Chủ động phòng ngừa uốn ván rốn sơ sinh

Uốn ván rốn là một bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc, do trực khuẩn Clostridium tetani, Gram (+), hoặc gọi là vi khuẩn Nicolaire gây ra. Chủ động phòng ngừa uốn ván rốn sơ sinh là điều các gia đình nên làm.

Triệu chứng lâm sàng

Thời kỳ ủ bệnh

Kể từ khi cắt rốn tới khi có dấu hiệu cứng hàm là thời kỳ không có gì báo trước về bệnh uốn ván, thời gian ủ bệnh từ 4-15 ngày, trung bình là 7 ngày, ủ bệnh ngắn bệnh càng nặng.

Thời kỳ khởi phát  

Trẻ quấy khóc, bỏ bú, miệng chúm chím lại, trẻ đói nhưng không bú được nên càng khóc, lúc này nếu đè lưỡi ấn xuống thì thấy phản ứng lại đó là dấu hiệu cứng hàm (trismus), thời kỳ khởi phát này nhanh chóng chuyển sang thời kỳ toàn phát (từ vài giờ đến một ngày).

Thời kỳ toàn phát

Bệnh thể hiện rõ ràng, cứng hàm càng rõ, xuất hiện hai triệu chứng chính là cơn co giật và co cứng.

  • Cơn co giật:

Xảy ra một cách tự phát hay kích thích (ánh sáng, khám, bế cho ăn) lúc đó nét mặt trẻ nhăn nhúm lại, miệng chúm chím, sùi bọt mép, hai tay nắm chặt. Cơn co giật có thể kéo dài vài phút. Cũng có khi tới 5-6 giờ liền, nếu cơn co giật mạnh liên tục, dễ kèm theo cơn ngừng thở kéo dài 2-3 phút, thậm chí đến 20-30 phút do cơ thanh quản bị co thắt. Lúc đó tiếng tim đập chậm lại, nếu kéo dài tiếng tim rời rạc, mạch khó bắt, chân tay lạnh, mỗi cơn ngừng thở là một lần có thể đe doạ tính mạng bệnh nhi, hoặc dễ bị bội nhiễm và toan hoá máu.

  • Cơn co cứng cơ:

Người trẻ uốn cong, đầu ngả ra sau, hay tay khép chặt, nó thường xuyên hiện sau cơn co giật đầu tiên và kéo dài suốt thời gian trị bệnh.

  • Toàn thân

Nhiệt độ có thể bình thường nhưng thường tăng trên 37°c đến 40-41°C là yếu tố phối hợp làm cơn co giật xay ra.

Nếu không ngừa uốn ván rốn, bệnh kéo dài 2-3 tuần, dễ tử vong ở tuần thứ nhất và thứ hai trong cơn co giật, hoặc biến chứng viêm phổi.

Các thể uốn ván rốn

Nếu không ngừa uốn ván rốn, bệnh kéo dài 2-3 tuần, dễ tử vong ở tuần thứ nhất và thứ hai trong cơn co giật

Có 4 thể:

  • Thể tối cấp thường chết vì những cơn giật dài, mau, nếu không được cấp cứu kịp thời và có đủ phương tiện.
  • Thể nặng.
  • Thể trung bình.
  • Thể nhẹ.

Phân loại có thể tuỳ thuộc vào:

  • Thời gian ủ bệnh: uốn ván phát bệnh sau thời gian ủ bệnh càng ngắn càng nặng.
  • Cơn giật: Càng dài càng mau càng nặng.
  • Có các bệnh phối hợp như viêm phổi, viêm ruột hoại tử, viêm màng não… thì càng nặng.
  • Cân nặng khi đẻ: Càng ít thì càng xấu.

Làm gì khi phát hiện trẻ bị uốn ván?

Khi nghi ngờ trẻ bị uốn ván rốn phải chuyển trẻ đi bệnh viện tuyến trên để điều trị. Để giảm bớt cơn co giật, trong khi di chuyển bệnh nhi y tế cơ sở có thể tiêm thuốc an thần và kháng sinh cho trẻ. Cố gắng di chuyển nhẹ nhàng, tránh tiếng động và ánh sáng làm giảm các cơn co giật.

Phòng ngừa uốn ván rốn

Tiêm phòng ngừa uốn ván rốn

Hiện nay do công tác tiêm chủng mở rộng nên bệnh uốn ván rốn giảm đi rõ rệt:

Mũi thứ nhất tiêm cách mũi thứ 2 một tháng, thường tiêm vào tháng thứ 4 thai kỳ.

Mũi thứ hai tiêm trước khi đẻ 1 tháng, ít nhất là hai tuần để có đủ kháng thể sang thai.

Những lần sinh sau chỉ cần tiêm nhắc lại một mũi ở bất kì tháng nào của thai kì, nhưng phải trước khi đẻ ít nhất 2 tuần.

Tất cả phụ nữ từ 16 đến 45 tuổi đều được tiêm đủ 5 mũi sẽ phòng được uốn ván cả đời.

Vaccine ngừa uốn ván rốn do Amin tìm ra năm 1924, cơ thể người không có miễn dịch tự nhiên với vi khuẩn này, nếu người mẹ được tiêm phòng thì kháng thể qua rau sang thai, nhưng kháng thể không tồn tại quá 2 tháng trong máu con, nên sau khi ra đời trẻ phải được tiêm tiếp tục 3 mũi vào tháng thứ 2, thứ 3, thứ 4 của tuổi.

Thực hiện vô khuẩn khi đỡ đẻ

Người nữ hộ sinh khi đỡ đẻ, chăm sóc rốn sơ sinh phải rửa tay sạch bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hay nước sôi để nguội, sát khuẩn tay bằng cồn hay ngâm tay vào dung dịch sát trùng. Dụng cụ đỡ đẻ phải diệt khuẩn (kéo cắt rốn, chỉ buộc, băng rốn phải được hấp 120oC trong 20 phút hoặc nếu có điều kiện nên dùng gói đỡ đẻ sạch).  Không băng rốn quá kín vì cuống rốn dễ giữ ẩm và lâu khô; Không nên cắt dây rốn quá dài chỉ nên cắt cách cuống rốn 2-3cm là đủ. Chú ý trong khi chăm sóc trẻ ở những tuần đầu khi trẻ chưa rụng rốn cần phải giữ gìn băng rốn sạch sẽ, băng bị ướt (do tắm, do thấm nước tiểu) phải thay ngay.

Người nữ hộ sinh khi đỡ đẻ, chăm sóc rốn sơ sinh phải rửa tay sạch hay ngâm tay vào dung dịch sát trùng

Thực hiện vô khuẩn trong khi đẻ, cắt và làm rốn sạch là điều vô cùng cần thiết. Khuyến khích các bà mẹ nghỉ ngơi trước đẻ, thăm khám thai định kì để tránh đẻ rơi, đẻ tại nhà.

Trẻ có nguy cơ bị bệnh khi đẻ rơi, đẻ tại nhà, dụng cụ đỡ đẻ, cắt buộc rốn… không đảm bảo tiệt trùng thì nên tiêm huyết thanh chống uốn ván (S.A.T) 1500 đơn vị càng sớm càng tốt sau đẻ để phòng ngừa uốn ván rốn tối đa.

Chúng ta hi vọng ngừa uốn ván rốn sơ sinh hiệu quả để đẩy lùi bệnh và giảm khả năng mắc ở trẻ nhỏ.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *