Bướu cổ dạng nang là gì? Có mấy dạng bướu cổ dạng nang và cách điều trị thế nào? Đây là những điều được rất nhiều người bệnh quan tâm.
Với người mắc các chứng bệnh về tuyến giáp thường sẽ mất nhiều thời gian điều trị để cân bằng lại hormone. Bướu cổ dạng nang cũng không ngoại lệ, tuy nhiên nhiều người lại chưa có kiến thức về loại bướu cổ này. Do đó, hãy tìm hiểu kỹ về bệnh để có các biện pháp phòng ngừa và chữa trị hiệu quả nhất.
Có mấy loại bướu cổ dạng nang?
Bướu cổ dạng nang đơn là dạng u nang thực sự của tuyến giáp, rất hiếm gặp, chỉ xảy ra khoảng 1% trong số các trường hợp viêm tuyến giáp; thường là lành tính. Triệu chứng của bệnh là tổn thương dạng lỏng, bướu cổ phình to, vách nang nhẵn…
Bướu cổ dạng nang phức hay bướu cổ dạng nang giáp hỗn hợp không phải là dạng u nang thực sự ( còn gọi u nang giả). Nang được hình thành do kết quả của quá trình chảy máu, hoại tử trong các nhân ác tính hoặc các nhân đặc lành tính trong tuyến giáp. Tùy từng thời kì thoái hóa mà dịch nang có thể là máu, dịch có máu, hoặc dịch có màu vàng chanh. Bướu cổ dạng nang phức là tổn thương khá phổ biến, chiếm khoảng từ 20 – 30% trong số các trường hợp bệnh về tuyến giáp.
Bướu cổ dạng nang có nguy hiểm không?
Phần lớn các bướu cổ dạng nang không quá nguy hiểm và không có bất kỳ triệu chứng nào rõ ràng, thường chỉ được phát hiện tình cờ qua thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc làm các xét nghiệm vùng cổ.
Tuy nhiên, bướu cổ dạng nang không có nghĩa là loại trừ hoàn toàn khả năng bướu cổ gây ung thư. Nếu nang chỉ có dịch bình thường thì thường nguy cơ ung thư thấp. Nhưng trong trường hợp nang có chứa thêm thành phần mô đặc thì tỷ lệ ung thư sẽ cao hơn.
Bướu cổ dạng nang không gây nhiều nguy hiểm
Chẩn đoán và điều trị bướu cổ dạng nang
Chẩn đoán bướu cổ dạng nang
Khi được chẩn đoán là bướu cổ dạng nang, việc siêu âm để biết kích thước, hình dạng và thành phần trong nang là điều cần thiết. Bác sĩ sẽ dựa vào đó để quyết định phương pháp điều trị. Đôi khi bệnh nhân cũng được làm xét nghiệm xạ hình giúp cho bác sĩ nhìn được tính chất của nang và mô tuyến giáp.
Điều trị bướu cổ dạng nang
Qua một thời gian, bướu cổ dạng nang có thể thu nhỏ kích thước. Nếu nó không phát triển và gây ra bất kỳ triệu chứng nào thì có thể không cần phải điều trị. Tuy nhiên, bướu cổ dạng nang có thể gây ra biến chứng là chảy máu trong nang và làm cho nang phát triển đột ngột gây đau, nuốt khó… nếu triệu chứng này xảy ra thì cần điều trị ngay.
Phẫu thuật không phải là chỉ định hay dùng khi điều trị bướu cổ dạng nang. Việc điều trị với cách hút dịch đơn thuần thì nang giáp có thể tái phát; tỷ lệ là 10 – 80% tùy thuộc số lượng và thể tích nang. Vì vậy, việc thực hiện hút dịch trong nang và bơm ethanol hoặc tetracycline vào nang để giảm nguy cơ tái phát là một phương pháp điều trị hay dùng. Nếu nang giáp tái phát và bác sĩ nghi ngờ có nguy cơ ung thư thì phẫu thuật sẽ được chỉ định.
Dinh dưỡng cho người mắc bướu cổ dạng nang
Bướu cổ dạng nang nên ăn gì?
Những thực phẩm mà người mắc bướu cổ dạng nang nên ăn gồm:
- Thực phẩm giàu i-ốt: Tuyến giáp rất cần i-ốt để sản xuất ra các hormone cần thiết. Nếu bạn muốn tìm đến nguồn thực phẩm chứa nhiều i-ốt tự nhiên thì hãy lựa chọn các loại hải sản, tảo biển…
- Rau lá xanh: Rau chân vịt, rau diếp, cải xoăn… đều là những loại rau lá xanh dồi giàu nguồn magie và khoáng chất. Thường xuyên ăn rau lá xanh không chỉ hỗ trợ tuyến giáp mà còn giảm thiểu tình trạng mệt mỏi, chuột rút cơ và rối loạn nhịp tim.
- Các loại hạt: Hạt hạnh nhân, hạt điều, hạt bí… cũng là một nguồn thực phẩm giàu sắt và magie nên rất tốt cho tuyến giáp.
Hải sản là loại thức ăn chứa nhiều i ốt
Bướu cổ dạng nang không nên ăn gì?
Bướu cổ dạng nang không nên ăn gì? Vì các thực phẩm hấp thu trực tiếp vào cơ thể có thể khiến bệnh phát triển nặng hơn.
- Các sản phẩm từ đậu nành: Một số chất được tìm thấy trong các sản phẩm làm từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu hủ… có thể cản trở khả năng sản xuất hormone của tuyến giáp. Bởi vì, đậu nành có thể gây giảm khả năng hấp thụ i-ốt của cơ thể. Do đó, nếu bạn mắc các chứng bệnh về mất cân bằng hormone hay tuyến giáp thì bạn nên hạn chế sử dụng đậu nành hoặc đậu phụ.
- Nội tạng động vật: Thận, gan, hoặc tim đều là những cơ quan nội tạng có chứa nhiều chất axit lipoic – một axit béo có thể làm chậm quá trình hoạt động của tuyến giáp nếu bạn hấp thụ quá nhiều. Thậm chí, axit lipoic còn gây tác động lên các loại thuốc mà bạn đang sử dụng để điều trị.
- Thực phẩm chứa nhiều gluten: Gluten có nhiều lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen… nó sẽ không tốt khi bạn mắc các bệnh về tuyến giáp.
Bướu cổ dạng nang là dạng bướu cổ có chứa dịch, có thể là máu, chất dịch… Có thể điều trị bằng cách chọc hút chất dịch hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên người bệnh cũng cần chú ý chế độ ăn uống để có thể mau chóng đẩy lùi bệnh.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.