Gợi ý cách xây dựng thực đơn cho người bệnh gout

Bệnh gout có liên quan chặt chẽ đến hàm lượng protein có trong đồ ăn thức uống hàng ngày. Để phòng ngừa cũng như giảm nguy cơ xảy ra các cơn gout cấp, bạn cần tuân thủ theo thực đơn cho người bệnh gout.

Bệnh gout gây ra do sự rối loạn chuyển hóa purin có nguồn gốc từ thực phẩm hằng ngày. Vì thế, để điều trị bệnh gout hiệu quả thì chúng ta phải xây dựng lại chế độ ăn khoa học, cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng. Xây dựng thực đơn cho người bệnh gout chính là liệu pháp chiến lược để làm giảm triệu chứng của bệnh.

1. Mục tiêu trong việc xây dựng thực đơn cho người bệnh gout

Không phải tất cả những người tăng axit uric máu đều mắc bệnh gout, nhưng những người bệnh gout thì chắc chắn có nồng độ axit uric cao trong cơ thể. Nguyên nhân dẫn đến tăng axit uric thường do ăn nhiều chất đạm chứa nhân purin thoái hóa thành axit uric, mà khả năng đào thải axit uric của cơ thể lại suy giảm nên khiến nồng độ này trong máu tăng cao.

Đối với những người mắc bệnh gout trong giai đoạn đầu, chưa ảnh hưởng nhiều đến thận, chưa mắc các bệnh nội tại thì có 2 vấn đề chính cần được quan tâm là các cơn đau gout cấp và tình trạng tăng axit uric máu. Cách giải quyết tốt nhất lúc này là giảm cung cấp lượng purin từ nguồn thức ăn hằng ngày thật thấp để ngăn ngừa cơn đau tái phát.

2. Xây dựng thực đơn cho người bị gout

Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người bệnh gout là tránh thực phẩm giàu nhân purin, tiềm chất tạo ra axit uric. Nhiều người cho rằng chỉ cần hạn chế ăn thịt là tránh được purin nhưng thực chất purin có mặt trong nhiều nhóm thực phẩm khác hơn bạn nghĩ.

Để xây dựng thực đơn cho người bị gout phù hợp, bạn cần nắm rõ các nhóm thực phẩm sau đây.

Nhóm thực phẩm giàu đạm

Thực phẩm giàu đạm nằm trong danh sách có chứa hàm lượng purin cao. Vì vậy trong thực đơn cho người bệnh gout cần hạn chế: 

  • Giảm ăn với nhóm chứa 50mg% purin (tức trong 100g thực phẩm có chứa 50mg purin)
  • Tránh xa nhóm chứa 150mg% purin; bao gồm: nội tạng động vật, một số loại thịt đỏ, hải sản, hạt họ đậu và các chế phẩm từ đậu, nấm, măng tây, giá đỗ, dọc mùng,…

Tuy nhiên, trong nhóm đạm bạn có thể sử dụng thực phẩm chứa dưới 50mg% purin như thịt heo nạc, trứng, sữa ít béo,…Bạn cũng nên lưu ý chỉ nên cung cấp khoảng 10% protein trong tổng giá trị dinh dưỡng của bữa ăn.

Thực đơn cho người bệnh gout cần hạn chế thực phẩm chứa 50mg% purin trở lên

Nhóm thực phẩm giàu chất béo

Trong việc xây dựng thực đơn cho người bệnh gout cần chú ý đến việc cân bằng chất béo.

Chất béo vô cùng quan trọng vì nó cung cấp năng lượng cho cấu tạo tế bào và các hoạt động sống khác của cơ thể nên không thể kiêng hoàn toàn. Nhưng nếu sử dụng quá mức thì chúng sẽ góp phần làm tăng trọng lượng cơ thể, từ đó làm tăng các cơn đau gout. 

Biện pháp tốt là bạn dùng lượng mỡ vừa phải và dùng dầu nhiều hơn. Bạn nên chọn dầu oliu, dầu lạc, dầu vừng và nên tránh dầu hạt hướng dương và dầu đậu nành.

Tổng lượng chất béo cung cấp chỉ giao động trong khoảng 15 – 20% tổng giá trị dinh dưỡng mỗi bữa ăn.

Nhóm thực phẩm giàu tinh bột

Người bệnh gout nên ăn gì? Tinh bột là nhóm chất quan trọng chiếm tỉ lệ cao trong thực đơn cho người bệnh gout. Hầu hết các thực phẩm trong nhóm này đều có hàm lượng purin dưới 20mg%, có thể làm giảm nồng độ acid uric trong nước tiểu, huyết thanh và tăng khả năng hòa tan acid uric trong nước tiểu.

Bạn có thể tùy chọn sử dụng theo sở thích. Một số thực phẩm gợi ý như cơm, mì, phở, bún, khoai, sắn,…

Thực đơn cho người bị gout nên có thực phẩm giàu tinh bột

Lượng tinh bột nên chiếm khoảng 70% tổng giá trị dinh dưỡng của bữa ăn.

Nhóm rau, củ, quả

Các loại rau, củ, quả đều giàu dinh dưỡng và nhất là các loại vitamin. Người bệnh gout cần cung cấp đủ lượng vitamin B và vitamin C. Vì vậy thực đơn cho người bị gout mỗi ngày nên có khoảng 1000g rau xanh, 4 – 5 quả các loại.

Tuy nhiên, bạn nên tránh các loại quả chua, dưa muối, các loại nấm, măng, giá đỗ trong thực đơn bởi chúng có thể làm tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể.

Thức uống

Người bệnh gout cần uống ít nhất 8 cốc chất lỏng mỗi ngày, trong đó ít nhất một nửa là nước. Nước có tác dụng hạn chế sự ứ đọng của tinh thể urat trong thận. Nên uống nước khoáng không ga có độ kiềm cao để đào thải acid uric.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế uống rượu hoặc kiêng tuyệt đối rượu. Rượu làm tăng acid uric trong máu cũng như làm giảm khả năng bài tiết acid uric qua thận, tuy nhiên nếu công việc bạn phải uống, mỗi tuần bạn không nên uống quá ba lần, mỗi lần không quá một ly. Các loại nước có ga như coca, pepsi hay đồ uống chứa chất kích thích như cà phê, ca cao, trà đặc cũng nên hạn chế tối đa bởi chúng cũng khiến cho việc bài tiết acid uric trở nên khó khăn hơn.

Trên đây là những thông tin cần thiết khi xây dựng thực đơn cho người bị gout để giúp quá trình điều trị bệnh diễn tiến tốt hơn và hạn chế được những triệu chứng do bệnh gout gây ra.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *