Tổng quan bệnh Do amip
Bệnh do amip là bệnh nhiễm đơn bào Entamoeba histolytica, bệnh gây tổn thương đặc trưng là loét ở niêm mạc đại tràng và có khả năng gây ra các ổ áp xe ở những cơ quan khác nhau (như gan, não, …). Bệnh có xu hướng kéo dài và mạn tính nếu không được điều trị tích cực.
Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm amip nhưng 90% người nhiễm là không có triệu chứng, chỉ có 10% số người bị nhiễm có biểu hiện bệnh lỵ amip hoặc áp xe ở các cơ quan khác nhau.
Người nhiễm Entamoeba histolytica sẽ hình thành miễn dịch tại chỗ (ở thành ruột) và toàn thân nhưng không có khả năng bảo vệ cơ thể khi có mầm bệnh xâm nhập.
Ở những nước nhiệt đới có đời sống kinh tế xã hội thấp, bệnh có thể gây ra những vụ dịch lớn.
Bệnh học amip
Kén amip qua thức ăn, nước uống, … xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hoá. Khi tới dạ dày, nhờ tác dụng của dịch vị phá vỡ vỏ, bốn nhân trong kén được giải phóng phát triển thành 4 amip nhỏ sau đó di chuyển xuống cư trú ở hồi manh tràng là nơi giàu chất dinh dưỡng, có độ pH thích hợp và có nhiều vi khuẩn cộng sinh.
Bình thường amip nhỏ không xâm nhập được vào thành ruột để gây bệnh mà theo phân xuống đại tràng thải ra ngoài. Một số amip nhỏ co lại thành kén và cũng được thải theo phân ra ngoài là nguy cơ lây lan cho người khác. Khi thành ruột bị tổn thương (do vi khuẩn khác hoặc chấn thương), amip nhỏ tấn công vào thành ruột, sinh sản tại đó và tiết ra các men tiêu protein dẫn đến hoại tử tế bào niêm mạc ruột.
Tại thành ruột, lúc đầu amip gây ra những điểm sung huyết ở niêm mạc, sau đó tạo nên các cục nhỏ trên bề mặt niêm mạc rồi dần dần hoại tử và tạo thành những vết loét. Các vết loét có thể rộng tới 2-2,5cm, xung quanh bờ cương tụ, phù nề và sung huyết. Đáy vết loét sâu tới lớp dưới niêm và phủ bởi lớp mủ. Những vết loét gần nhau có thể thông với nhau tạo thành vết loét lớn hơn, sâu tới lớp cơ và cùng với các vi khuẩn tạo nên các ổ áp xe sâu, có thể gây thủng ruột và viêm phúc mạc mủ. Amip còn tạo nên các u hạt ở thành ruột đôi khi rất khó phân biệt với ung thư đại tràng.
Khi các vết loét gây tổn thương mạch máu thành ruột, amip có thể thâm nhập vào máu và theo dòng máu đi khắp cơ thể gây tổn thương các cơ quan khác ngoài ruột như gan, phổi, não, … tại đây amip có thể tạo thành các ổ áp xe.
Nguyên nhân bệnh Do amip
Mầm bệnh: Nguyên nhân gây ra bệnh amip là đơn bào Entamoeba histolytica thuộc họ Entamoebidae, bộ Amoebida, ngành Protozoa.
Chu kỳ sống của amip chia làm 2 thời kỳ: thời kỳ hoạt động và thời kỳ nghỉ (kén). Tuy vậy amip có thể chuyển từ dạng hoạt động sang dạng nghỉ hoặc ngược lại tùy theo điều kiện dinh dưỡng của môi trường trong cơ thể vật chủ.
Dựa vào hình thể và sinh lý của Entamoeba histolytica có thể chia amip ra 3 thể:
- Thể hoạt động lớn: có trong phân, chỗ nhiều nhầy máu của người bệnh, kích thước khoảng 15-30 micromet, hoạt động mạnh nhất ở nhiệt độ 37°C và độ pH 6,5. Trong bào tương của amip có nhiều hồng cầu. Thể hoạt động lớn khi vào tế bào thường co lại trong bào tương với kích thước 4-8 micromet.
- Thể hoạt động nhỏ: sống trong lòng đại tràng có kích thước dao động khoảng 8-25 micromet và chuyển động chậm hơn thể hoạt động lớn, trong bào tương không có hồng cầu.
- Thể kén là thể được tạo thành từ thể hoạt động nhỏ. Thể kén có hình oval hoặc tròn, đường kính từ 10-14 micromet, được bọc bởi 2 lớp vỏ. Thể kén non có 1 nhân nhưng khi già có 4 nhân. Sự tạo thành thể kén là tất yếu trong vòng đời của amip và đóng vai trò lây bệnh. Kén amip tồn tại ở ngoại cảnh tương đối tốt: ở nhiệt độ 17-20°C tồn tại hàng tháng, ở 45°C kén chết sau 30 phút, ở 85°C chết sau vài giây.
Nguồn bệnh:
- Người bệnh (cả thể cấp tính và mạn tính) và người lành mang trùng thải kén amip theo phân gây ô nhiễm thực phẩm và nước uống.
- Một số động vật như khỉ, chó, mèo, chuột,… có thể bị bệnh nhưng không thải kén ra ngoài do vậy không phải là nguồn bệnh.
Triệu chứng bệnh Do amip
Thời gian ủ bệnh: có thể kéo dài từ 1-2 tuần cho đến 3 tháng. Bệnh khởi phát có thể từ từ hoặc cấp tính.
Người bệnh ban đầu có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, chóng mặt, đau bụng, … thường không sốt hoặc sốt nhẹ.
Thời kỳ toàn phát, bệnh biểu hiện với 3 triệu chứng chủ yếu là:
- Đau quặn bụng.
- Mót rặn, đi ngoài “giả” (bệnh nhân mót rặn, buồn đi đại tiện nhưng lại không có phân).
- Đi tiêu nhiều lần, phân nhầy lẫn máu.
Thể cấp tính: thường gặp hội chứng lỵ bao gồm đau bụng, mót rặn và đi tiêu phân nhầy máu.
Đau bụng quặn từng cơn, đau dọc theo khung đại tràng trước khi đi tiêu, đau buốt hậu môn kèm cảm giác mót rặn dữ dội.
Đi tiêu phân nhầy máu, đôi khi xen kẽ với tiêu chảy, mỗi lần đi tiêu ít phân, nhưng đi nhiều lần trong ngày:
- Thể nhẹ: đi tiêu phân nhầy máu vài lần mỗi ngày, ít mệt mỏi.
- Thể trung bình: bệnh nhân mệt nhiều, đi tiêu khoảng 5-15 lần mỗi ngày.
- Thể nặng: bệnh nhân suy kiệt, mất nước, rối loạn chất điện giải, bụng chướng, cảm giác mót rặn và đau bụng nhiều, đi tiêu phân nhầy máu >15 lần/ngày.
Thể bán cấp
Bệnh nhân đau bụng ít, tiêu chảy phân lỏng ít nhầy nhớt, ít khi có cảm giác mót rặn, đôi khi có táo bón.
Thể mạn tính
Sau giai đoạn cấp tính hay bán cấp, bệnh trở thành mạn tính với nhiều đợt bệnh cách nhau. Lúc này chức năng đại tràng không còn nữa, triệu chứng bệnh giống như viêm đại tràng mạn: đau bụng lâm râm, liên tục và rối loạn tiêu hóa, thường là tiêu chảy, đầy hơi, ăn không tiêu đối với một số thức ăn, thể trạng suy nhược, biếng ăn, sụt cân.
Trường hợp xảy ra trên những bệnh nhân suy nhược, dinh dưỡng kém, kết hợp với một bệnh ký sinh trùng khác hoặc với một bệnh nhiễm khuẩn đường ruột như thương hàn, lỵ trực trùng hoặc tụ cầu trùng thì bệnh cảnh sẽ rất nặng nề, người bệnh thường tử vong vì sốc dù đã được điều trị tích cực.
Bệnh thể hiện bằng hội chứng lỵ kịch liệt: cơ thắt hậu môn mở rộng, phân có máu và nhầy tự nhiên chảy ra.
Bệnh lỵ amip có thể gây ra các biến chứng như: thủng ruột gây viêm phúc mạc, xuất huyết tiêu hóa, polyp đại tràng, sa niêm mạc trực tràng, viêm ruột thừa do amip. Trong đó biến chứng thường gặp là viêm gan hoặc áp xe gan do amip, viêm phổi – màng phổi hoặc áp xe phổi do amip, áp-xe não do amip,…
Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới bệnh do amip được chia thành các thể:
Amip ruột:
- Thể amip ruột cấp tính
- Thể amip ruột mạn tính: lỵ amip mạn tính
- Biến chứng ở ruột do amip: viêm phúc mạc do thủng ruột, u amip, viêm ruột thừa do amip, co thắt đại tràng do sẹo, sa trực tràng,…
Amip ngoài ruột:
- Viêm gan do amip: viêm gan do amip không hóa mủ hoặc áp xe gan do amip.
- Áp xe do amip ở các cơ quan khác (phổi, não,…).
- Amip da.
Đường lây truyền bệnh Do amip
- Lây qua đường tiêu hoá: người mắc bệnh amip do ăn phải vi khuẩn này khi ăn thức ăn hay uống nước bị nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc với phân của người bệnh.
- Hoạt động tình dục bằng miệng có tiếp xúc với phân cũng có thể gây nhiễm bệnh. Người nhiễm bệnh có thể lây ký sinh trùng sang người khác ngay cả khi không có triệu chứng.
Đối tượng nguy cơ bệnh Do amip
Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm amip nhưng lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất là từ 20 đến 30 tuổi.
Ngoài ra những yếu tố nguy cơ khác làm tăng khả năng mắc bệnh do amip là:
- Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
- Nhà ở vệ sinh kém, chật chội.
- Ăn rau sống rửa không sạch.
- Chất lượng nguồn nước sinh hoạt hàng ngày kém.
- Đang nhiễm ký sinh trùng khác.
Phòng ngừa bệnh Do amip
Phương pháp phòng bệnh amip chủ yếu là vệ sinh ăn uống, tránh để lây nhiễm kén amip vào thức ăn, nước uống:
- Thực hiện ăn chín, uống sôi.
- Khi dùng rau quả tươi phải rửa sạch dưới vòi nước, phải khử trùng hoặc có xử lý bằng tia cực tím để diệt kén amip.
- Không dùng thức ăn, thức uống từ những nguồn không rõ ràng.
- Không uống nước chưa khử sạch từ sông, hồ hay suối. Nhiều loại viên lọc nước không thể diệt được loại ký sinh trùng này.
- Uống nước hay sử dụng nước đá từ các nguồn sạch (như nước đóng chai). Không nên uống sữa hay ăn các sản phẩm bơ sữa chưa tiệt trùng, hoa quả chưa nấu (trừ khi có thể bóc vỏ), salad và rau sống.
- Luôn rửa tay kỹ bằng nước và xà phòng trước khi ăn, trước khi nấu nướng, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã hay sau khi giúp người khác đi vệ sinh.
- Luôn sử dụng các biện pháp bảo vệ, như miếng bảo vệ răng miệng, khi có các hoạt động tình dục liên quan đến hậu môn chạm với miệng.
- Xử lý phân hợp vệ sinh, tuyệt đối không dùng phân tươi bón rau quả. Vứt bỏ tất cả những thứ có thể đã dính phân.
- Điều trị những người mang kén amip bằng metronidazol.
- Tuyên truyền giáo dục vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Do amip
Lâm sàng: tùy theo từng thể bệnh
- Đại tràng là nơi cư trú đầu tiên của amip do vậy thể amip ruột là thể bệnh cơ bản hầu như các bệnh nhân đều trải qua.
- Hội chứng lỵ là hội chứng cơ bản trong bệnh do amip với các triệu chứng sau: đau bụng dọc khung đại tràng nhất là vùng manh tràng, đại tràng lên, mót rặn, đi tiêu xong đỡ đau, phân có nhầy trong và máu, nhầy và máu riêng rẽ. Đi tiêu khoảng 4-10 lần trong ngày, có lần đi ngoài “giả”.
- Hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc không rõ ràng. Bệnh nhân có thể sốt nhẹ, sốt thất thường trong ngày hoặc không sốt, các triệu chứng nhiễm độc nhẹ, không rõ ràng.
Dịch tễ
- Tiếp xúc với người bị bệnh.
- Trong gia đình có người bị bệnh.
- Cùng bếp ăn có người bị bệnh.
- Sống trong vùng đang có dịch lưu hành.
- Ăn thức ăn nghi bị nhiễm amip.
Xét nghiệm
- Chẩn đoán xác định phải dựa vào việc tìm thấy Entamoeba histolytica ở trong phân, mủ các ổ áp xe của bệnh nhân. Phương pháp thông thường nhất là lấy bệnh phẩm soi tươi trên kính hiển vi quang học (phải soi ngay khi mới lấy bệnh phẩm). Ngoài ra có thể ứng dụng phương pháp miễn dịch huỳnh quang, phản ứng kết hợp bổ thể hoặc nuôi cấy amip ở môi trường nhân tạo và cấy truyền bệnh cho động vật thực nghiệm (mèo, chuột,…).
- Để xác định những ổ áp xe hoặc u amip có thể làm siêu âm gan, thận, chụp X-quang phổi, não, chụp cắt lớp vi tính CT scanner.
- Trong trường hợp áp xe gan, thận, phổi: chọc hút ổ áp xe sẽ thấy mủ màu sôcôla.
Chẩn đoán phân biệt: tùy theo từng thể bệnh mà cần phải chẩn đoán phân biệt với những bệnh khác nhau.
- Đối với amip ruột (lỵ amip):
Phân biệt với bệnh lỵ trực khuẩn vì đều có hội chứng lỵ. Tuy vậy bệnh lỵ trực khuẩn thường diễn biến cấp tính với hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc rõ. Các triệu chứng của hội chứng lỵ cũng khác: đau bụng dọc theo khung đại tràng, đặc biệt là đại tràng xích ma và trực tràng, đi tiêu nhiều lần, phân nhầy đục máu lẫn lộn hoặc loãng như nước rửa thịt.
Phân biệt với viêm đại tràng mạn, bệnh Crohn, bệnh loét đại tràng, loạn khuẩn ruột, nhiễm độc kim loại nặng (chì, thuỷ ngân,…), hội chứng tăng urê huyết, khối u đại trực tràng, khối u vùng tiểu khung,…
- Đối với viêm gan do amip: cần phân biệt với viêm gan do siêu vi.
- Đối với áp xe gan do amip: cần phân biệt với áp xe đường mật do vi khuẩn hoặc ung thư đường mật, ung thư gan,…
- Đối với áp xe phổi: cần phân biệt với lao phổi, u phổi hoặc áp xe phổi do các nguyên nhân khác.
Các biện pháp điều trị bệnh Do amip
Điều trị đặc hiệu: các thuốc diệt amip theo chỉ định của bác sĩ.
Điều trị kết hợp:
- Thuốc giảm đau: nếu bệnh nhân đau bụng nhiều do co thắt đại tràng thì dùng các thuốc giảm đau, giãn cơ,…
- Trong trường hợp áp xe gan, áp xe phổi có bội nhiễm vi khuẩn: phối hợp thuốc diệt amip với thuốc kháng sinh theo kháng sinh đồ, đồng thời phải giải quyết ổ áp xe bằng chọc hút hoặc phẫu thuật khi ổ áp xe gan do amip quá to (đường kính >6-8cm).
Nguồn: Vinmec