Thuốc kháng sinh và kháng viêm được sử dụng chủ yếu trong điều trị các bệnh viêm nhiễm. Nhưng làm sao để phân biệt thuốc kháng sinh và kháng viêm, khi nào thì nên sử dụng để có hiệu quả tốt nhất.
Ngày nay, việc sử dụng kháng sinh và kháng viêm khá phổ biến. Không ai trong chúng ta lại không từng gặp phải các triệu chứng thông thường như sổ mũi, hắt hơi, đau rát cổ họng (biểu hiện cho các bệnh lý liên quan đến nhiễm khuẩn tai mũi họng). trong trường hợp này thì kháng sinh và kháng viêm là hai loại thuốc thường được sử dụng. Tuy nhiên, nếu cứ gặp triệu chứng như trên là phải uống thuốc kháng sinh hay kháng viêm thì có thể dẫn đến kháng kháng sinh và lạm dụng kháng viêm. Vậy làm sao để phân biệt khi nào nên dùng thuốc kháng sinh và khi nào nên dùng thuốc kháng viêm?
Phân biệt thuốc kháng sinh và kháng viêm
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh là gì?
Thuốc kháng sinh là thuốc dùng để chống nhiễm trùng do vi khuẩn bằng cách tiêu diệt hoặc làm giảm sự phát triển của vi khuẩn.
Thuốc kháng sinh được dùng như thế nào?
Hầu hết các loại thuốc kháng sinh đều có tác dụng lên toàn cơ thể và được bào chế ở 2 dạng là dạng viên uống hoặc tiêm truyền. Dạng tiêm chỉ được thực hiện trong các cơ sở y tế, áp dụng đối với bệnh nhân nặng, kháng sinh dạng viên uống thường được chỉ định dùng ngoại trú.
Kháng sinh bắt đầu hoạt động ngay sau khi bạn đưa nó vào cơ thể. Tuy nhiên, bạn có thể sẽ không cảm thấy mình khỏe hơn ngay trong 2 – 3 ngày đầu sử dụng. Khó xác định được dùng kháng sinh trong bao lâu mới có thể hết bệnh vì điều này còn tùy thuộc vào bệnh lý nhiễm khuẩn mà bạn đang gặp phải.
Đa số các loại kháng sinh nên được dùng trong 7 – 14 ngày, đây là khoảng thời gian hợp lý để thấy được kết quả từ thuốc kháng sinh. Với một số kháng sinh thế hệ mới có thể rút ngắn thời gian xuống còn 3 – 5 ngày cho các nhiễm khuẩn đường hô hấp. Bác sĩ là người sẽ quyết định thời gian điều trị tốt nhất và loại kháng sinh chính xác cho bạn.
Thuốc kháng viêm
Thuốc kháng viêm là gì?
Viêm là phản ứng miễn dịch của cơ thể, nhằm tiêu diệt các tác nhân được cơ thể xem là “ngoại lai”, có thể gây nguy hại. Do đó, trong hầu hết các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus hay dị ứng, phản ứng viêm đều sẽ xảy ra.
Đây là một phản ứng có lợi, tuy nhiên, khi viêm kéo dài hoặc diễn ra một cách rầm rộ với các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của bệnh nhân. Vì vậy, thuốc kháng viêm thường được dùng để kiểm soát và rút ngắn thời gian của quá trình viêm, hỗ trợ giảm đau và hạ sốt.
Thuốc kháng viêm được dùng như thế nào?
Thuốc kháng viêm được chia làm 3 nhóm chính:
- Nhóm thuốc kháng viêm dạng men (enzyme)
- Nhóm thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID)
- Nhóm kháng viêm corticoid.
Trong 3 loại trên, nhóm kháng viêm corticoid có tác dụng kháng viêm mạnh nhất và được sử dụng khá phổ biến tại Nhà thuốc cho các bệnh lý nhiễm khuẩn tai mũi họng, viêm mũi dị ứng, viêm phổi, hen phế quản, thuyên tắc phổi mãn tính hay các trường hợp dị ứng với thức ăn và mỹ phẩm.
Tùy vào bệnh lý và mức độ viêm mà bác sĩ sẽ xác định loại thuốc và liều lượng phù hợp cho bạn.
Tóm lại, để phân biệt thuốc kháng sinh và kháng viêm chúng ta chỉ cần nhớ, kháng sinh chỉ có tác dụng trên vi khuẩn và kháng viêm chỉ giúp làm giảm triệu chứng tức thời.
Điều bạn cần làm khi sử dụng kháng sinh, kháng viêm
Thuốc kháng sinh và kháng viêm mặc dù có tác dụng điều trị cao nhưng lại rất nguy hiểm nếu không được sử dụng đúng cách. Vì vậy, với bất kỳ bệnh lý gây viêm nhiễm hoặc bạn nghi ngờ có liên quan thì vẫn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và được bác sĩ hướng dẫn.
Bạn cần đọc kỹ trên bao bì và tờ hướng dẫn để dùng đúng cách, đúng liều lượng. Khi chưa rõ thông tin nào, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm. Bạn cũng có thể hỏi nhân viên y tế về các biện pháp giảm thiểu nguy cơ như chế độ ăn, thói quen sinh hoạt, luyện tập và chăm sóc sức khỏe. Đồng thời theo dõi các tác dụng không mong muốn của thuốc và báo ngay cho nhân viên y tế để có những hướng dẫn phù hợp.
Việc tự ý sử dụng kháng sinh, kháng viêm tại nhà hoặc khuyên người khác sử dụng kháng sinh đều sẽ gây ra những tác hại khôn lường, đặc biệt là bạn có thể gặp tác dụng phụ của kháng sinh, kháng viêm hoặc xảy ra tình trạng lờn thuốc, gây khó khăn trong điều trị. Vì mỗi cơ thể là khác nhau và tình trạng, mức độ bệnh cũng khác nhau. Bạn không thể tự chẩn đoán cho chính mình hoặc cho người khác mà chỉ có thể biết rõ bệnh tình khi được khám chuyên khoa và làm các xét nghiệm cần thiết.
Nguồn tham khảo: SGGP
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.