1. Nguyên nhân của Xơ vữa động mạch là gì?
Xơ vữa động mạch không có một nguyên nhân duy nhất, thường do sự kết hợp của nhiều yếu tố nguy cơ đã được công nhận:
- Nam ≥ 40 tuổi, Nữ ≥ 50 tuổi và sau mãn kinh, gia đình bị tăng cholesterol máu hoặc bị bệnh tim mạch sớm (cha bị bệnh tim < 55 tuổi, mẹ < 65 tuổi).
- Hội chứng chuyển hóa (béo bụng, rối loạn lipid máu, THA, đề kháng insulin).
- Rối loạn Lipid máu: ↑ cholesterol TP, ↑ Triglycerid, ↑ LDL-c, ↓ HDLc.
- Tăng huyết áp.
- Đái tháo đường.
- Stress oxide hóa và những gốc tự do: gây tổn thương trực tiếp nội mạc mạch máu và thúc đẩy xơ vữa mạch.
- Hút thuốc lá: nicotine và những độc chất khác tác động trên tế bào nội mạc, tăng kết dính tiểu cầu, hình thành cục máu đông, tăng fibrinogen huyết thanh và hematocrit nên tăng độ nhớt của máu.
- Uống nhiều rượu bia.
- Tăng Lipoprotein (a) [Lp (a)], Apolipoprotein (B) [apoB] là yếu tố gây xơ vữa độc lập của bệnh tim mạch.
- Tăng C-reactive protein (CRP)không phải là yêu tố nguy cơ của XMĐM, nhưng có thể dự báo biến chứng do XMĐM trong tương lai.
- Nhiễm vi khuẩn C. pneumoniae hoặc nhữngvi khuẩn khác (như virus, Helicobacter pylori có thể gây rối loạn chức năng nội mạc mạch máu.
- Bệnh thận mạn tính (suy chức năng thận).
2. Xơ vữa động mạch chỉ có ở người cao tuổi phải không?
- Xơ vữa động mạch có thể xuất hiện từ khi còn rất trẻ ở dạng những vệt mỡ (chất béo, tế bào viêm, huyết khối, Calcium…) trên vách của động mạch.
- Bằng chứng là khi tử thiết những người lính Mỹ bị chết trong chiến tranh (Korea và Việt Nam) cho thấy có ½ – ¾ người có dấu vết của XMĐM.
- Người sau 40 tuổi dù sức khỏe tạm bình thường, nhưng cũng có 50% cơ hội bị XMĐM trong đời. Cơ hội này càng tăng khi tuổi càng cao. Hầu hết những người trên 60 tuổi đã có dấu chứng XMĐM nhưng không có bất kỳ triệu chứng gì. XVĐM có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng người cao tuổi có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn người trẻ tuổi.
3. Xét nghiệm lipid máu bình thường và người ăn chay có bị Xơ vữa động mạch không?
3.1 Chúng ta biết, mỡ trong máu cao chỉ là một trong những yếu tố gây XMĐM và không phải là duy nhất. Thực tế có những trường hợp XN mỡ máu kết quả bình thường nhưng đã từng bị nhồi máu cơ tim hay TBMMN. Do đó, XN mỡ trong máu bình thường không có nghĩa là bạn không bị XVĐM.
3.2 Một tỉ lệ không nhỏ người ăn chay trong thời gian khá dài, thậm chí từ khi còn trẻ nhưng vẫn bị Hội chứng chuyển hóa, TBMMN, NMCT, đái tháo đường: theo một quan sát trên nhiều tăng ni, phật tử ăn chay từ trẻ nhưng vẫn có nhiều biến cố bệnh tim mạch. Phần lớn do khẩu phần ăn có: nhiều bột đường, chất dầu chuyển dạng, thức ăn được chế biến quá kỹ (ít rau củ tươi mới, món ăn giả mặn, nhiều muối…) kết hợp với thiếu vận động.
Do đó, người ăn chay nhưng chọn thức ăn và cách chế biến không hợp lý vẫn có thể bị XVĐM như người không ăn chay.
4. Hậu quả của Xơ vữa động mạch là gì?
Theo thời gian, mảng mỡ to lên và gây hẹp lòng động mạch, những cơ quan trong cơ thể bị thiếu nguồn máu nuôi dưỡng (oxy, chất dinh dưỡng) gây rối loạn chức năng và chết tế bào. Nguy hiểm hơn khi mảng mỡ bong tróc và di chuyển gây tắc nghẽn nhiều nơi và xuất hiện nhiều biến cố nguy hiểm đến tính mạng.
5. Dự phòng và điều trị Xơ vữa động mạch:
- Chọn thức ăn lành: bữa ăn nhiều trái cây, rau, gạo nguyên cám, các loại đậu, ít chất béo, tăng cường cá, giảm thịt, hạn chế lượng đường và muối trong khẩu phần ăn.
- Chọn chất béo không bão hòa (polyunsaturate và monounsaturate). Chất béo nên giới hạn khoảng 5 – 6% tổng calorie mỗi ngày.
- Kiêng chất béo bão hòa (thịt đỏ, thực phẩm từ mỡ [bơ, mỡ động vật], dầu dừa, dầu palm; Không sử dụng chất béo chuyển dạng (Trans fat), thức ăn chiên, snack đóng gói, bơ thực vật, bánh quy (cracker)…
- Duy trì cân nặng lý tưởng,
- Chọn thực phẩm có tính chống oxid hóa: Gừng, Nghệ, Quế, Nấm mèo đen, Trà xanh, Trà Matcha, trái cây, rau tươi, hạt, dầu, đậu, giấm…hầu hết có chứa β-carotene và họ carotenoid (có hoạt tính vitamin A), vitamin C, và các dạng khác nhau của vitamin E, các vitamin tan trong dầu khác, đặc biệt Vitamin K2 có trong sữa chua, đậu nành lên men (bảo vệ mạch máu chống lại sự lắng đọng calcium vào thành mạch).
- Ngủ đủ: ngủ thiếu hoặc không chất lượng sẽ ảnh hưởng chung đến tình trạng sức khỏe và tăng nguy cơ béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường và trầm cảm.
- Kiểm soát stress (Manage stress): giảm stress nhiều như có thể. Bằng cách thở sâu (thở cơ hoành, thở 4 thời), thư giãn.
- Sử dụng Thực phẩm chăm sóc sức khỏe (Alternative medicine): Linh chi, Nhân sâm, Tỏi, Bạch quả, Chè Vằng, Ngưu tất, Hà thủ ô, Bạch linh, Hoài sơn, Hoa hòe…
Lời kết:
Không bao giờ muộn để điều chỉnh lối sống cho sức khỏe tốt hơn. Hiện nay, các bệnh mạn tính không lây, đặc biệt là bệnh Xơ vữa động mạch đang đe dọa sức khỏe và tính mạng của nhiều người. Thực hiện ăn đúng, uống sạch, thở sâu tối đa, kiểm soát stress…và thực hiện phương châm “Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh”.
Nguồn: Bs Trần Văn Nam