Bệnh cúm là hiện tượng viêm đường hô hấp cấp tính do nhiều chủng loại virus cúm gây ra và có khả năng lây truyền rất cao. Từ lâu, đã có vaccine cúm có thể phòng được các chủng virus cúm mùa. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoang mang có nên tiêm phòng vaccine định kì không?
Do virus cúm liên tục biến đổi vì vậy việc tiêm phòng vaccine hàng năm là biện pháp phòng cúm mùa hiệu quả nhất.
Bệnh cúm có nguy hiểm không?
Phần lớn người nhiễm bệnh sẽ khỏi trong vòng 2 tuần, nhưng có nhiều trường hợp sẽ bị nặng hơn và có thể gây tử vong.
Do đó, nếu bạn đang có vấn đề về sức khỏe hoặc có tiền sử mắc các bệnh lý khác thì bạn sẽ làm các triệu chứng của cúm sẽ trầm trọng hơn và có nguy cơ cao mắc biến chứng về cúm.
Các triệu chứng của cúm:
Bệnh cúm có 1 số triệu chứng, biểu hiện điển hình mà bạn dễ nhận biết như sau:
- Sốt trên 38 độ C, kèm cảm thấy lạnh người, ớn lạnh.
- Ho.
- Đau họng.
- Nhức đầu.
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
- Đau cơ và hoặc đau toàn thân.
- Mệt mỏi.
- Nôn ói và tiêu chảy (biểu hiện này thường gặp ở trẻ hơn là ở người lớn).
Vaccine cúm phát huy tác dụng trong bao lâu?
Khi tiêm vaccine cúm, cơ thể sẽ giúp sản sinh kháng thể bảo vệ chúng ta chống lại virus cúm và thông thường vaccine này sẽ chỉ phát huy công dụng trong thời gian là dưới 1 năm.
Do virus cúm thường xuyên thay đổi tính kháng nguyên nên các nhà khoa học phải nghiên cứu và sản xuất vaccine cúm điều chỉnh những thành phần vaccine ngừa cúm mỗi năm phù hợp với chủng virus cúm đang lưu hành trên thế giới.
Như vậy, chúng ta biết virus gây bệnh cúm biến đổi mỗi năm nên vaccine năm ngoái không bảo vệ bạn an toàn khỏi mắc cúm trong năm nay. Vì vậy, tiêm phòng cúm được khuyến khích tiêm ngừa mỗi năm.
Bệnh cúm là bệnh dễ lây truyền và dễ bùng phát thành dịch. Nếu không điều trị đúng có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm xoang , viêm tai giữa hoặc có khả năng làm người bệnh tử vong. Vì vậy, tiêm vaccine ngừa cúm hàng năm là khuyến nghị của các bác sĩ dành cho sức khoẻ của bạn và gia đình.
Cơ chế hoạt động của vaccine cúm trong cơ thể bạn?
Vaccine chứa virus đã chết hoặc bị làm yếu, 2 tuần sau khi tiêm chúng vào cơ thể thì hệ miễn dịch của bạn sẽ tạo kháng thể để giúp ngăn ngừa virus gây bệnh cúm nói trên.
Tuy nhiên, vaccine cúm không giúp bạn ngừa virus gây bệnh cảm dù bệnh cảm cũng có biểu hiện bệnh tương tự như cúm.
Nên tiêm vaccine cúm vào thời điểm nào trong năm?
Chủng virus cúm thay đổi hàng năm nên cần tiêm vaccine cúm mùa trước khi vào mùa cúm của năm đó và nên tiêm càng sớm càng tốt khi có vaccine của năm đó.
Ở Việt Nam, theo nghiên cứu bệnh cúm cho thấy, dịch cúm thường xuất hiện quanh năm và đạt đỉnh vào tháng 3, 4, 9 và tháng 10 hàng năm. Nên bạn hãy chủ động tiêm trước mùa cúm khoảng 2 tuần đến 1 tháng.
Đối với phụ nữ đang lên kế hoạch mang thai, tốt nhất nên tiêm vaccine phòng cúm trước khi có thai. Nếu đang trong dịch cúm mùa mà chưa kịp tiêm trước khi mang thai thì vẫn có thể tiêm phòng vaccine ngừa cúm bất hoạt vào 3 tháng giữa thai kỳ.
Phụ nữ có thai là đối tượng có nguy cơ biến chứng cao do cúm gây ra và vaccine cúm là vaccine bất hoạt nên có thể tiêm khi mang thai.
Đối với trẻ em là đối tượng dễ nhiễm virus cúm nên tiêm vaccine cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi.
Đối tượng nào nên tiêm phòng cúm?
Virus này có thể gây cho mọi đối tượng, vì vậy trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên là đều cần chích ngừa cúm. Những người nằm trong đối tượng nguy cơ biến chứng cao thì càng cần chủ động chích ngừa hơn như:
- Người già từ 50 tuổi trở lên.
- Người lớn hay trẻ em suy giảm miễn dịch tự nhiên hay mắc phải (nhiễm HIV) hay được ghép tạng.
- Trẻ từ 6 tháng – 18 tuổi phải dùng aspirin lâu ngày.
- Phụ nữ có thai đang trong dịch cúm mùa.
- Người ở độ tuổi bất kỳ nào có mắc các bệnh lý mạn tính.
- Người sống cùng hoặc chăm sóc những người trong đối tượng nguy cơ cao bị biến chứng do cúm.
Lịch tiêm vaccine ngừa cúm mùa
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiêm phòng vaccine cúm làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm tỷ lệ tử vong do cúm tới 70 – 80% và có hiệu lực bảo vệ cơ thể khoảng 80% – 90%.
Vaccine phòng ngừa cúm mùa có thể tiêm bắt đầu với trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn.
Lịch tiêm như sau:
- Trẻ từ 6 tháng tới 9 tuổi và chưa từng tiêm vaccine cúm: Tiêm 2 mũi cách nhau, tối thiểu 1 tháng. Sau đó tiêm 1 mũi nhắc lại hằng năm.
- Trẻ lớn từ 9 tuổi và người lớn: Tiêm 1 mũi 0.5ml. Sau đó, nhớ lịch tiêm nhắc lại hàng năm.
Như vậy, virus cúm thường biến đổi kháng nguyên và vaccine chỉ có tác dụng phòng bệnh ngắn hơn 1 năm. Do đó, để phòng bệnh cúm mùa, mỗi người cần tiêm nhắc lại định kỳ mỗi năm 1 lần vaccine cúm với thành phần kháng nguyên thay đổi hàng năm.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.