Khi nào cần làm xét nghiệm chẩn đoán virus Corona?

Đầu năm 2020, cả thế giới hoang mang vì bệnh dịch viêm phổi cấp mới bắt nguồn từ Vũ Hán – Trung Quốc do chủng mới Covid-19. Việc chẩn đoán sớm và cách ly người nhiễm bệnh có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hơn.

Dịch Covid lây lan với tốc độ truyền nhanh, số người mắc tăng lên chóng mặt, khiến cả thế giới hoang mang lo lắng. Vậy khi nào cần làm xét nghiệm chẩn đoán Covid-19?

Covid-19 là gì? Vì sao bệnh là nỗi ám ảnh trên toàn thế giới

Covid-19 hay 2019-nCoV là tên gọi của một loại vius Corona mới, đây là một họ virus có khả năng lây truyền từ động vật sang người và gây bệnh viêm đường hô hấp cấp cho người dân. Người bệnh từ cảm lạnh thông thường đến các tình trạng bệnh nặng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng của người.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Chỉ có 3 con đường lây nhiễm cơ bản của 2019-nCoV là lây truyền qua tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp hoặc lây trực tiếp do khi tiếp xúc với người bệnh mà không thực hiện biện pháp phòng bệnh.

Con đường cuối cùng là lây truyền qua bề mặt trung gian đã nhiễm bẩn mà virus bám trên bề mặt.

Hơn nữa, Bộ Y tế cũng khẳng định Covid-19 chỉ lây nhiễm bởi những giọt bắn trong quá trình tiếp xúc, nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi của người nhiễm bệnh trong khoảng cách 2m. Do đó, mọi người nên giữ khoảng cách trên 2m khi giao tiếp là an toàn.

Chính vì con đường lây truyền dễ dàng và nhanh chóng nên số người mắc bệnh tại Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung đang ngày một gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Khi nào cần làm xét nghiệm chẩn đoán Covid-19?

Khi người bệnh có những triệu chứng lâm sàng cụ thể như sau:

  • Có hiện tượng sốt trên 38 độ C liên tục và có triệu chứng viêm đường hô hấp dưới (ho, khó thở, sổ mũi…).
  • Có tiền sử đi du lịch hoặc sống ở vùng dịch trong vòng 14 ngày trước khi có triệu chứng hoặc tiếp xúc gần với người bệnh nghi ngờ nhiễm Covid-19.

Xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 được thực hiện thế nào?

Người bệnh nghi ngờ nhiễm Covid-19 sẽ được nhân viên y tế thu thập mẫu bệnh phẩm là dịch đường hô hấp (dịch tỵ hầu, dịch họng, đờm, dịch phế nang, dịch nội khí quản, dịch màng phổi…). Các kỹ thuật viên phòng xét nghiệm sẽ tiến hành xử lý mẫu bệnh phẩm để tách chiết thu nhận RNA virus.

Các phòng xét nghiệm thường sử dụng phương pháp Realtime RT –PCR để phát hiện virus corona

Trình tự hệ gen của chủng Covid-19 đã được công bố trên GenBank. Hiện nay có 2 phương pháp phổ biến dùng cho chẩn đoán Covid-19 bao gồm: giải trình tự gen và Realtime RT- PCR.

Phương pháp giải trình tự gen thường có kết quả lâu hơn và tốn kém hơn so với phương pháp Realtime RT–PCR. Do vậy, để đáp ứng công tác sàng lọc phân loại nhanh chóng và phát hiện sớm bệnh nhân nghi nhiễm virus, các phòng xét nghiệm thường sử dụng phương pháp Realtime RT –PCR.

Nguyên lý của phương pháp này dựa vào việc thiết kế các cặp mồi, đầu dò đặc hiệu để bắt cặp vào các trình tự vùng gen bảo thủ Covid-19. Các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng các vùng gen để thiết kế mồi đặc hiệu như vùng gen mã hóa protein vỏ (E: envelope protein), Nucleocapsid protein cùng vùng RpRd mã hóa cho RNA polymerase.

 Sau đó, các cặp mồi đặc hiệu sẽ nhân lên trong các đoạn gen đặc thù của chủng virus Covid-19, kết quả sẽ được đọc và phân tích trên hệ thống thiết bị của Realtime PCR. Thời gian cho xét nghiệm này kéo dài từ 2 tiếng tới 6 tiếng tùy theo cách thiết kế cặp mồi đặc hiệu.

Điều trị dịch viêm phổi cấp do virus Corona mới

Nguyên tắc điều trị

  • Các ca bệnh dù nghi ngờ cũng đều phải được khám ở khu riêng biệt tại bệnh viện.
  • Bệnh phẩm được lấy đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán xác định bệnh.
  • Ca bệnh đã xác định cần nhập viện theo dõi và cách ly hoàn.

Điều trị hỗ trợ

Dùng thuốc giảm ho nếu có ho nhiều, nhỏ mũi bằng các thuốc nhỏ thông thường.

Hạ sốt: nếu sốt trên 38,5 độ C thì dùng thuốc hạ sốt paracetamol theo chỉ định bác sĩ: với liều 10 – 15 mg/kg ở trẻ em, còn ở người lớn không quá 2 g/ngày.

Điều chỉnh tình trạng rối loạn nước bằng điện giải và thăng bằng kiềm toan.

Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và kiểm soát đường huyết.

Trường hợp bị bội nhiễm phế quản phổi nên dùng kháng sinh phổ rộng và có tác dụng với vi khuẩn gây nhiễm trùng ở bệnh viện.

Dùng thuốc giảm ho nếu có ho nhiều theo chỉ định bác sĩ

Đối với trường hợp nặng, bác sĩ sẽ cân nhắc dùng gamma globulin truyền tĩnh mạch (IVIG).

Điều trị bệnh nền (nếu có).

Tiêu chuẩn xuất viện

Người bệnh được xuất viện khi đã hết sốt ít nhất 3 ngày.

Cơ thể đã phục hồi tốt gồm mạch, huyết áp, nhịp thở và làm các xét nghiệm máu trở về bình thường, X-quang phổi cải thiện.

Chức năng thận trở về bình thường.

Sau khi xuất viện

Người bệnh phải tự theo dõi tại nhà thân nhiệt của mình 12 giờ/lần, nếu nhiệt độ cao hơn 38° C ở 2 lần đo liên tiếp hoặc xuất hiện thêm dấu hiệu bất thường khác, phải đến khám lại ngay tại nơi đã điều trị.

Như vậy, dịch Covid-19 hiện nay đã và đang được bộ Y Tế kiểm soát và có phác đồ chuẩn đoán, điều trị. Nếu có những dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh hãy chủ động báo cho cơ sở Y tế gần bạn và tới khám để đảm bảo sức khỏe cho bạn và mọi người xung quanh.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *