Bệnh viêm amidan quá phát ở trẻ em

Viêm amidan quá phát ở trẻ em thường do vấn đề viêm nhiễm amidan lâu ngày, tái phát nhiều lần trong thời gian ngắn. Viêm amidan quá phát ở trẻ nếu không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

Viêm amidan là bệnh lý thường gặp ở trẻ em nhưng thường dễ bị lầm tưởng là viêm họng hoặc cảm cúm thông thường. Việc viêm amidan kéo dài và tái phát nhiều lần dễ dẫn đến viêm amidan quá phát ở trẻ em.

Viêm amidan quá phát ở trẻ em

Amidan là một tổ chức lympho nằm bên trong họng có vai trò là tấm khiên bảo vệ họng khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào. Cơ quan này được tạo thành từ các bộ phận nhỏ hơn tạo thành một vòng được đặt tên là vòng Waldeyer bao gồm: Amidan khẩu cái, amidan đáy lưỡi, amidan vòm họng (còn được gọi là VA) và amidan vòi.

Thông thường khi có các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào vùng hầu họng, amidan sẽ có nhiệm vụ tiết ra kháng thể, chặn đứng sự xâm nhập của vi khuẩn hay virus. Tuy nhiên khi cường độ tấn công của vi khuẩn, virus quá mạnh thì amidan sẽ thất thế và bị viêm nhiễm gây ra tình trạng viêm amidan.

Việc viêm amidan ở trẻ em lâu ngày khiến cấu trúc amidan to hơn mức bình thường được gọi là viêm amidan quá phát ở trẻ em.

Dấu hiệu viêm amidan quá phát ở trẻ em

Khi bị bệnh, amidan to như hai hạt hạnh nhân ở 2 bên thành họng lấn vào làm hẹp khoang họng, trụ trước đỏ, bệnh thường gặp ở trẻ em:

  • Bệnh viêm amidan quá phát ở trẻ em làm ảnh hưởng tới quá trình phát âm và giọng nói, nên các bạn cần lưu ý nếu thấy trẻ phát âm bằng giọng mũi hay khó khăn khi phát âm.
  • Amidan quá to cũng làm trẻ khó ăn, ăn chậm, cơ thể mệt mỏi.
  • Hơi thở của trẻ có mùi hôi, ho khan kéo dài và hay ho về đêm.
  • Họng có cảm giác đau rát khó chịu, như có vật ở bên trong.
 Viêm amidan quá phát ở trẻ em sẽ khiến amidan to như hai hạt hạnh nhân ở 2 bên thành họng

Viêm amidan quá phát ở trẻ em khiến trẻ bị bít tắc hô hấp trên gây ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, có những cơn ngưng thở trong lúc ngủ, bất thường về phát âm, khó nuốt, chậm phát triển thể chất.

Các cấp độ viêm amidan quá phát

  • Viêm amidan quá phát A1: Amidan có kích thước to tròn, cuống gọn, chiều ngang của amidan bằng 1/4 so với khoảng các giữa chân 2 trụ trước của amidan.
  • Viêm amidan quá phát A2: Amidan có hình dạng to tròn như cấp độ 1, tuy nhiên chiều ngang bằng 1/3 so với khoảng cách giữa 2 chân trụ trước của amidan.
  • Viêm amidan quá phát A3: Amidan có chiều ngang bằng 1/2 so với khoảng cách giữa hai chân trụ trước của amidan.
  • Viêm amidan quá phát thể xơ chìm: Tình trạng này thường gặp ở người lớn, vết viêm gồ ghề lên bề mặt và có chằng chịt các xơ trắng. Hai viên amidan và trụ trước có màu đỏ sẫm, trụ sau dày lên.

Khi phát hiện viêm amidan quá phát ở trẻ em, người thân nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám, xác định đúng cấp độ của amidan. Từ đó có các biện pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.

Các phương pháp điều trị

Amidan là bệnh thường gặp trong các bệnh về tai mũi họng, vì thế khi phát hiện thấy những dấu hiệu viêm amidan cần đến bệnh viện để có phương pháp điều trị kịp thời. Có thể dùng thuốc kháng sinh với các trường hợp nhiễm khuẩn hoặc can thiệp phẫu thuật.

Amidan quá phát to đến mức có triệu chứng ngưng thở lúc ngủ thường được chỉ định phẫu thuật cắt amidan sớm. Phẫu thuật amidan hiện nay là rất phổ biến, tuy nhiên cần có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Chỉ cắt khi nào amidan thực sự trở thành một ổ viêm gây hại cho cơ thể.

Sau khi cắt amidan, người bệnh cần kiêng khem, thực hiện đúng liệu trình và chỉ dẫn của bác sĩ, có chế độ nghỉ ngơi phù hợp để điều trị amidan quá phát thực sự có hiệu quả.

Cần phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để sớm điều trị viêm amidan quá phát ở trẻ em

Nên cắt amidan trong các trường hợp sau đây

  • Viêm amidan mạn tính có 4 đợt tái phát trong 1 năm, hình thành viêm amidan quá phát ở trẻ em. 
  • Áp xe quanh amidan ít nhất một lần phải nhập viện điều trị.
  • Viêm amidan quá phát gây biến chứng sốt thấp khớp, viêm vi cầu thận hoặc gây viêm tai giữa, viêm xoang,.. tái đi tái lại nhiều lần.
  • Amidan quá phát ở trẻ em gây bít tắc hô hấp trên gây ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, có những cơn ngưng thở trong lúc ngủ, bất thường về phát âm, khó nuốt, chậm phát triển thể chất.
  • Amidan chỉ to một bên kèm sưng hạch cổ cùng bên nghi ngờ ung thư amidan.
  • Có thể cắt amidan ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường sau 4 tuổi. Tuy nhiên có trường hợp trẻ nhỏ hơn vẫn phải cắt amidan khi amidan quá to gây những cơn ngưng thở trong lúc ngủ hoặc gây biến chứng.

Chú ý: Không được cắt amidan ở những bệnh nhân có rối lọan đông cầm máu bẩm sinh hoặc mắc phải (Hemophilia A, B, C; suy tủy, xuất huyết giảm tiểu cầu, ung thư máu…).

Cách phòng chống

Để hạn chế viêm amidan quá phát phải chú ý giữ gìn vệ sinh, giữ ấm vùng mũi họng, chữa viêm họng kịp thời, tránh môi trường sống ô nhiễm, tránh dùng những thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, vệ sinh răng miệng sau khi ăn, súc miệng bằng nước muối pha loãng,…để tránh amidan cũng như các bệnh về họng.

Giữ cho nhà ở và môi trường xung quanh luôn sạch sẽ. Tập thể dục đều đặn và ăn nhiều rau xanh giúp nâng cao sức khỏe, đồng thời phòng ngừa viêm amidan hiệu quả.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *