trường hợp bệnh nhân phát hiện bệnh sớm. Thời gian tiến hành phẫu thuật nhanh, tiết kiệm chi phí, bệnh nhân có thể hồi phục sức khỏe khoảng 7 đến 10 ngày sau mổ.

Nhược điểm:

Có thể xảy ra một số biến chứng trong khi phẫu thuật như: Tổn thương bàng quang, niệu quản và ruột. Sau khi tiến hành phẫu thuật bệnh nhân có thể bị chảy máu sau mổ, nhiễm trùng ổ bụng hoặc mỏm cắt, dò bàng quang âm đạo hoặc dò niệu quản âm đạo, tắc ruột sớm hoặc muộn do dính và khối u di căn.

4. Quy trình thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị

  • Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ ra chỉ định phẫu thuật, phải ghi rõ chỉ định, ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án
  • Người bệnh và gia đình phải được giải thích rõ về mục đích thực hiện phẫu thuật, cách thực hiện, lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra trong và sau khi mổ, ký xác nhận vào tờ cam kết thực hiện phẫu thuật.
  • Hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính trước khi chuyển phòng mổ: Bệnh án, giấy cam kết phẫu thuật, biên bản hội chẩn, tờ chuẩn bị bệnh nhân trước mổ, chỉ định y lệnh thuốc kháng sinh dự phòng hoặc điều trị nhiễm trùng, thuốc khác (nếu cần).
  • Đặt lịch trên E-Hos hoặc báo Hotline phòng mổ theo đúng quy định đặt lịch mổ.
  • Điều dưỡng chuẩn bị người bệnh theo đúng quy định trước khi chuyển mổ: Thay quần áo, vệ sinh cá nhân, đi tiểu ngay trước khi chuyển phòng mổ (nếu cần), đeo vòng tay, lưu ý người bệnh cần nhịn ăn, nhịn uống trước phẫu thuật, thực hiện y lệnh trước phẫu thuật
  • Chuyển phòng mổ theo đúng giờ đặt hẹn

Bước 2: Kỹ thuật mổ:

  • Mổ bụng:
    • Mở đường trắng giữa dưới rốn và lên trên rốn, thăm dò toàn ổ bụng.
    • Bộ lộ vùng mổ: đặt van, banh bụng, chèn gạc nếu cần
  • Đánh giá mức độ tổn thương:
    • Lấy dịch ổ bụng làm xét nghiệm tế bào học
    • Kiểm tra tình trạng của tử cung, 2 phần phụ, các tạng vùng tiểu khung, mạc nối lớn và cả vùng ổ bụng trên xem mức độ tổn thương, xác định giai đoạn của K và tiên lượng khả năng có phẫu thuật được hay không, nếu không thể phẫu thuật được thì sinh thiết để làm giải phẫu bệnh và đóng bụng.
  • Tiến hành phẫu thuật :
    • Cặp và cắt các dây chằng tròn, dây chằng thắt lưng buồng trứng, dây chằng tử cung cùng, dây chằng rộng.
    • Bộc lộ, cặp và cắt 2 bó mạch tử cung.
    • Khâu cuống dây chằng và mạch máu bằng chỉ vicryl N1.
    • Mở phúc mạc eo tử cung, đẩy bàng quang xuống sao cho đáy bàng quang ở dưới mức chỗ bám của âm đạo vào cổ tử cung
    • Cặp và cắt 2 bó mạch cổ tử cung – âm đạo.
    • Mở túi cùng trước hoặc sau vào âm đạo và cắt tử cung khỏi chỗ bám của âm đạo vào cổ tử cung
    • Khâu mỏm cắt âm đạo bằng chỉ vicryl N1 mũi vắt hoặc mũi rời, có thể phủ phúc mạc hoặc không.
    • Cặp và cắt và khâu cầm máu mạc nối lớn ở mức tối đa có thể.
    • Lấy tối đa các tổn thương di căn (nếu có)
    • Lau sạch ổ bụng, kiểm tra các vị trí cắt khâu đảm bảo không còn chảy máu.
    • Kiểm tra sự toàn vẹn của bàng quang, niệu quản.
    • Vét hạch vùng chậu và dọc theo động mạch thắt lưng buồng trứng
    • Đóng thành bụng theo từng lớp
    • Lấy máu và lau âm đạo.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Sau khi cắt mổ tử cung, bệnh nhân thường có cảm giác đau ê ẩm ở cửa mình hoặc khắp bụng kèm cảm giác quặn ruột, nhất là tại khu vực vết mổ những ngày đầu. Vì vậy, luôn có thuốc giảm đau ít nhất 2 cữ/ngày và thuốc uống trước khi ngủ.
  • Thay băng vết mổ mỗi buổi sáng tại phòng thay băng.
  • Bệnh nhân sẽ phục hồi nhu động ruột (đánh rắm, xì hơi) khoảng ngày thứ 2 sau mổ. Sau khi trung tiện (đánh rắm, xì hơi) thì chuyển sang ăn đặc dần (cháo đặc có thịt, cá, sau đó tập ăn cơm). Trong thời gian phẫu thuật và phục hồi tại bệnh viện mất rất nhiều nước nên cần uống bù lại lượng nước đã mất.
  • Có thể đi lại như bình thường từ khoảng 1 tuần sau khi mổ. Có thể đi làm lại sau 2 tuần sau mổ. Nên cố gắng kiêng giao hợp trong ba tháng đầu để đề phòng vết cắt mổ bị tác động, biến chứng khó lành.

6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

Sau 1 tháng đi khám lại một lần để thuận tiện theo dõi tiến triển của vết cắt mổ. Cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của bản thân ngay sau mổ, cần trở lại bệnh viện ngay khi có biểu hiện làm người bệnh khó chịu hoặc có các biểu hiện sau:

  • Khi bệnh nhân bị tổn thương đường tiết niệu: Bàng quang, niệu quản.
  • Bị chảy máu trong và sau mổ, phát hiện sớm chảy máu để mổ lại cầm máu
  • Viêm phúc mạc
  • Tổn thương đường tiêu hóa: Ruột, đại tràng, trực tràng.
  • Tổn thương mạch máu: Đặc biệt dễ tổn thương trong khi vét hạch 75.

7. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Bệnh nhân cần làm theo chỉ dẫn của bác sĩ về chế độ sinh hoạt, ăn uống trong thời gian nằm viện, có thể kéo dài từ 3- 7 ngày.
  • Kiểm tra vết mổ mỗi ngày để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng nếu có. Giữ cho vết mổ luôn sạch và khô. Không tắm (kể cả vòi hoa sen hoặc tắm bồn) cho tới khi hướng dẫn cụ thể.
  • Bệnh nhân có thể dùng băng vệ sinh để thấm máu hay dịch tiết ra từ âm đạo. Ban đầu có thể chảy máu ít, sau đó, người bệnh có thể tiết dịch màu nâu khoảng 6 tuần.
  • Bệnh nhân không được dùng băng vệ sinh que hoặc dụng cụ thụt rửa âm đạo bởi vì chúng có thể gây nhiễm trùng.
  • Người bệnh cần tăng cường hoạt động dần dần. Các hoạt động thể dục nhẹ nhàng cũng giúp hạn chế đông máu, giúp vết thương chóng lành.
  • Hạn chế làm việc nặng trong 3 tuần đầu sau mổ, bạn có thể quan hệ tình dục và tập thể dục sau 6 tuần sau mổ.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *