1. Tổng quan bệnh Viêm tinh hoàn
Tinh hoàn là một cơ quan sản xuất ra tinh trùng, đồng thời là tuyến nội tiết tiết ra testosterone làm cho cơ thể phát triển nam tính. Có hai tinh hoàn phải và trái nằm trong bìu.
Viêm tinh hoàn là biểu hiện sưng đau ở một hoặc cả hai tinh hoàn trong bìu do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Viêm tinh hoàn cấp tính nếu không được điều trị kịp thời có thể trở thành viêm tinh hoàn mạn tính và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản do tinh hoàn bị viêm xơ hóa, sinh tinh kém. Khi được chẩn đoán đúng, bệnh có thể điều trị khỏi hoàn và đảm bảo được chức năng của tinh hoàn.
2. Nguyên nhân bệnh Viêm tinh hoàn
- Viêm tinh hoàn do nhiễm virus quai bị: Đây là tình huống khá thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Sau biểu hiện của bệnh quai bị là biểu hiện của viêm tinh hoàn gặp khoảng 20% các trường hợp.
- Viêm tinh hoàn do vi khuẩn: Thường là do nhiễm khuẩn sau quan hệ tình dục không an toàn. Hoặc do vệ sinh kém gây viêm nhiễm niệu đạo gây viêm tinh hoàn.
- Viêm do dị ứng: Một vài trường dị ứng do tiếp xúc như dị ứng với bao cao su, vải quần lót có thể dẫn đến viêm tinh hoàn.
- Mắc các bệnh nam khoa mạn tính như viêm đường tiểu, viêm tuyến tiền liệt lâu ngày có thể dẫn đến viêm tinh hoàn.
- Tinh hoàn bị tổn thương: Có thể những va chạm mạnh sau quan hệ tình dục hoặc một tai nạn có gây chấn thương khiến tinh hoàn bị đụng dập, tổn thương và trở thành viêm tinh hoàn.
3. Triệu chứng bệnh Viêm tinh hoàn
- Biểu hiện tại tinh hoàn: Bìu sưng đau nhiều bên bị viêm, có thể tấy đỏ, cảm giác tức nặng, sờ vào tinh hoàn thấy cứng và cảm giác đau tăng, đau khi quan hệ tình dục, tràn dịch màng tinh hoàn mức độ nhẹ. Khi xuất tinh có thể có máu lẫn mủ cùng tinh dịch.
- Biểu hiện tại cơ quan tiết niệu: Có thể có biểu hiện nhiễm trùng tiết niệu đi kèm như tiểu buốt, cảm giác đau mơ hồ vùng hạ vị.
- Các biểu hiện toàn thân khác: Người bệnh có thể sốt, mệt mỏi, chán ăn
4. Đường lây truyền bệnh
Quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và từ đó gây viêm tinh hoàn.
5. Đối tượng nguy cơ bệnh
Những nam giới có đời sống tình dục quá phóng túng, không có biện pháp bảo vệ phòng ngừa khi quan hệ dễ bị viêm tinh hoàn.
6. Phòng ngừa bệnh
- Cần phải vệ sinh bộ phận sinh dục thường xuyên, đảm bảo quần lót sạch sẽ, tránh nhiễm khuẩn. Không nên mặc đồ lót quá chật gây tổn thương tinh hoàn.
- Chung thủy một vợ, một chồng và đảm bảo quan hệ tình dục an toàn là những biện pháp phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói chung và viêm tinh hoàn nói riêng.
7. Các biện pháp chẩn đoán bệnh
Thăm khám lâm sàng cơ bản như nhìn sờ kết hợp hỏi bệnh để phát hiện ra các triệu chứng bất thường như sưng, nóng, đỏ, đau tại tinh hoàn là sơ bộ có thể chẩn đoán viêm tinh hoàn.
Tuy nhiên, gần đây nhờ có siêu âm tinh hoàn mà viêm tinh hoàn có thể được chẩn đoán một cách chắc chắn, cụ thể và rõ ràng hơn. Siêu âm tinh hoàn có thể cho biết kích thước tinh hoàn bị viêm, mức độ viêm cấp hay mạn tính, có tràn dịch màng tinh hoàn, có viêm mào tinh hay không.
8. Các biện pháp điều trị bệnh
Nếu không điều trị viêm tinh hoàn có tự khỏi không? Viêm tinh hoàn không thể tự khỏi nếu không được điều trị theo căn nguyên. Ngay cả trường hợp sau nhiễm virus quai bị, viêm tinh hoàn có thể thoáng qua nhưng vẫn có thể để lại di chứng ảnh hưởng đến khả năng sinh tinh trùng. Do đó khi bị viêm tinh hoàn, cần phải đến gặp các chuyên gia nam học có kinh nghiệm để được tư vấn điều trị kịp thời tránh những biến chứng gây vô sinh.
Sau đây là các phương pháp điều trị viêm tinh hoàn:
- Nội khoa: Được chỉ định điều trị khi viêm tinh hoàn cấp tính mà không có xoắn tinh hoàn kèm theo.Tùy vào nguyên nhân gây viêm tinh hoàn mà các bác sỹ cho thuốc điều trị phù hợp. Nếu do nhiễm vi khuẩn, sẽ điều trị kháng sinh, chống viêm, giảm đau chống phù nề. Khi phân lập được vi khuẩn sẽ làm kháng sinh đồ và điều trị theo kháng sinh đồ. Còn do nhiễm virus, người bệnh sẽ được điều trị chống viêm, giảm đau, các thuốc ức chế phản ứng miễn dịch. Viêm do dị ứng sẽ sử dụng các thuốc chống dị ứng kèm theo.
- Phẫu thuật: Được chỉ định khi viêm tinh hoàn đã có biến chứng áp xe tinh hoàn hoặc tràn dịch màng tinh hoàn số lượng nhiều, viêm tinh hoàn mạn tính có xơ hóa.
Nguồn: Vinmec