1. Tổng quan về Phẫu thuật tạo hình thành bụng ( Toàn bộ, bán phần)
- Tên khoa học: Phẫu thuật tạo hình thành bụng
- Mô tả sơ bộ kỹ thuật:
Thủ thuật này nhằm cắt bỏ phần da xấu ở bụng (da bị giãn, có sẹo, có vết rạn) sau đó kéo căng phần da còn lại xung quanh để hình thành da bụng mới. Trong quá trình cắt bỏ da thừa, có thể đồng thời hút mỡ thừa và điều trị cơ thành bụng bị hư tổn (mở rộng, sa ruột).
2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định:
- Phụ nữ sau sinh (sau ít nhất 6 tháng).
- Người bị giảm cân đột ngột khiến da bụng dư do không co theo kịp.
- Thành bụng bị giãn, chảy xệ, dư da.
- Dư da sau khi hút mỡ bụng
3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật
Ưu điểm:
- Cải thiện đáng kể về mặt thẩm mỹ cơ thể
- Giúp bệnh nhân thoải mái hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống và sự tự tin cho bệnh nhân, nhờ đó bệnh nhân có thể kiểm soát cân nặng tốt hơn.
- Cải thiện chức năng và tâm lý, bệnh nhân có thể điều chỉnh cân nặng của mình dễ dàng hơn.
Nhược điểm:
Nếu ca phẫu thuật không hoàn hảo sẽ gây ra rủi ro:
- Sẹo hơi bị lộ ra, dính hoặc không cân xứng. Sẹo lan rộng, phình ra hoặc không phẳng (sẹo lồi).
- Rốn nhìn không tự nhiên.
- Trong vài trường hợp, sẹo bị kéo quá căng
- Lông mu mọc ngược lên
Những kết quả không mong muốn này thường có thể chỉnh sửa được bằng điều trị, tiểu phẫu ngoại trú dưới gây tê tại chỗ hoặc gây tê tại chỗ kết hợp với thuốc an thần kể từ tháng thứ 12 trở đi sau phẫu thuật.
4. Quy trình thực hiện Phẫu thuật tạo hình thành bụng
- Bệnh nhân sẽ được khám với bác sĩ gây mê ít nhất trước 2 ngày diễn ra ca phẫu thuật.
- Kỹ thuật gây mê: Phẫu thuật bụng thường được thực hiện với gây mê toàn thân. Bệnh nhân sẽ ngủ suốt thời gian phẫu thuật.
- Vị trí đường rạch, mà sau này sẽ trở thành sẹo, phụ thuộc vào lượng da cần lấy đi. Lấy càng nhiều da thì sẹo sẽ càng lâu lành.
- Mỡ thừa được lấy đi bằng kỹ thuật hút mỡ bụng và cơ thành bụng được kéo căng lại.
- Bác sĩ phẫu thuật lấy mô mỡ và da cần lấy đi trong cuộc phẫu thuật có thể kéo dài từ 1 tiếng rưỡi đến 3 tiếng.
- Vị trí phẫu thuật sẽ được băng bó theo khuôn sau khi kết thúc thủ thuật.
- Phẫu thuật tạo hình thành bụng toàn bộ. Bác sĩ sẽ thực hiện một vết cắt lớn ở vùng bụng dưới ngay phía trên khu vực mu từ eo đến hông. Một vết rạch thứ hai sẽ được thực hiện để giải phóng rốn khỏi mô xung quanh. Bác sĩ sẽ tách da khỏi thành bụng. Tiếp theo, các cơ bụng được định vị lại, mỡ tích tụ và da dư sẽ được loại bỏ. Sau đó, bác sĩ tạo hình rốn mới. Da còn lại sẽ được kéo và khâu lại với nhau.
Phẫu thuật tạo hình thành bụng một phần hoặc nhỏ. Bác sĩ sẽ thực hiện một vết cắt lớn ở bụng dưới. Tiếp theo, bác sĩ phẫu thuật sẽ tách da khỏi thành bụng bên dưới rốn. Mỡ tích tụ và da thừa được lấy ra. Da còn lại sẽ được kéo lại với nhau và khâu lại tại chỗ. Phẫu thuật tạo hình thành bụng một phần phù hợp cho những người có mỡ ở bụng dưới.
5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật
- Sẹo vết mổ thường có màu đỏ trong 2 đến 3 tháng đầu và sẽ dần dần bớt đỏ từ tháng thứ 3 trở đi trong thời gian từ 1 đến 3 năm. Tránh để sẹo tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tia UV trong ít nhất 3 tháng.
- Có thể từ từ bắt đầu những hoạt động thể thao sau 6 tuần.
6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?
- Thuyên tắc huyết khối (cục máu đông nghẽn ở tĩnh mạch chân, thuyên tắc phổi) rất hiếm xảy ra nhưng nếu xảy ra, có thể đe doạ đến tính mạng. Những biến chứng này có thể được ngăn ngừa bằng các biện pháp dự phòng triệt để, ví dụ như đứng lên và đi lại ngay khi có thể sau phẫu thuật, đeo vớ chống thuyên tắc tĩnh mạch hoặc áp dụng liệu pháp kháng đông heparin.
- Huyết khối (tụ máu) rất hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra. Có thể hút cục máu đông ra để không làm ảnh hưởng đến kết quả thẩm mỹ cuối cùng.
- Nhiễm trùng, hiếm xảy ra, có thể được điều trị bằng cách dẫn lưu và dùng thuốc kháng sinh.
- Bạch huyết có thể tích tụ dưới da 8 ngày sau phẫu thuật. Khối tích tụ có thể được dẫn lưu và sẽ khô nhanh chóng mà không để lại di chứng.
- Hoại tử da tại chỗ. Hiếm khi xảy ra trường hợp hoại tử cả một vùng da lớn. Có thể ngăn ngừa hoại tử bằng cách thăm khám kỹ lưỡng và việc thực hiện phẫu thuật một cách thận trọng, không khâu quá căng.
- Vùng da ở bụng dưới có thể bị tê liệt. Hiện tượng này chỉ là nhất thời và phần lớn bệnh nhân lấy lại được cảm giác bình thường từ 3 đến 12 tháng sau phẫu thuật.
- Ở những bệnh nhân có da bị tổn thương nhiều hoặc mạch máu lưu thông dưới da kém, quá trình phục hồi và lành sẹo sẽ chậm hơn.
7. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này
- Không hút thuốc, ít nhất là 1 tháng trước và 1 tháng sau phẫu thuật (thuốc lá có thể làm sẹo lâu lành).
- Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân không uống thuốc ngừa thai, đặc biệt là những trường hợp có những yếu tố rủi ro liên quan (béo phì, tình trạng tĩnh mạch xấu, rối loạn đông máu)
- Không dùng thuốc có chứa aspirin trong 10 ngày trước phẫu thuật.
Nguồn: Vinmec