Nội soi tán sỏi thận qua da chuẩn thức (Standard – PCNL)

1. Tổng quan về Nội soi tán sỏi thận qua da chuẩn thức (Standard – PCNL)

  • Tên khoa học: Nội soi tán sỏi thận qua da chuẩn thức (Standard – PCNL)
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Nội soi tán sỏi thận qua da chuẩn thức (Standard – PCNL) là phương pháp kỹ thuật cao, ít xâm hại, thay thế cho mổ mở để điều trị sỏi thận và sỏi thận niệu quản 1/3 trên kích thước > 15mm. Với phương pháp phẫu thuật nội tán sỏi thận qua da, bác sĩ chỉ phải mổ một vết khoảng 3-4mm sau đó sử dụng máy nội soi kích thước 8F (thay thế cho máy nội soi kích thước 26F đã cho phép thu nhỏ đường hầm vào thận hơn 3 lần) giúp bệnh nhân ít đau hơn và thời gian nằm viện được rút xuống chỉ còn từ 1-2 ngày.

Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Sỏi thận
  • Sỏi niệu quản

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Sỏi thận và niệu quản 1/3 trên, có kích thước 1-2cm.
  • Các trường hợp thất bại của tán sỏi ngoài cơ thể hoặc nội soi niệu quản.
  • Sỏi thận có kèm theo bất thường về giải phẫu, sỏi thận ở trẻ em.
  • Điều trị sỏi san hô phức tạp.

Yếu tố giúp bác sĩ quyết định nội soi thận qua da là dựa vào chẩn đoán hình ảnh. Phim chụp UIV là lựa chọn đầu tiên, hình ảnh trên phim sẽ cho phép bác sĩ nhận biết được chính xác về kích thước, hình dáng, vị trí sỏi và đặc biệt là hình thể giải phẫu của đài bể thận và nhu mô thận.

Trong những trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân chụp cắt lớp hoặc siêu âm trong khi mổ.Trước khi tán sỏi thận, kiểm tra toàn diện và xét nghiệm sẽ được thực hiện để xác định số lượng, vị trí và kích thước của sỏi.

Chống chỉ định:

  • Trường hợp có chống chỉ định đường tán sỏi ngoài cơ thể
  • Trường hợp đã dùng tán sỏi ngoài cơ thể thất bại.
  • Phẫu thuật nội soi tán sỏi qua da không áp dụng được với các trường hợp bệnh nhân có rối loạn đông máu, hoặc có những bất thường về mạch máu trong thận, có nguy cơ chảy máu nặng. Kể cả với các trường hợp Cao huyết áp, việc chống chỉ định cũng chỉ là tạm thời.
  • Chống chỉ định tương đối trong trường hợp bệnh nhân suy thận, phụ nữ có thai.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Phẫu thuật nhẹ nhàng, ít đau, thời gian nằm viện ngắn (3 – 4 ngày), hồi phục sức khỏe và trở lại làm việc nhanh (7 – 10 ngày).
  • Tránh được sẹo mổ cho bệnh nhân, đồng nghĩa với việc tránh được các biến chứng của một vết mổ rộng để vào thận lấy sỏi.
  • Khắc phục được tình trạng sót sỏi. Đây là ưu điểm đặc biệt của nội soi tán sỏi qua da nhờ khả năng cho phép kiểm tra toàn bộ cá đài bể thận và niệu quản. Mà với mổ thông thường và tán sỏi ngoài cơ thể không phải lúc nào cũng khống chế được tình trạng sót sỏi.
  • Giảm tối đa tình trạng nhiễm trùng sau mổ so với phương pháp mổ thường.
  • Ít tổn hại đến thận (ảnh hưởng của nội soi tán sỏi qua da tới chức năng thận <1%, trong khi đó nếu dùng phương pháp mổ mở lấy sỏi san hô có thể gây mất đi >30% chức năng thận do chính đường rạch trên nhu mô thận)

Nhược điểm:

  • Chi phí cao và phải theo dõi sau phẫu thuật.
  • Phương pháp Standard –  PCNL vẫn còn bộc lộ một số nhược điểm về nguy cơ chảy máu.

4. Quy trình thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị

  • Trước khi tán sỏi, bác sĩ sẽ thăm khám để đánh giá tình trạng toàn bộ đường tiết niệu (kích thước, độ rắn, vị trí của sỏi; sự thông suốt của đường tiết niệu cũng như các bất thường giải phẫu; chỉ số BMI; chức năng thận; tình trạng nhiễm trùng tiết niệu)…để đưa ra chỉ định trị phù hợp.
  • Để thực hiện tán sỏi, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân hoặc tiền mê giảm đau.
  • Trong quá trình tán, sỏi luôn di động theo nhịp thở, nên người bệnh cần giữ được nhịp thở sâu và đều để đạt hiệu quả tán cao hơn.

Bước 2: Tiến hành can thiệp

Bác sĩ phẫu thuật dùng một kim chọc qua da vùng lưng vào trong thận. Đường hầm của kim chọc dò sẽ được nong rộng bằng các dụng cụ nong để đạt được kích thước như thân một chiếc bút, qua đó cho phép đưa vào máy nội soi tán sỏi. Sỏi sẽ được tán thành mảnh vụn và đồng thời được hút ra. Sau đó, cũng qua đường hầm, đặt một ống thông thận giúp việc chụp kiểm tra sau mổ – ống thông này sẽ được rút ra sau 24 – 48 giờ.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Sau tán sỏi, bệnh nhân có thể đau nhẹ vùng lưng và đái máu thoáng qua, thường không cần phải dùng thuốc mà chỉ cần uống 2-3 lít nước/ngày để các mảnh sỏi đào đào thải qua nước tiểu.
  • Bệnh nhân có thể ngồi dậy đi lại trong phòng và dùng thức ăn nhẹ ngày thứ nhất sau phẫu thuật. Ngày thứ 2 bệnh nhân sẽ được chụp đài bể thận kiểm tra qua ống dẫn lưu thận để xác định lần cuối là không còn sót và thuốc cản quang lưu thông tốt xuống bàng quang. Sau đó ống dẫn lưu thận sẽ được rút ra.
  • Sau khi rút ống dẫn lưu thận, qua lỗ dẫn lưu có thể rỉ ra một chút nước tiểu song thông thường tình trạng này sẽ hết sau 3 đến 6 giờ nhờ có băng ép tại chỗ.
  • Bệnh nhân thường ít đau sau mổ do sử dụng phương pháp này, tránh được vết mổ lớn vào vùng thận của phương pháp mổ thông thường.
  • Thời gian lưu viện thông thường khoảng 3 đến 4 ngày. Bệnh nhân có thể trở lại làm việc sau 7 đến 10 ngày mà không phải duy trì chế độ điều trị đặc biệt nào. Nên uống từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày.
  • Bệnh nhân phải khám lại với bác sĩ phẫu thuật vài tuần sau mổ để đánh giá kết quả phẫu thuật, xem có còn sót sỏi và cần thiết phải tiếp tục điều trị nữa hay không.
  • Hàng năm nên chụp kiểm tra để phát hiện sớm tình trạng sỏi tái phát nếu có. Trong một vài trường hợp đặc biệt khi sỏi thận chỉ là hậu quả của một bệnh lý khác thì phải tiếp tục phát hiện và điều trị theo nguyên nhân.

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Nếu có sốt hoặc cơn đau quặn thận hay các biểu hiện bất thường khác, người bệnh cần đến khám bác sĩ chuyên khoa tiết niệu ngay..
  • Nhiễm trùng sau điều trị.
  • Đái ra máu

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *