1. Tổng quan về Phẫu thuật nội soi cắt túi mật
- Tên khoa học: Phẫu thuật nội soi cắt túi mật
- Tên thường gọi: Phẫu thuật nội soi cắt túi mật
- Mô tả sơ bộ kỹ thuật:
Phẫu thuật nội soi cắt túi mật là phương pháp phẫu thuật để cắt túi mật khi bệnh nhân mắc các bệnh lý liên quan đến túi mật và trở nên trầm trọng hơn. Bệnh nhân phải chịu đựng những cơn đau kéo dài và có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Phẫu thuật nội soi cắt túi mật sẽ giúp bệnh nhân loại bỏ khối u, sỏi mật nhanh chóng và hạn chế tỷ lệ biến chứng.
2. Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?
- Sỏi mật
- Polyp túi mật
- Viêm túi mật
- Ung thư túi mật
3. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định:
- Các trường hợp túi mật mất chức năng.
Chống chỉ định
- Người bệnh có chống chỉ định bơm hơi ổ bụng.
- Người bệnh có tiền sử tim mạch, nội khoa nặng nề
4. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật
Ưu điểm:
- Mổ nội soi ít đau.
- Vết mổ nhỏ.
- Thời gian mổ nhanh, tổn thương ít.
- Bệnh nhân nhanh hồi phục.
- Tỉ lệ biến chứng và tai biến thấp.
Nhược điểm:
- Sau phẫu thuật cắt túi mật nội soi, một số bệnh nhân sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa thoáng qua như ăn chậm tiêu, tiêu chảy… Tuy nhiên các triệu chứng này sẽ mất dần sau 3 đến 6 tháng.
5. Quy trình thực hiện Phẫu thuật nội soi cắt túi mật
Bước 1: Người bệnh được gây mê nội khí quản, nằm ngửa. Phẫu thuật viên chính đứng bên trái người bệnh ngang mức rốn.
Bước 2: Tiến hành phẫu thuật.
- Vào bụng theo phương pháp kín hoặc hở theo đường rạch 1cm trên hoặc dưới rốn đặt camera, duy trì bơm áp lực CO2(nhỏ hơn 15mm Hg).
- Đặt thêm các trocar dưới giám sát của camera đảm bảo nguyên tắc thuận lợi nhất cho phẫu thuật, (thường đặt thêm 2 trocar ở dưới mũi ức và dưới sườn phải).
- Dùng các dụng cụ không sang chấn phẫu tích bộc lộ túi mật.
- Phẫu tích bộc lộ ống cổ túi mật và động mạch túi mật. Ống cổ túi mật và động mạch túi mật được xử trí bằng clip hoặc buộc chỉ.
- Cắt túi mật ra khỏi giường túi mật bằng dao đốt điện đơn cực.
- Đối với những trường hợp khó xác định ống cổ túi mật có thể tiến hành cắt giường túi mật trước bằng dao đơn cực rồi thắt, cắt động mạch túi mật và ống cổ túi mật sau.
- Kiểm tra kỹ ống cổ túi mật, giường túi mật, ống mật chủ và động mạch túi mật.
- Lau sạch ổ bụng, lấy túi mật ra ngoài bằng túi nilon.
- Tháo hết khí CO2, đóng lại các lỗ trocar.
Bước 3: Kết thúc phẫu thuật.
- Tắt nguồn sáng, bơm CO2.
- Tháo các chi tiết ra khỏi máy.
- Kiểm tra bàn giao dụng cụ nội soi, ống kính, trang thiết bị …
- Ghi chép hồ sơ bệnh án.
- Chuyển người bệnh về phòng hồi tỉnh.
- Vệ sinh phòng mổ, và dụng cụ mổ.
6. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật
- Vết mổ của bệnh nhân bị đau râm ran.
- Bệnh nhân ăn không tiêu, ăn chậm tiêu hoặc tiêu chảy.
Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?
- Vết mổ bị chảy máu.
- Vết mổ bị nhiễm trùng.
- Bệnh nhân đau bụng dữ dội
7. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này
Trước khi mổ:
- Bệnh nhân nhịn ăn uống trước mổ 6 giờ.
- Bác sĩ cho bệnh nhân uống kháng sinh trước mổ.
Sau khi mổ:
- Kháng sinh sau mổ: dùng đường tiêm hoặc đường uống kháng sinh phổ rộng có thể kết hợp với Metronidazole.
- Giảm đau sau mổ: dùng đường truyền hoặc đường uống paracetamol phối hợp với tramadol.
- Theo dõi sau mổ: chảy máu, đau, nhiễm trùng, tai biến đường mật, các biến chứng của gây mê như nôn, chóng mặt, đau đầu,…
- Xuất viện: khi người bệnh không có các biểu hiện chảy máu, đau, nhiễm trùng, hẹp đường mật.
- Tái khám sau 07 ngày.
Nguồn: Vinmec