Bàng quang tăng hoạt: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt là gì?

Bàng quang tăng hoạt là tình trạng bàng quang co bóp không đúng thời điểm, thường gây ra cảm giác mắc tiểu đột ngột, cần phải đi tiểu ngay, nếu nhịn tiểu có thể bị són tiểu.

Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng tiểu gấp, có hoặc không kèm theo són tiểu gấp, thường kèm theo tiểu nhiều lần và tiểu đêm… mà không có nhiễm trùng tiểu hoặc các bệnh lý rõ ràng khác.

Hội chứng bàng quang tăng hoạt tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho bệnh nhân, gây trở ngại trong sinh hoạt, học tập và công tác hàng ngày. Đồng thời, bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng tới tâm lý, đặc biệt là những bệnh nhân trẻ.

Hiện nay, trên thế giới có hàng triệu người mắc chứng bệnh này. Tuy nhiên, hơn 50% người bệnh phải âm thầm chịu đựng tình trạng này trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm do tâm lý xấu hổ, e ngại không muốn đến bệnh viện để điều trị.

Nguyên nhân bệnh Bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Bệnh bàng quang tăng hoạt xảy ra do nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân này gây co thắt cơ bàng quang quá mức và mất phối hợp hoạt động giữa cơ bàng quang và cơ thắt niệu đạo như:

  • Rối loạn thần kinh trong bệnh Parkinson, đột quỵ, bệnh xơ hóa tủy, tổn thương tủy sống do chấn thương, bệnh đái tháo đường,…
  • Những bất thường trong bàng quang như các khối u hoặc sỏi bàng quang.
  • Các yếu tố gây cản trở dòng chảy từ bàng quang như u xơ tuyến tiền liệt hoặc các tác động điều trị vùng tiểu khung.
  • Uống cà phê hoặc rượu quá mức.
  • Một số trường hợp không xác định được nguyên nhân.

Triệu chứng bệnh Bàng quang tăng hoạt

  • Người bệnh thường than phiền với bác sĩ về tình trạng tiểu gấp, thường có cảm giác bất chợt muốn đi tiểu, không nhịn tiểu được và cần phải đi tiểu ngay.
  • Đôi lúc người bệnh than phiền són tiểu theo sau cảm giác tiểu gấp.
  • Ngoài ra nhiều người bệnh than phiền phải đi tiểu nhiều lần (trên 8 lần) trong ngày tính từ lúc thức dậy cho đến lúc đi ngủ hoặc phải thức dậy ban đêm từ một lần trở lên để đi tiểu mà sau đó khó ngủ trở lại gây khó chịu cho người bệnh.

Đối tượng nguy cơ bệnh Bàng quang tăng hoạt

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến hội chứng bàng quang tăng hoạt bao gồm:

  • Lớn tuổi.
  • Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
  • Bệnh lý thần kinh: Parkinson, đột quỵ,…
  • Bệnh lý đường  tiết niệu: sỏi bàng quang, phì đại lành tính tuyến tiền liệt,…
  • Mang thai nhiều lần.

Phòng ngừa bệnh Bàng quang tăng hoạt

Việc điều chỉnh chế độ ăn uống sẽ phần nào giúp kiểm soát được các triệu chứng bệnh và hạn chế tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:

1. Hấp thu lượng nước cần thiết mỗi ngày. Với bệnh này, việc lựa chọn lượng nước và thời điểm uống nước rất quan trọng. Giảm hấp thu chất lỏng được xem là cách tốt nhất để kiểm soát nước tiểu, nhưng uống quá ít nước có thể dẫn đến tình trạng tích tụ nước tiểu cao hơn. Điều này có thể kích ứng bàng quang và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì vậy, người bệnh cần:

  • Chia đều lượng nước uống trong ngày ra thành nhiều lần, uống một ít nước vào giữa các bữa ăn.
  • Không cần uống quá nhiều nước, trừ trường hợp tập thể dục.
  • Uống nước thành từng ngụm.
  • Nếu người bệnh đã uống đủ nước, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt và hầu như không màu.
  • Người bệnh cũng cần hấp thu nước từ những nguồn thực phẩm khác như trái cây, rau củ và canh.
  • Khám bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu như đau khi đi tiểu hoặc nước tiểu nóng, sẫm màu hoặc có mùi nồng.
Bàng quang tăng hoạt: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

2. Hạn chế những loại thức uống có thể khiến người bệnh đi tiểu nhiều:

  • Những loại nước chứa nhiều caffeine như nước ngọt có ga, cà phê, nước tăng lực và trà. Các nghiên cứu đã cho thấy, việc giảm hấp thu caffeine dưới 100mg mỗi ngày có thể giúp hạn chế triệu chứng bệnh.
  • Nước uống chứa cồn như rượu, bia.

3.  Tránh những loại thực phẩm có thể làm cho triệu chứng bệnh bàng quang tăng hoạt trở nên nghiêm trọng hơn:

  • Thực phẩm giàu tính axit: các loại trái cây như cam, chanh, bưởi, nho hay cà chua.
  • Chất làm ngọt nhân tạo: aspartame, saccharin và những chất làm ngọt nhân tạo khác không chỉ có trong thức uống mà còn xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm.
  • Thức ăn mặn: khoai tây chiên và các thực phẩm mặn khác có thể làm cơ thể giữ nước đồng thời làm cho người bệnh khát và uống nhiều nước hơn, làm kích ứng bàng quang tăng hoạt.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Bàng quang tăng hoạt

Bệnh bàng quang tăng hoạt thường được chẩn đoán khi có triệu chứng tiểu gấp kèm theo ít nhất một trong các triệu chứng: tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu không kiểm soát.

Điều quan trọng cần lưu ý là phải loại trừ nhiễm khuẩn niệu, các tổn thương bệnh lý tại chỗ hoặc các tác nhân chuyển hóa kèm theo có thể gây ra các triệu chứng nêu trên như:

  • Hội chứng đường tiểu dưới.
  • Các bệnh nội khoa: đái tháo đường, suy tim ứ huyết, các bệnh thần kinh, chứng táo bón mạn tính,…
  • Các thuốc đang sử dụng: thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ áp,…
  • Thói quen ăn uống: uống cà phê nhiều, uống nước quá nhiều,…

Ở những người bệnh tiểu không kiểm soát, cần phân biệt 3 loại chính: tiểu không kiểm soát gấp, tiểu không kiểm soát khi gắng sức và tiểu không kiểm soát hỗn hợp. Việc phân biệt là quan trọng vì ảnh hưởng đến điều trị: Tiểu không kiểm soát gắng sức được điều trị chủ yếu bằng ngoại khoa, trong khi tiểu không kiểm soát gấp được điều trị chủ yếu bằng nội khoa.

Các biện pháp điều trị bệnh Bàng quang tăng hoạt

Bệnh bàng quang tăng hoạt có thể điều trị khỏi nhưng có thể tái phát theo từng giai đoạn nếu có các yếu tố thuận lợi xuất hiện. Việc điều trị có thể kéo dài với phác đồ bao gồm các bước tùy theo mức độ nặng của bệnh, từ không xâm lấn đến phải can thiệp ngoại khoa.

Điều trị bàng quang tăng hoạt theo 3 bước: các biện pháp thay đổi hành vi, dùng thuốc và các biện pháp can thiệp khi kháng thuốc.

Thay đổi hành vi

Được xem là bước điều trị đầu tiên cho bàng quang tăng hoạt. Người bệnh có thể tự thực hiện, không tốn kém và rất hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này yêu cầu bệnh nhân phải hợp tác, tập luyện kiên trì thì mới đem lại kết quả tốt nhất. Các biện pháp thay đổi hành vi gồm có:

  • Giúp người bệnh hiểu thế nào là bàng quang có chức năng bình thường và thế nào là bất thường. Hướng dẫn người bệnh viết “nhật ký đi tiểu”. Tập đi tiểu theo giờ: hướng dẫn bệnh nhân khoảng thời gian thích hợp giữa 2 lần đi tiểu là 3 – 4 giờ và không nhất thiết cứ phải đi tiểu mỗi khi có cảm giác khác lạ trong bàng quang.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: hạn chế một số thức ăn và thức uống có tính lợi tiểu hoặc gây kích thích bàng quang như caffeine, bia rượu, thức uống có đường,…
  • Điều chỉnh lượng nước uống vào của người bệnh theo điều kiện làm việc và sinh hoạt, uống trung bình khoảng 1500ml/ngày, hạn chế uống nước sau 18 giờ hoặc trong vòng 3-4 giờ trước khi ngủ.
  • Các kỹ thuật tập luyện: tập kìm nén và kiểm soát tiểu gấp, tập luyện bàng quang, tập co thắt cơ sàn chậu (phương pháp Kegel có ý nghĩa nhằm hỗ trợ việc kìm nén đi tiểu để điều trị tình trạng tiểu gấp hay tiểu gấp không kiểm soát).

Các biện pháp dùng thuốc:

Việc chỉ định sử dụng thuốc tùy theo đánh giá của bác sĩ về nguyên nhân sinh bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ.

  • Các thuốc kháng muscarin có tác dụng làm giảm sự co bóp của cơ chóp bàng quang. Các thuốc kháng muscarin đã được thử nghiệm lâm sàng và chứng minh là có hiệu quả tốt trong điều trị bàng quang tăng hoạt gồm có darifenacin, fesoterodine, oxybutynin, solifenacin, tolterodine và trospium. Tác dụng ngoại ý của các thuốc kháng muscarin là khô miệng, mờ mắt, nóng mặt, nhức đầu, tim đập nhanh, khó tiêu, táo bón,…
  • Một số thuốc cũng có hiệu quả lên bàng quang tăng hoạt, tuy nhiên cơ chế chưa rõ ràng như flavoxate, các thuốc chống trầm cảm ba vòng (imipramin, amitriptyline, duloxetine), nhóm thuốc chẹn alpha (tamsulosin, alfuzosin, doxazosin,…).
  • Thuốc mới mirabegron: cơ chế tác động lên thụ thể β3 adrenergic trong cơ chóp bàng quang, có tác dụng giãn cơ và gia tăng dung tích bàng quang. Ở Việt Nam hiện chưa có thuốc mới này.

Các biện pháp can thiệp khi kháng thuốc hoặc không dung nạp thuốc:

  • Tiêm onabotulinumtoxin A vào bàng quang.
  • Kích thích thần kinh cùng: đây là phương pháp cấy các dây điện cực vào rễ thần kinh cùng S3, nối với một máy tạo nhịp đặt dưới da vùng mông, qua đó kích thích thần kinh cùng để điều hòa các phản xạ thần kinh chi phối cơ chóp bàng quang và cơ đáy chậu. Phương pháp này được chỉ định để điều trị tình trạng ứ đọng nước tiểu trong bàng quang hay các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt như tiểu gấp không kiểm soát hay tiểu gấp – tiểu nhiều lần mà đã kháng trị với dùng thuốc.
  • Kích thích thần kinh chày: hiệu quả điều trị thành công khoảng 54,9 – 79,5%, tuy nhiên đây là phương pháp điều trị ít xâm hại, ít tác dụng phụ và dễ được chấp nhận.
  • Mở rộng bàng quang bằng ruột: phẫu thuật mở rộng bàng quang bằng ruột được chỉ định trong những trường hợp bàng quang có dung tích co nhỏ, rối loạn chức năng bàng quang với độ giãn nở kém. Tuy nhiên, đây là phẫu thuật nặng nề và tỉ lệ bệnh nhân phải chịu thông tiểu sạch cách quãng khá cao (10 – 75%, trong đó những bệnh nhân có bệnh lý do nguyên nhân thần kinh thường có tỉ lệ cao hơn), nên phương pháp mở rộng bàng quang bằng ruột chỉ áp dụng trong những trường hợp không thành công khi đã áp dụng những biện pháp ít xâm hại hơn.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *