Giãn phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Giãn phế quản

Giãn phế quản là một bệnh lý trong đó phế quản bị giãn rộng, mất sự đàn hồi và có nhiều vết sẹo sau những lần bị tổn thương. Giãn phế quản thường là kết quả của:

  • Tình trạng nhiễm trùng phế quản.
  • Các yếu tố gây tổn thương thành phế quản.
  • Các yếu tố làm đọng dịch nhầy trên thành phế quản.

Trong bệnh giãn phế quản, phế quản dần dần mất khả năng làm sạch dịch nhầy. Khi đó, dịch nhầy tích tụ lại và là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh trưởng. Tình trạng này dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng và tái đi tái lại.

Giãn phế quản có thể xảy ra ở một hoặc nhiều phần của phổi, có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, vì vậy cần tìm hiểu chính xác giãn phế quản là gì, điều trị như thế nào để bảo tồn được chức năng hô hấp cho bệnh nhân.

Nguyên nhân bệnh Giãn phế quản

Các tổn thương trên thành phế quản thường là nguyên nhân dẫn đến giãn phế quản. Một số bệnh nhiễm trùng phổi có thể gây ra các tổn thương này như:

  • Viêm phổi nặng.
  • Ho gà hoặc sởi.
  • Lao.
  • Nhiễm nấm tại phổi.

Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi dẫn đến giãn phế quản như:

  • Bệnh xơ nang: bệnh này là nguyên nhân của khoảng 50% trường hợp mắc bệnh giãn phế quản ở Mỹ.
  • Bệnh suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS.
  • Phản ứng dị ứng với một loại nấm tên là aspergillus.
  • Các rối loạn liên quan đến vận động của nhung mao trong lòng phế quản.
  • Hội chứng hít sặc, xảy ra khi bệnh nhân hít thức ăn, chất lỏng, nước bọt hoặc thức ăn trong dạ dày trào vào trong phổi. Hít sặc làm viêm đường thở, từ đó dẫn đến giãn phế quản.
  • Các bệnh ở mô liên kết như viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn…

Một số nguyên nhân khác, như tắc do các khối u lành tính, dị vật lọt vào phế quản cũng có thể dẫn đến giãn phế quản.

Những bất thường trong quá trình hình thành phổi ở bào thai sẽ gây ra giãn phế quản bẩm sinh ở trẻ em.

Triệu chứng bệnh Giãn phế quản

Những tổn thương ở phế quản dẫn đến giãn phế quản thường bắt đầu ở lứa tuổi trẻ em. Tuy nhiên các dấu hiệu và triệu chứng có thể chỉ xuất hiện sau nhiều năm khi người bệnh bắt đầu có những tình trạng nhiễm trùng phổi tái đi tái lại.

Những triệu chứng điểm hình nhất của giãn phế quản là:

  • Ho thường xuyên trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
  • Nhiều đờm.
  • Thở ngắn và có tiếng rít.
  • Đau ngực.
  • Da dưới móng chân và móng tay dày lên.
Giãn phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Nếu bác sĩ nghe phổi của bệnh nhân có thể thấy những tiếng phổi bất thường.

Các triệu chứng có thể nặng lên theo thời gian. Người bệnh có thể ho ra máu hoặc đờm lẫn máu, cơ thể mệt mỏi. Trẻ em có thể giảm cân hoặc chậm lớn.

Giãn phế quản nặng có thể gây ra một số bệnh nghiêm trọng, như suy hô hấp, xẹp phổi, suy tim:

  • Suy hô hấp là tình trạng phổi không cung cấp đủ oxy cho hệ tuần hoàn. Suy hô hấp dẫn đến tình trạng thở gấp, thở ngắn, khó thở, tím tái da, môi, buồn ngủ, ảo giác.
  • Xẹp phổi là tình trạng một hoặc nhiều phần của phổi bị xẹp và không hoạt động bình thường. Kết quả là bệnh nhân thở gấp, nhịp tim nhịp thở tăng nhanh, da và môi tím tái.
  • Giãn phế quản xảy ra ở nhiều khu vực của phổi sẽ gây ra suy tim.

Đối tượng nguy cơ bệnh Giãn phế quản

Những người có tiền sử có những tổn thương phổi hoặc có nguy cơ cao mắc nhiễm trùng phổi cũng có nguy cơ cao bị giãn phế quản.

Giãn phế quản có thể gặp ở mọi độ tuổi. Ở trẻ em, tình trạng này xảy ra ở nam nhiều hơn nữ. Tuy nhiên một cách tổng quát, 2/3 số người mắc bệnh giãn phế quản là nữ giới.

Phòng ngừa bệnh Giãn phế quản

  • Biện pháp quan trọng nhất là ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng phổi và các tổn thương phổi có thể gây ra giãn phế quản.
  • Ở độ tuổi trẻ em, nên thực hiện tiêm phòng sởi và ho gà để giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm các biến chứng liên quan, trong đó có giãn phế quản.
  • Tránh hít các hóa chất độc hại, khí ga, thuốc lá để bảo vệ phổi.
  • Điều trị tốt các bệnh nhiễm trùng phổi ở trẻ em giúp bảo tồn chức năng phổi và giảm nguy cơ phát triển thành giãn phế quản mạn tính.
  • Tránh hít sặc hoặc tránh để dị vật lọt vào đường thở.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Giãn phế quản

Giãn phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Bác sĩ nghi ngờ một người mắc bệnh giãn phế quản khi người đó ho thường xuyên, có nhiều đờm. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm để xác định rõ nguyên nhân, đánh giá mức độ tổn thương phế quản.

  • Chụp CT lồng ngực: đây là kĩ thuật thường được sử dụng nhất để chẩn đoán giãn phế quản. Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh chính xác của hệ thống đường dẫn khí và những tổ chức khác trong lồng ngực.
  • Chụp X quang: cung cấp hình ảnh những bất thường của phổi và phế quản.
  • Xét nghiệm máu: xác định liệu giãn phế quản có liên quan đến bệnh lý miễn dịch không, xác định các tác nhân gây nhiễm trùng.
  • Cấy đờm: để xác định chính xác nếu có nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm.
  • Kiểm tra tình trạng nhiễm nấm aspergillus phế quản – phổi dị ứng (ABPA) bằng phương pháp xét nghiệm máu hoặc lẩy da.
  • Xét nghiệm chức năng hô hấp: xét nghiệm tình trạng hoạt động của phổi, giúp xác định rõ mức độ tổn thương phổi.
  • Một số các xét nghiệm khác để kiểm tra các bệnh lý khác như nhiễm vi khuẩn Mycobacteria không lao, xơ nang, rối loạn vận động nhung mao nguyên phát.

Trong trường hợp giãn phế quản không đáp ứng với điều trị, bác sĩ có thể thực hiện nội soi phế quản. Một đường ống mềm có đèn và camera được đưa vào mũi hoặc miệng của người bệnh. Kỹ thuật này giúp phát hiện ra tình trạng tắc đường thở, các khu vực bị chảy máu hoặc tổn thương.

Các biện pháp điều trị bệnh Giãn phế quản

Mục tiêu điều trị bệnh giãn phế quản:

  • Ngăn ngừa nhiễm trùng hô hấp cấp.
  • Điều trị các triệu chứng liên quan.
  • Nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân.
  • Phòng ngừa tiến triển và các các biến chứng của bệnh.

Giãn phế quản thường được điều trị bằng thuốc hoặc vật lý trị liệu. Bác sĩ có thể xem xét phương pháp phẫu thuật nếu giãn phế quản khu trú ở một khu vực hoặc bệnh nhân bị chảy máu nhiều. Nếu giãn phế quản lan tỏa và gây ra suy hô hấp, bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp thở oxy.

Các nhóm thuốc chính trong điều trị giãn phế quản

  • Kháng sinh: kháng sinh luôn được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân giãn phế quản bội nhiễm vi khuẩn. Thông thường bệnh nhân sử dụng kháng sinh đường uống để kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn. Với những trường hợp đáp ứng không tốt có thể cân nhắc sử dụng kháng sinh tiêm, hoặc liệu pháp sử dụng kháng sinh lâu dài (từ 3 tháng trở lên).
  • Thuốc loãng đờm: giúp bệnh nhân dễ dàng khạc đờm và làm sạch đường thở.

Vật lý trị liệu

  • Liệu pháp thông đờm: giúp làm loãng đờm trong phổi để bệnh nhân có thể khạc ra, làm sạch đường thở. Có thể được thực hiện bởi nhân viên y tế hoặc các thành viên gia đình đã được hướng dẫn. Liệu pháp này bao gồm các động tác vỗ vào ngực, lưng bằng tay hoặc máy.
  • Các bài tập phục hồi chức năng hô hấp.
  • Các biện pháp điều trị khác: dựa trên tình trạng cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ có thể sử dụng một số biện pháp điều trị khác.
  • Thuốc giãn phế quản: thuốc giãn phế quản làm giãn các cơ ở đường thở và làm bệnh nhân dễ thở hơn. Đa số các thuốc giãn phế quản ở dạng thuốc hít hoặc sương mịn để khí dung. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc giãn phế quản trước khi thực hiện vật lý trị liệu.
  • Corticoid xịt: nếu bệnh nhân mắc kèm hen hoặc có cơn khò khè, bác sĩ có thể kể đơn corticoid xịt để làm giảm tình trạng viêm.
  • Liệu pháp thở oxy: sử dụng để nâng cao oxy trong máu, thông qua mặt nạ. Liệu pháp oxy có thể thực hiện ở bệnh viện hoặc tại nhà.
  • Phẫu thuật: nếu các biện pháp khác không có hiệu quả và tình trạng giãn phế quản khu trú tại một khu vực nhất định. Trong các trường hợp giãn phế quản nghiêm trọng bác sĩ có thể cân nhắc ghép phổi để thay thế phần phổi bị bệnh.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *