Trước tình hình dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp hơn ở nhiều quốc gia trên thế giới, hầu hết mọi người đều chọn cách sử dụng khẩu trang để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên việc đeo khẩu trang liên tục như thế dễ khiến một số người bị kích ứng da hoặc nổi mụn.
Trong mùa dịch Covid-19 hiện nay, khẩu trang đang được sử dụng ngày càng nhiều hơn. Nhưng chúng ta cũng phải lưu ý việc đeo phải đảm bảo tiêu chuẩn, thì mới phát huy tác dụng phòng bệnh và an toàn cho sức khỏe người dùng.
Đeo khẩu trang y tế đúng cách
Loại khẩu trang y tế chất lượng cần đảm bảo bề mặt sạch sẽ và được khử trùng đúng biện pháp, không có lỗ hay đầu chỉ xơ, đồng thời không gây dị ứng da mặt người đeo. Ngoài ra phần dây đeo khẩu trang phải được may chắc vào 4 góc, có độ đàn hồi tốt để có thể đeo dễ dàng. Phần thanh nẹp mũi được làm từ nhựa dẻo hoặc kim loại, với tác dụng kẹp khẩu trang ôm khít vào sống mũi.
Tuy không có yêu cầu bắt buộc nào về kiểu dáng, nhưng thiết kế của khẩu trang y tế phải đảm bảo che kín phần mũi và miệng, ôm sát khuôn mặt khi mang. Khẩu trang y tế hiện nay thường có khoảng 3 – 4 lớp vải không dệt, thấu khí mà không thấm nước, có dạng phẳng và các nếp gấp xếp ly. Ngoài ra loại khẩu trang y tế kháng khuẩn cần phải bổ sung thêm 1 lớp có công dụng diệt khuẩn.
Dị ứng và nổi mụn do đeo khẩu trang
Trưởng phòng Công tác xã hội, bác sĩ Khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, bệnh viện da liễu Trung ương Đặng Bích Diệp cho biết rằng việc đeo khẩu trang quá nhiều sẽ khiến làn da của chúng ta bị bí thở, không thoát được mồ hôi và dễ nhiễm khuẩn. Hơn nữa các loại khẩu trang chất lượng kém, chất liệu không đạt chuẩn cũng có thể là nguyên nhân làm da kích ứng và nổi mụn.
Cũng có một số trường hợp đeo khẩu trang rồi nổi nốt mẩn đỏ và ngứa. Đây chính là phản ứng dị ứng của da khi phải tiếp xúc với các chất hoặc vật dụng chứa chất gây dị ứng. Biểu hiện rõ ràng nhất là da viêm đỏ, chảy nước, ngứa và sưng tại nhiều chỗ tiếp xúc.
Phản ứng da có thể xuất hiện trong lần đầu tiếp xúc, nhưng thường sẽ xuất hiện sau những lần tiếp xúc ngắt quãng, từ 5 – 7 ngày sau lần đầu tiên. Trong khẩu trang bạn sử dụng hàng ngày có thể chứa rất nhiều hóa chất gây dị ứng da, chẳng hạn như chất nhuộm, hóa chất pha chế, chất tẩy, thuốc sát trùng…
Chất liệu khẩu trang cũng có thể là nguyên nhân gây dị ứng
Tùy theo mức độ phản ứng mà triệu chứng ở mỗi người một khác nhau. Đơn cử như triệu chứng tại chỗ thường gặp là ngứa, viêm đỏ, rỉ nước phù nề tại vùng da tiếp xúc, cơn ngứa còn đặc biệt khó chịu. Nếu xuất hiện nhiều lần thì da sẽ dày lên bởi thường xuyên gãi, chà xát.
Nếu phản ứng da nặng, thường là do các hóa chất trong công nghiệp, nông nghiệp, thì những dấu hiệu kể trên có thể rải rác khắp người. Có đôi khi bệnh còn kèm theo nổi mề đay. Hoặc ở người có thể tạng dị ứng, hen phế quản trước đó thì sẽ có cơn hen phế quản.
Để thuyên giảm bệnh chứng thì bạn phải tìm ra được các hóa chất hoặc vật dụng làm viêm da tiếp xúc. Sau đó chúng ta có thể loại bỏ, không sử dụng các sản phẩm gây phản ứng nữa thì bệnh sẽ tự nhiên thuyên giảm hoặc lành hẳn.
Cách điều trị cho người bệnh viêm da tiếp xúc nhẹ
Nếu người bị viêm da tiếp xúc chỉ rỉ nước và ngứa trong vùng da nhỏ thì có thể thoa dung dịch Milian, tím Gentian, rửa thuốc tím hoặc kem Corticoide nhẹ như Cortibion. Tuy nhiên cần hết sức lưu ý rằng nếu đã bôi được 3 ngày mà không đỡ thì cần đi khám ngay. Tuyệt đối không bôi thuốc quá 3 ngày hay quá nhiều lần.
Bên cạnh đó bạn cũng phải tránh thoa những loại bột kháng sinh như Penicilline hay Tetracyline… vào chỗ da bị ngứa, chảy nước. Đối với tình trạng nặng, ngứa lan rộng ra và phản ứng nhiều hơn thì bệnh nhân cần đến thăm khám bác sĩ ngay để sớm được điều trị đúng biện pháp. Bác sĩ Đặng Bích Diệp cũng khuyến cáo mọi người nên thực hiện một số điều sau đây để hạn chế kích ứng da hoặc nổi mụn do đeo khẩu trang:
- Trước khi đeo, trước và sau khi tháo khẩu trang cần rửa tay sạch sẽ.
- Sau khi tháo ra chúng ta cũng phải tránh chạm tay vào mặt ngoài khẩu trang bởi nó có thể chứa mầm bệnh.
- Tháo khẩu trang xong thì gập khẩu trang lại sao cho mặt ngoài được gấp vào phía trong. Sau đó mới để vào túi nhựa hoặc túi giấy trước khi vứt vào thùng rác có nắp đậy.
- Nếu khẩu trang bị bẩn hoặc nhiểm khuẩn (dịch tiết bắn vào, máu…) hoặc bị rách thì thay ngay.
- Để hạn chế việc màu da không đồng đều do đeo khẩu trang thì bạn nên dùng thêm kem chống nắng.
- Khi đeo khẩu trang cũng phải hạn chế dưỡng ẩm cho da quá nhiều hoặc trang điểm dày.
- Sau khi dùng xong thì nhớ rửa mặt bằng nước sạch.
Khẩu trang bẩn hoặc nhiễm khuẩn thì phải thay mới ngay
Hy vọng với các thông tin trên, chúng ta đã phần nào biết được cách hạn chế mụn và dị ứng khi đeo khẩu trang thường xuyên trong mùa dịch Covid-19. Nếu chẳng may mắc phải thì bạn cũng sẽ biết cách xử lý sớm, tránh để tình trạng da xấu đi.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.