Sỏi thận acid uric và cách điều trị hiệu quả

Sỏi thận acid uric là căn bệnh chỉ chiếm 10% trong tổng số những người nhiễm bệnh sỏi thận. Bệnh không thể chỉ dùng thuốc để chữa mà còn phải kết hợp cùng một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học.

Thế nào là sỏi thận và sỏi thận acid uric

Sỏi thận là gì?

Sỏi thận là loại sỏi hình thành trên đường tiết niệu khi lượng nước tiểu quá ít hay nồng độ các chất khoáng gồm canxi oxalate, canxi photphat, struvite, axit uric và cysteine trong nước tiểu tăng cao, lắng đọng lại ở thận, về lâu dài kết lại tạo thành sỏi và được giữ lại thận cũng như tiếp tục phát triển.

Dựa theo thành phần tạo sỏi và nguyên nhân gây bệnh thì sỏi thận được chia làm 4 loại gồm có sỏi canxi, sỏi acid uric, sỏi struvite (sỏi nhiễm khuẩn), sỏi cystin.

  • Sỏi canxi oxalat: là dạng sỏi thường gặp nhất, chiếm đến 80% trường hợp mắc bệnh.
  • Sỏi struvite: xảy ra do nhiễm khuẩn, thường gặp ở phụ nữ nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Sỏi cystin: xảy ra do rối loạn biến dưỡng, là một dạng khiếm khuyết bẩm sinh hiếm gặp.
  • Sỏi thận acid uric: hiếm gặp, chỉ chiếm khoáng 10% tổng số trường hợp nhiễm bệnh sỏi thận.

Sỏi thận acid uric

Sỏi thận acid uric xảy ra do nước tiểu quá bão hòa acid uric tạo sỏi urat. Sỏi acid uric gặp ở những bệnh nhân bị tăng acid uric máu, mắc bệnh gút (rối loạn chuyển hóa acid nucleic), di truyền, béo phì, bệnh tiểu đường kháng insulin.

Sỏi thận acid uric mặc dù không cứng nhưng lại khó phát hiện hơn sỏi canxi. Vì vậy, ngay khi có những dấu hiệu sỏi thận dạng này, bệnh nhân cần đến bệnh viện để tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết nhằm xác định mình có bị nhiễm bệnh hay không để tiến hành điều trị.

Các triệu chứng của sỏi thận

Đau bụng dưới là một trong những dấu hiệu sỏi thận.

Sỏi thận thường không gây ra triệu chứng. Thông thường, các triệu chứng đầu tiên của sỏi thận là đau cực kỳ, khởi phát đột ngột khi một viên sỏi di chuyển trong đường tiết niệu và chặn dòng chảy của nước tiểu.

  • Cảm thấy đau dữ dội, đau quặn ở phía sau và vùng hông lưng trong khu vực của thận hoặc đau vùng bụng dưới là những biểu hiện sỏi thận đặc trưng. Sau đó, đau có thể lan đến vùng bẹn.
  • Đôi khi có kèm buồn nôn và ói mửa.
  • Nếu sỏi quá lớn để có thể thoát ra một cách dễ dàng, đau vẫn còn do các cơ ở thành niệu quản cố gắng co bóp để đẩy sỏi vào bàng quang.
  • Khi sỏi di chuyển và do cơ thể cố gắng tống xuất sỏi ra, máu có thể xuất hiện trong nước tiểu, khiến nước tiểu có màu hồng.
  • Khi sỏi xuống đến niệu quản đoạn gần bàng quang, bệnh nhân cảm thấy mót tiểu và đau rát khi đi tiểu.
  • Khi có sốt và lạnh rung đi kèm với các triệu chứng kể trên, có thể đã có nhiễm trùng. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần phải đi khám bệnh ngay.

Chẩn đoán sỏi thận acid uric

Để phát hiện sỏi thận acid uric, người bệnh nên tiến hành các phương pháp kiểm tra, bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu: có nhiều hồng cầu, bạch cầu, vi khuẩn nếu có nhiễm khuẩn.
  • Chụp X-quang:  có thể thấy được sỏi, trong một số trường hợp phải chụp niệu đồ tĩnh mạch (UIV) khi phát hiện sỏi axit uric.
  • Chụp niệu quản bể thận ngược dòng được thực hiện khi nguyên nhân bế tắc không xác định rõ.
  • Siêu âm bụng: có thể phát hiện được sỏi thận với hình ảnh tăng độ siêu âm có bóng lưng đi kèm, vị trí sỏi, hình ảnh trương nở đài bể thận phía trên vị trí bế tắc.
  • Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT):  giúp phân biệt sỏi không cản quang, máu cục hay bướu đường tiểu.  

Điều trị sỏi thận axit uric hiệu quả

Điều trị sỏi thận acid uric cần có chế độ ăn uống khoa học, hợp lý

Một số bệnh nhân sau khi được chẩn đoán bệnh sỏi thận acid uric thì vội vàng mua thuốc về dùng, tuy nhiên điều này không tốt. Trên thực tế các bác sĩ khuyến cáo trước hết bệnh nhân nên thực hiện chế độ ăn uống hợp lý ngay lập tức, trong đó:

Hấp thụ nhiều đạm động vật và lạm dụng bia rượu là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận acid uric. Vì vậy, khi phát hiện lượng acid uric trong máu tăng cao người bệnh cần dừng hoặc hạn chế tối đa việc ăn thịt động vật và gia cầm, tránh uống bia rượu.

Tăng cường bổ sung các loại rau xanh, trái cây vào khẩu phần ăn hàng ngày là điều nên làm trong quá trình điều trị sỏi thận acid uric.

Uống nhiều nước hỗ trợ rất tốt cho quá trình điều trị bệnh. Ngoài ra, nếu bạn có tiền sử bị sỏi thận thì nên uống 14 cốc nước mỗi ngày để ngăn chặn nguy cơ sỏi thận tái phát.

Bệnh nhân uống thuốc trị sỏi thận acid uric theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Điều trị sỏi thận acid uric bằng thuốc

Nếu sau một thời gian ăn uống kiêng khem mà lượng acid uric vẫn tiếp tục tăng thì bệnh nhân cần đến sự trợ giúp của thuốc trị sỏi thận. Bệnh nhân có thể tham khảo thuốc ức chế men xanthin oxydase làm giảm tạo thành axit uric như allopurinol, thiopurinol hoặc thuốc tiêu axit uric (enzym uricase).

Tuy nhiên, tuyệt đối không dùng nhóm thuốc tăng thải axit uric qua thận như probenecid cho những bệnh nhân có một trong các biểu hiện sau: tiền sử hoặc đang có sỏi thận, suy thận, có hạt tophi và giảm bài tiết urat qua thận.

Ngoài ra, nếu nhận thấy bất kỳ biểu hiện khác lạ nào của cơ thể trong quá trình dùng thuốc điều trị sỏi thận acid uric, cần báo ngay cho bác sĩ điều trị để được hỗ trợ kịp thời.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *