1. Tổng quan về Thay huyết tương sử dụng huyết tương
- Tên kỹ thuật: Thay huyết tương sử dụng huyết tương
- Mô tả sơ bộ kỹ thuật:
Thay huyết tương sử dụng huyết tương là kỹ thuật tách huyết tương từ máu của bệnh nhân để bỏ đi và đồng thời truyền trả các huyết tương mới. Do đó làm cải thiện tình trạng yếu cơ và giúp cho bệnh nhân được hồi phục nhanh cơ lực
Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?
- Hội chứng Goodpasture
2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định:
- Thiếu máu tan huyết
- Viêm cầu thận cấp
- Bệnh nhân nặng đang điều trị tại ICU.
- Bệnh lý thần kinh: bệnh nhược cơ nặng, bệnh viêm mạn tính đa dây thần kinh mất myelin, hội chứng Guillain – Barre.
- Bệnh về thận: hội chứng Goodpasture, viêm cầu thận ác tính.
- Bệnh về máu: hội chứng tăng độ quánh máu, tăng cryoglobulin máu, thiếu máu tan máu tự miễn, ban xuất huyết giảm tiểu cầu tắc mạch, ban xuất huyết giảm tiểu cầu sau truyền máu, thiếu máu tan máu ở trẻ sơ sinh do bất đồng nhóm máu mẹ – con.
- Bệnh chuyển hóa: tăng cholesterol, tăng triglycerid máu, ngộ độc thuốc và các hóa chất, digitalis, asen, paraquat, quinin,...
Chống chỉ định:
- Bệnh nhân bị tụt huyết áp nặng.
- Bệnh nhân bị rối loạn đông máu.
- Thận trọng trong các trường hợp bệnh nặng có suy hô hấp, suy tuần hoàn và nhiễm trùng nặng.
3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật
Ưu điểm:
- Tỷ lệ thành công trên 95%.
- Kỹ thuật nằm trong danh mục được Bảo hiểm y tế hỗ trợ.
- Cải thiện tình trạng bệnh lý của bệnh nhân nhanh chóng, hiệu quả.
- Bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.
Nhược điểm:
- Bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ.
4. Quy trình thực hiện Thay huyết tương sử dụng huyết tương
- Bước 1: Đưa bệnh nhân vào phòng vô khuẩn, đặt bệnh nhân lên giường bệnh đúng tư thế.
- Bước 2: Lựa chọn đường vào mạch máu.
- Các bệnh nhân được thay huyết tương cần phải có đường vào mạch máu bằng ông thông hai nòng và được đặt ở mạch máu lớn để bảo đảm lưu lượng và sự thông thoáng của máu. Ống thông được đặt theo phương pháp Seldinger.
- Đường tĩnh mạch đùi là hay dùng nhất vì dễ chọc và ít tai biến.
- Bước 3: Thiết lập vòng tuần hoàn ngoài cơ thể.
- Bật nguồn điện, chọn phương thức điều tộ “Plasma Exchange”, sau đó lắp màng tách huyết tương và dây dẫn máu vào máy theo chỉ dẫn.
- Đuổi khí tương tự như phương pháp thẩm tách máu (thận nhân tạo), thường dùng NaCl 0,9% 1000 ml + 2000 UI heparin.
- Kiểm tra toàn bộ hệ thống an toàn của vòng tuần hoàn ngoài cơ thể (các khoá, đầu tiếp nối của máy…).
- Nối đường máu ra (nòng ống thông màu đỏ) với tuần hoàn ngoài cơ thể, mở bơm máu (tốc độ khoảng 60 – 70ml/phút), bơm liều đầu của thuốc chống đông (heparin 2000 UI), khi máu đến 1/3 màng lọc thì ngừng bơm máu và nối hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể với đường tĩnh mạch (nòng ống thông màu xanh) và tăng dần lưu lượng bơm máu tới 200ml/phút.
- Đặt các thông số cho máu hoạt động.
- Lưu lượng máu: 150 – 200ml/phút.
- Liều bơm heparin: liều đầu 2000 UI, liều duy trì 500 – 1000 Ul/giờ.
- Lưu lượng huyết tương được tách bỏ: 500ml -1000 ml/giờ.
- Lưu lượng huyết tương hoặc dịch thay thế được bù vào: 500 – 1000ml/giờ.
- Có thể cài đặt bilan thể dịch vào ra theo ý muốn và máy sẽ thực hiện một cách tự động.
- Nhiệt độ huyết tương hoặc dịch thay thế bù vào cài đặt ở 37°c.
- Thời gian lọc huyết tương: thông thường trong 2 – 3 giờ.
- Bước 4: Sau khi thay huyết tương xong tắt máy và kết thúc quá trình thay.
Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật
- Bệnh nhân ăn uống và sinh hoạt bình thường.
5. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?
- Bệnh nhân bị tụt huyết áp.
- Bệnh nhân bị chảy máu.
- Bệnh nhân bị nhiễm trùng.
Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này
- Bệnh nhân phải được theo dõi các dấu hiệu sinh tồn.
- Theo dõi các thông số của máy: áp lực vào ra của máy, áp lực trong màng và áp lực xuyên màng.
- Theo dõi các xét nghiệm thường quy và đặc hiệu để đánh giá kết quả điều trị.
- Sau khi lọc huyết tương xong phải rửa sạch hai nòng ông thông bằng NaCl 0,9%, sau đó bơm vào mỗi bên nòng 5000IU heparin để lưu ống thông cho lần lọc sau.
Nguồn: Vinmec