Kháng sinh điều trị bệnh lậu bao gồm những loại nào?

Bệnh lậu là bệnh lây qua đường tình dục phổ biến gây ra bởi vi khuẩn. Khi đi khám bệnh, bác sĩ thường chỉ định sử dụng kháng sinh điều trị bệnh lậu theo một phác đồ cụ thể.

Bệnh lậu là một trong những căn bệnh xã hội phổ biến nhất hiện nay. Đây là bệnh gây ra bởi vi khuẩn có thể gây vô sinh ở cả nam và nữ. Một số người tin rằng bệnh này không thể được chữa khỏi, nhưng thực tế là nếu uống kháng sinh điều trị bệnh lậu theo phác đồ của bác sĩ thì vẫn có cơ hội khỏi bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh lậu

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh lậu (Gonorrhea) là một căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Bệnh do song cầu khuẩn Gram-âm tên là Neisseria gonorrhoeae gây ra.

Song cầu khuẩn gây bệnh lậu được tìm ra vào năm 1879, có những đặc điểm như:

  • Dài 1,6µm, rộng 0,8µm, và khoảng cách giữa hai vi khuẩn khoảng 0,1µm.
  • Hình dáng giống hạt cà phê và xếp thành từng cặp.
  • Bắt màu Gram-âm trong bạch cầu đa nhân.
  • Chỉ tồn tại vài giờ khi ra khỏi cơ thể.
Song cầu khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây bệnh lậu.

Bệnh lậu lây nhiễm chủ yếu khi quan hệ qua: âm đạo, hậu môn hoặc miệng. Một số trường hợp bị lây nhiễm do dùng chung vật dụng cá nhân với người nhiễm bệnh. Người mẹ bị lậu nếu không điều trị và sinh đẻ thì đứa trẻ sơ sinh có thể bị viêm kết mạc do lậu.

Triệu chứng bệnh lậu

Bệnh lậu ở nam giới

Bệnh lậu có thời gian ủ bệnh trung bình từ 3 – 5 ngày. Những dấu hiệu đầu tiên của bệnh có thể xuất hiện sớm nhất trong vòng 1 ngày và trễ nhất trong vòng 2 tuần. Trong thời gian ủ bệnh, người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác.

Những dấu hiệu của bệnh lậu ở nam giới bao gồm:

  • Xuất hiện cảm giác khó chịu dọc niệu đạo.
  • Tiểu buốt, tiểu rắt.
  • Đi tiểu ra mủ hoặc mủ tự chảy ra.
  • Quy đầu viêm đỏ và xuất hiện miệng sáo.
  • Toàn thân mệt mỏi và có thể kèm sốt.
Tiểu buốt ra mủ là một trong những dấu hiệu lâm sàng của bệnh lậu.

Nếu bệnh lậu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách thì có thể tiến triển thành lậu mạn tính. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng như: viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, viêm túi tinh, viêm tiền liệt tuyến…

Bệnh lậu ở nữ giới

Thời gian ủ bệnh ở nữ giới trung bình từ 5 – 7 ngày. Biểu hiện của bệnh thường không rõ ràng, phải đi khám bác sĩ thì mới phát hiện ra. Lậu cấp tính ở nữ có những triệu chứng như: Âm hộ, lỗ niệu đạo, tuyến Skène, Bartholin, cổ tử cung viêm đỏ và có mủ vàng hoặc xanh chảy ra. Bệnh nếu để lâu không chữa thì có thể dẫn đến biến chứng như: Viêm niêm mạc tử cung, viêm tắc vòi trứng, viêm hố chậu… có thể gây vô sinh.

Bệnh lậu ở những vị trí khác

Ngoài bộ phận sinh dục ở hai giới, những bộ phận khác trên cơ thể cũng có thể bị nhiễm lậu:

  • Lậu mắt: Viêm kết mạc, viêm giác mạc, mắt sưng có mủ không mở được. Lậu có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt.
  • Lậu cổ họng: Biểu hiện là đau, ngứa họng. Khi soi thì thấy họng đỏ và mưng mủ. Bệnh lây nhiễm do quan hệ tình dục qua đường miệng với người nhiễm bệnh.
  • Lậu hậu môn: Mót rặn, liên tục buồn đại tiện, lúc đầu có thể ra phân nhưng sau đó có thể chỉ có chất nhầy. Bệnh do quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc mủ chảy từ ôm hộ xuống hậu môn (ở nữ giới).

Cách chẩn đoán bệnh

Khi nghi ngờ mắc bệnh lậu, không được tự ý mua kháng sinh điều trị bệnh lậu. Tốt nhất là đến trung tâm y tế hoặc phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị bằng phương pháp phù hợp.

Tại phòng khám, bác sĩ sẽ thực hiện những xét nghiệm như:

  • Tiến hành nhuộm màu Gram-âm.
  • Nuôi cấy trong môi trường Thayer – Martin.
  • PRC (Polymerase Chain Reaction).
  • Thực hiện những thí nghiệm khác để phát hiện những bệnh có thể phối hợp với lậu như giang mai, HIV hay nhiễm trùng roi.
Hình ảnh nhuộm Gram-âm vi khuẩn lậu.

Những kháng sinh điều trị bệnh lậu

Nếu nhận thấy những dấu hiệu lâm sàng của bệnh lậu thì cần phải đi khám và điều trị sớm. Cần tuân thủ chế độ điều trị: Điều trị đúng phác đồ, không quan hệ tình dục, không làm thủ thuật tiết niệu, không sử dụng chất kích thích, tránh thức khuya và tránh làm việc nặng.

Bác sĩ có thể chỉ định những loại kháng sinh điều trị bệnh lậu như: Cefixim, ceftriaxon hoặc spectinomycin. Đồng thời, bệnh nhân cũng được chỉ định điều trị bệnh Chlamydia với các loại thuốc như: Azithromycin, doxycyclin, tetracyclin, erythromycin hoặc clarithromycin. Trong đó, doxycyclin và tetracyclin chống chỉ định đối với trẻ em dưới 7 tuổi, phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú.

Nếu xuất hiện biến chứng nghiêm trọng như lậu toàn thân hay viêm màng não, bệnh nhân cần được nhập viện để điều trị. Phát hiện trẻ sơ sinh bị lậu mắt thì ngoài việc điều trị cho bé thì cần điều trị cho cả bố mẹ. Nếu cặp đôi có một người mắc lậu thì bạn tình cũng cần điều trị giống như điều trị cho người bệnh.

Trên đây là thông tin về bệnh lậu và những kháng sinh điều trị bệnh lậu. Điều quan trọng nhất khi phát hiện bệnh là đi khám và chữa bệnh kịp thời để ngăn chặn từ sớm những biến chứng của bệnh lậu.

Nguồn tham khảo: Bộ Y tế

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *