Phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ – động mạch vành

1. Tổng quan về Phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ – động mạch vành

  • Tên khoa học: Phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ – động mạch vành
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Mổ bắc cầu động mạch chủ – vành (CABG: Coronary-Artery-Bypass-Grafting) là phương pháp phẫu thuật dùng một đoạn mạch máu của chính bệnh nhân để khâu nối từ động mạch chủ đến động mạch vành sau chỗ hẹp. Động mạch ghép sẽ bắc cầu qua đoạn động mạch vành bị tắc nghẽn để cung cấp máu đã oxy hóa đến cho khu vực cơ tim đang bị thiếu máu và đảm bảo lưu lượng máu nuôi tim. Lượng máu tăng cường sẽ cải thiện triệu chứng, giảm nhu cầu dùng thuốc và kéo dài tuổi thọ bệnh nhân. Đoạn mạch này có thể là tĩnh mạch hoặc động mạch. Mổ bắc cầu chủ – vành được thực hiện nhằm mục đích tạo ra đường đi mới để máu có thể đến nuôi dưỡng cơ tim một cách đầy đủ trong trường hợp động mạch vành bị hẹp và tắc nghẽn nhiều.

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Có triệu chứng đau thắt ngực ổn định (thường chỉ xuất hiện cơn đau khi gắng sức), mức độ đau không thể chịu đựng được mặc dù đã được điều trị nội khoa đầy đủ.
  • Tổn thương mạch vành nặng: Tổn thương thân chung, hẹp nhiều nhánh, chức năng bơm máu của tâm thất trái kém hoặc có bệnh tiểu đường.
  • Có nguy cơ cao đột tử hoặc nhồi máu cơ tim trong tương lai (được đánh giá khi làm các nghiệm pháp gắng sức).
  • Có triệu chứng đau thắt ngực không ổn định (đau cả khi nghỉ ngơi, mức độ đau nhiều, cơn đau kéo dài lâu hơn hoặc không đáp ứng với điều trị bằng thuốc).
  • Người bệnh sau nhồi máu cơ tim có động mạch bị tắc không thể mở thông lại bằng phương pháp can thiệp đặt stent.

Chống chỉ định:

Phẫu thuật sẽ không thích hợp trên các đối tượng có chức năng thất trái kém không đáp ứng được về huyết động, các buồng đã dãn lớn và khó hồi phục, các đối tượng có nguy cơ cao khi phẫu thuật hoặc thời gian sống ngắn, chất lượng cuộc sống đã kém. Đồng thời, phẫu thuật cũng sẽ không đạt được tính hiệu quả của nó nếu bệnh nhân chỉ hẹp một đoạn ngắn trên một nhánh mạch vành đơn độc.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

Phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ – động mạch vành giúp tạo ra đường đi mới để máu đi vòng qua động mạch bị tắc hẹp tới nuôi dưỡng cơ tim. Sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, khoảng 95% người bệnh sẽ giảm được hoặc hết hẳn triệu chứng đau ngực; 85 – 90% người bệnh không bị đau ngực trở lại trong vòng 1 đến 3 năm sau mổ. Khoảng 75% không đau ngực và không có các biến cố lớn về bệnh mạch vành ở thời điểm 5 năm sau mổ.

Bệnh nhân sẽ giảm thời gian nằm viện, phục hồi nhanh sau mổ và hầu hết tránh được tác dụng có hại của máy tuần hoàn ngoài cơ thể nếu chưa đặt quá nhiều stent trước đó hoặc giai đoạn bệnh tiến triển quá nặng.

Nhược điểm:

Nguy cơ phát triển các biến chứng phụ thuộc vào sức khỏe người bệnh trước khi phẫu thuật. Nguy cơ cao hơn nếu người bệnh đã cao tuổi, mắc các bệnh kèm theo như đái tháo đường, suy thận, bệnh phổi mạn tính hoặc các bệnh động mạch ngoại vi.

4. Quy trình thực hiện – Phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ – động mạch vành

Bước 1: Chuẩn bị:

Trước khi thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, bệnh nhân sẽ được thăm khám kỹ lưỡng, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết để đánh giá có thực sự phù hợp can thiệp này hay không. Nếu chẩn đoán không rõ ràng, các triệu chứng của tim bị thiếu máu cục bộ quá mơ hồ, đôi khi bác sĩ sẽ chỉ định thêm các kiểm tra gắng sức, xem xét tình trạng đáp ứng của cơ tim. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được chụp mạch vành, xác định các vị trí tắc hẹp, đánh giá chiến bước can thiệp và thăm khám tiền mê, các xét nghiệm tiền phẫu cũng sẽ song song được thực hiện nhằm đánh giá tổng thể tình trạng các cơ quan khác trong cơ thể như phổi, gan, thận, não và mạch máu.

Khi đã có chỉ định, bệnh nhân sẽ được sắp xếp trước ngày giờ để chuẩn bị, nhịn ăn và vệ sinh cơ thể. Đến đúng hẹn, người bệnh sẽ được đưa lên phòng mổ, gây mê và thời lượng cuộc phẫu thuật sẽ tùy vào mức độ tắc nghẽn mạch vành, chiến lược can thiệp cũng như các sửa chữa trong tim kèm theo.

Bước 2: Tiến hành phẫu thuật:

Các bác sĩ sẽ gây mê giảm đau cho bệnh nhân. Cuộc mổ bắc cầu động mạch chủ – động mạch vành thường kéo dài 3-4 giờ. Đối với mảnh ghép động mạch ngực trong trái hoặc phải có cuống thì chỉ cần làm miệng nối xa trên mạch vành sau vị trí hẹp hoặc tắc nghẽn, đối với mảnh ghép rời thì phải làm hai miệng nối: Đầu gần trên động mạch chủ lên và đầu xa trên mạch vành. Để thực hiện miệng nối xa trên mạch vành, vùng làm miệng nối phải không di chuyển và kiểm soát chảy máu khi mở dọc động mạch vành.

Sau khi ca mổ kết thúc, bệnh nhân sẽ chuyển sang phòng hồi sức và tập dần khả năng vận động cũng như tuân thủ điều trị nội và tái khám kiểm tra chức năng tim mạch mỗi tháng sau đó.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

Các tác dụng phụ mà bệnh nhân có thể gặp phải và thường biến mất trong vòng 4-6 tuần sau phẫu thuật bao gồm:

  • Khó chịu hoặc ngứa ở vết mổ
  • Sưng nơi động mạch hoặc tĩnh mạch được lấy ra để ghép
  • Đau cơ bắp hoặc đau thắt vai và lưng trên
  • Mệt mỏi, thay đổi tâm trạng hoặc trầm cảm
  • Các vấn đề về giấc ngủ hoặc chán ăn
  • Táo bón
  • Đau ngực xung quanh chỗ rạch xương ngực (thường xuyên hơn với phương pháp phẫu thuật truyền thống).

6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Sốt từ 38°C trở lên hoặc ớn lạnh
  • Đỏ, sưng, chảy máu hoặc chảy dịch từ vết thương phẫu thuật
  • Đau nhiều ở vị trí được phẫu thuật
  • Khó thở
  • Mạch nhanh hoặc bất thường
  • Sưng ở chân
  • Tê ở tay và chân
  • Buồn nôn dai dẳng hoặc nôn mửa.

7. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

Sau khi tiến hành phẫu thuật thì người bệnh nên làm công việc nhẹ nhàng như ở trong văn phòng, nếu làm những hoạt động tay chân như xây dựng, mang vác nặng, bạn có thể trở lại làm việc hoàn toàn sau 12 tuần.

Bệnh nhân nên điều chỉnh chế độ ăn uống một cách khoa học và tốt cho tim mạch, giảm cholesterol. Sau khi phẫu thuật bắc cầu, người bệnh nên ăn các loại thịt màu trắng như thịt gia cầm bỏ da hoặc ăn cá 3 – 5 lần/tuần, đồng thời tăng cường các loại rau củ quả tươi. Hạn chế ăn các đồ ngọt nhiều đường.

Người bệnh nên đi kiểm tra đều đặn, kiểm soát cân nặng và bỏ thuốc lá là hai yếu tố rất quan trọng quyết định chất lượng cuộc sống người bệnh sau phẫu thuật.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *