Tổng quan bệnh Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng giãn đám rối tĩnh mạch sinh tinh và tĩnh mạch thừng tinh trong, làm suy giảm chức năng của tinh hoàn, thậm chí có thể dẫn tới vô sinh.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là một tình trạng phổ biến, gặp 10-15% nam giới sau dậy thì và 40% trong số các bệnh nhân nam vô sinh. Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng giãn đám rối tĩnh mạch sinh tinh và tĩnh mạch thừng tinh trong, làm suy giảm chức năng của tinh hoàn, thậm chí có thể dẫn tới vô sinh.
Nguyên nhân bệnh Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Nguyên nhân của bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh hiện chưa được nghiên cứu nhiều, nên thường được xem là do tự phát. Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân của bệnh như: suy các van của hệ thống tĩnh mạch, tĩnh mạch tinh đổ sai chỗ vào tĩnh mạch thận trái hoặc tĩnh mạch chủ bụng, tình trạng tăng áp lực ổ bụng do khối u vùng tiểu khung hay u sau phúc mạc. Dù là nguyên nhân gì, hiện nay người ta vẫn cho rằng bệnh sinh của giãn tĩnh mạch thừng tinh là do sự trào ngược máu tĩnh mạch vào tĩnh mạch tinh, làm giãn hệ thống tĩnh mạch ở bìu tạo thành búi tĩnh mạch ngoằn ngoèo nổi rõ dưới da như túi giun.
Triệu chứng bệnh Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không có hoặc không rõ ràng, đặc biệt trong giai đoạn sớm. Trong đa số các trường hợp, bệnh nhân đến khám vì vô sinh và tình cờ phát hiện bệnh khi thăm khám. Cơ chế gây vô sinh trong bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh là do sự tăng nhiệt độ ở bìu so với bình thường, làm ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh tinh, gây giảm chất lượng tinh trùng thông qua việc giảm tính di động và biến đổi hình dạng của tinh trùng.
Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh thường đối mặt với các triệu chứng như đau tinh hoàn, theo thời gian sẽ thấy rõ các búi tĩnh mạch giãn ở da bìu, được ví như một túi giun, tinh hoàn thường ở trạng thái sưng và phù nề. Triệu chứng đau trong giãn tĩnh mạch thừng tinh thường có đặc điểm sau:
- Đau thay đổi từ cảm giác khó chịu đến đau nhiều.
- Đau tăng khi đứng hay khi gắng sức, nặng lên về cuối ngày.
- Đau giảm khi nằm ngửa.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường hình thành trong quá trình dậy thì (1) và trên 80% các trường hợp thường gặp ở bên trái.
Đối tượng nguy cơ bệnh Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào rõ ràng liên quan đến bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Các biện pháp chẩn đoán
Giãn tĩnh mạch thừng tinh được chẩn đoán chủ yếu dựa vào khám lâm sàng và siêu âm tinh hoàn.
Ngoài triệu chứng đau tinh hoàn hoặc suy giảm khả năng sinh sản mà bệnh nhân gặp phải, việc thăm khám lâm sàng có thể phát hiện một khối mềm, không đau nằm phía trên tinh hoàn. Nếu các búi tĩnh mạch còn nhỏ, bác sĩ sẽ yêu câu bệnh nhân đứng dậy, hít một hơi thật sâu và nín thở sẽ thấy búi tĩnh mạch hiện ra rõ hơn (nghiệm pháp Valsalva).
Siêu âm tinh hoàn cung cấp hình ảnh chính xác về các cấu trúc bên trong. Siêu âm tinh hoàn còn giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây ra giãn tĩnh mạch thừng tinh như khối u chèn ép tĩnh mạch tinh.
Các biện pháp điều trị
Giãn tĩnh mạch thừng tinh không những không thể tự khỏi mà còn gây ra nhiều biến chứng, nguy hiểm nhất là vô sinh nếu không được điều trị kịp thời.
Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh được thực hiện chủ yếu bằng các phương pháp can thiệp ngoại khoa. Phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh qua nội soi ổ bụng hoặc mổ mở là phương pháp kinh điển. Bệnh không cần điều trị khi không có triệu chứng. Phẫu thuật chỉ được chỉ định cho các trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh điển hình có triệu chứng như đau tức hai tinh hoàn kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh vì phẫu thuật mang lại nhiều biến chứng như:
- Tràn dịch màng tinh hoàn.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh tái phát.
- Nhiễm trùng.
- Phá hủy động mạch lân cận.
Ngày nay, giãn tĩnh mạch thừng tinh đang được điều trị bằng các phương pháp mới, trong đó phải kể đến phương pháp điều trị bằng can thiệp nội mạch qua da. Hệ thống tĩnh mạch thừng tinh được tiếp cận thông qua một ống có gắn camera kết nối với màn hình theo dõi, được đưa vào từ bẹn hoặc cổ của bệnh nhân. Sau đó bác sĩ sẽ làm tắc nghẽn hệ tĩnh mạch thừng tinh bằng dây cuộn hoặc các phương tiện khác để ngăn ngừa sự trào ngược máu về tĩnh mạch tĩnh, giải quyết được tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh. Phương pháp này đang ngày càng được áp dụng phổ biến hơn và có xu hướng thay thế phương pháp phẫu thuật vì tính chất ít xâm lấn và khả năng mang lại hiệu quả cao hơn. Sau khi thuyên tắc tĩnh mạch thừng tinh 2 ngày, bệnh nhân có thể quay trở lại công việc bình thường, và sau 7 đến 10 ngày có thể bắt đầu tập thể dục.
Bên cạnh các phương pháp điều trị can thiệp, người bệnh có thể sử dụng các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, ibuprofen và mang quần lót đúng cách để nâng đỡ bìu.
Một số thuốc cũng tỏ ra có hiệu quả trong việc cải thiện số lượng và chất lượng tinh trùng như thuốc các thuốc hỗ trợ nội tiết, các loại khoáng chất như kẽm, nhóm các chất có khả năng chống oxy hóa như vitamin E, A, C, carnitine,…
Nguồn: Vinmec