Gù cột sống: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Gù cột sống

Bệnh gù cột sống là hiện tượng bị biến dạng gù cột sống do ít nhất 3 đốt sống liên tiếp có góc gù thân đốt ≥ 5 độ gây nên. Bệnh gù cột sống thường tiến triển nhanh ở tuổi dậy thì, gây ra tâm lý thiếu tự tin, mặc cảm cho người bệnh. 

Gù cột sống là phần cong về phía trước của lưng, hiện tượng cong này vượt quá mức quy định (cong hơn 45 độ được coi là nghiêm trọng và không bình thường).

Nguyên nhân bệnh Gù cột sống

Các đốt sống có tác dụng tạo nên một cột sống khỏe mạnh, được xếp chồng lên nhau thành cột trụ. Hiện tượng gù cột sống xảy ra khi đốt sống ở phần lưng trên ngày càng biến dạng thành hình chữ V. Nguyên nhân chính gây ra dị tật này, bao gồm:

  • Do xương mỏng đi dẫn đến đốt sống bị nghiền (gãy xương do đè nén) hay còn gọi là loãng xương. Hiện tượng loãng xương phổ biến nhất ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ và ở những người dùng corticosteroid liều cao trong thời gian dài.
  • Do thoái hóa đĩa đệm. Là khi lớp đệm giữa các đốt xương sống mềm và hình tròn bị khô, co lại do tuổi tác làm tăng tình trạng gù vẹo cột sống
  • Do bệnh Scheuermann (hay còn gọi là gù cột sống Scheuermann), bệnh này thường bắt đầu trong thời gian phát triển mạnh xảy ra trước tuổi dậy thì, đặc biệt ở bé trai bị ảnh hưởng nhiều hơn là bé gái. 
  • Do dị tật bẩm sinh. Nếu cột sống của bé không phát triển đúng cách trong tử cung, xương cột sống có thể không được hình thành đúng, gây ra gù cột sống.
  • Do các hội chứng Marfan hoặc bệnh Prader-Willi.
  • Do ung thư và điều trị ung thư ở cột sống có thể làm suy yếu đốt sống và làm cho nó dễ gãy do đè nén, cũng có thể gây ra bởi hóa trị và xạ trị.
  • Do tư thế di chuyển đi vai thõng xuống (đặc biệt phổ biến ở thanh thiếu niên) gây ra tình trạng cong cột sống phía trên.

Triệu chứng bệnh Gù cột sống

Bệnh gù cột sống có các dấu hiệu, triệu chứng bệnh như sau:

  • Tư thế đi có xu hướng khom về phía trước, nhìn thường rõ nhất từ bên hông giống như bệnh nhân cúi gập người về phía trước.
  • Bị đau lưng ngày càng nặng.
  • Chiều cao bị giảm.
  • Có cảm giác mệt mỏi.
  • Khó đứng thẳng, đặc biệt thời điểm cuối ngày.
Gù cột sống: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đường lây truyền

Bệnh gù cột sống không lây truyền từ người này sang người khác.

Đối tượng nguy cơ bệnh

Bệnh gù cột sống có thể phát triển ở mọi lứa tuổi và có thể ảnh hưởng đến cả hai giới, tuy nhiên phổ biến nhất ở phụ nữ lớn tuổi. 

Có các yếu tố sau làm tăng nguy cơ bị gù cột sống như: chứng loãng xương, mật độ xương thấp, gia đình có người đã từng bị bệnh này.

Phòng ngừa bệnh Gù cột sống

Để phòng ngừa bệnh gù cột sống, biện pháp khắc phục hiệu quả nhất là thay đổi lối sống của bản thân, ví dụ như:

  • Giữ tư thế đi đúng, tránh tư thế buông thõng vai.
  • Ngồi đúng tư thể, ngồi thẳng, đảm bảo lưng được hỗ trợ.
  • Hạn chế đeo cặp sách nặng có thể gây co kéo cơ lưng và dây chằng; các cặp sách tốt nhất được thiết kế kiểu ba lô.
  • Thường xuyên tập thể dục để giúp lưng khỏe và linh hoạt; các hoạt động như bơi lội, chạy bộ, đi bộ, yoga và các bài tập phối hợp là lý tưởng cho việc giúp ngăn chặn các vấn đề cho lưng.

Các biện pháp chẩn đoán

Phương pháp chẩn đoán bằng khám lâm sàng

Để chẩn đoán bệnh gù cột sống, bác sĩ cần kiểm tra chiều cao và có thể yêu cầu bệnh nhân cúi về phía trước từ thắt lưng để bác sĩ quan sát cột sống từ phía bên hông. Nếu bị bệnh gù cột sống, lưng trên cong có thể thấy rõ hơn ở vị trí này. 

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể thực hiện một bài kiểm tra về thần kinh để kiểm tra phản xạ và sức cơ của.

Gù cột sống: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Phương pháp chẩn đoán hình ảnh

Tùy thuộc vào dấu hiệu và triệu chứng, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các phương pháp như:

  • Chụp X-quang, phương pháp này thường được sử dụng để xác định mức độ cong và có thể phát hiện dị tật của đốt sống, giúp xác định loại gù cột sống.
  • Chụp cắt lớp vi tính từ nhiều góc độ khác nhau để tạo thành hình ảnh cắt ngang của cấu trúc nội bộ.
  • Chụp cộng hưởng từ khi có nghi ngờ một khối u hoặc nhiễm trùng.

Kiểm tra thần kinh khi có biểu hiện tê bì hoặc yếu cơ.

Các biện pháp điều trị

Có những cách nào để chữa gù cột sống?

Để điều trị bệnh gù cột sống, có thể sử dụng thuốc/phẫu thuật hoặc các phương pháp trị liệu, bao gồm:

  • Các bài tập thể dục kéo giãn giúp cải thiện tính linh hoạt của cột sống và giảm đau lưng. Bài tập tăng sức cơ bụng có thể giúp cải thiện tư thế.
  • Đeo khung có thể ngăn chặn sự tiến triển của gù cột sống bằng cách đeo khung chằng cơ thể trong khi xương của chúng vẫn đang phát triển.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, hoạt động thể dục thường xuyên giúp ngăn ngừa đau lưng và giảm các triệu chứng gây ra do gù cột sống.
  • Chế độ ăn uống giàu  canxi và vitamin D giúp duy trì mật độ xương tốt.  

Phương pháp phẫu thuật và các thủ thuật khác được sử dụng khi độ cong cột sống rất nghiêm trọng gây co kéo tuỷ sống hoặc rễ thần kinh, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để giảm độ cong. Thủ thuật hợp nhất cột sống được sử dụng để kết nối hai hoặc nhiều hơn các đốt sống bị ảnh hưởng với nhau vĩnh viễn.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *