Hội chứng thận hư ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Hội chứng thận hư ở người lớn

Hội chứng thận hư là một hội chứng lâm sàng và sinh hóa, xuất hiện khi có tổn thương ở cầu thận do nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau gây nên, đặc trưng bởi phù, protein niệu cao, protein máu giảm, rối loạn lipid máu và có thể đái ra mỡ.

Thận là cơ quan bài tiết chính của hệ tiết niệu trong cơ thể. Nó có hình hạt đậu màu nâu nhạt, mặt trước nhẵn bóng còn mặt sau sần sùi, có một bờ lồi, một bờ lõm. Mỗi quả thận có kích thước chiều dài khoảng 10 – 12.5 cm, rộng 5–6 cm, dày 3–4 cm và nặng khoảng 170g.

Thận đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể con người, giúp thanh thải và loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể, các chức năng chính của thận bao gồm:

  • Chức năng lọc máu và các chất thải: Thận sẽ lọc các chất thải chỉ giữa lại protein và các tế bào máu. Các chất thải này được tiết ra, sau đó vào dịch lọc để hình thành nước tiểu.
  • Chức năng điều hòa thể tích máu: thận có vai trò quan trọng trong kiểm soát khối lượng dịch ngoại bào trong cơ thể bằng cách sản xuất nước tiểu. Do đó khi chúng ta uống nhiều nước thì lượng nước tiểu sẽ tăng lên và ngược lại.
  • Thận giúp hòa các chất hòa tan trong máu, độ pH của dịch ngoại bào và quá trình tổng hợp của các tế bào máu: thận giúp điều hòa nồng độ các ion có trong máu. Ngoài ra, thông qua việc tổng hợp vitamin D để hỗ trợ kiểm soát lượng ion canxi trong máu.

Mỗi quả thận gồm 1 triệu bộ lọc gọi là bộ lọc cầu thận để làm sạch máu có độc. Thận khỏe mạnh sẽ giữ lại những chất quan trọng được gọi là protein trong máu. Với hội chứng này, thận loại bỏ cả protein cùng với các chất thải khác ra khỏi cơ thể trong khi đi tiểu. Hội chứng thận hư gây sưng (phù), đặc biệt là ở bàn chân và mắt cá chân của bệnh nhân và làm tăng nguy cơ về các vấn đề sức khỏe khác.

Có đến 30% số bệnh nhân mắc phải hội chứng thận hư ở người lớn.

Nguyên nhân bệnh Hội chứng thận hư ở người lớn

Nguyên nhân gây ra bệnh thận hư được chia làm hai nhóm.

Bệnh thận hư nguyên phát

Xơ chai cầu thận khu trú từng phần:

  • Cầu thận bị xơ hóa, trong số cầu thận bị xơ hóa thì chỉ có một số ít là có cầu thận bất thường.
  • Thường có tăng huyết áp, GFR giảm, cặn lắng nước tiểu bình thường.
  • Tiến triển: 50% chết trong 10 năm.

Bệnh cầu thận màng:

  • Có IgG đọng ở màng cơ bản vi cầu thận (mặt ngoài).
  • Chiếm 30 – 50% nguyên nhân thận hư nguyên phát ở người lớn.
  • Giai đoạn đầu chức năng thận có thể bình thường.
  • Tiến triển: 50% chết trong 10 năm.

Bệnh cầu thận tăng sinh tế bào trung mô:

  • Có phức hợp miễn dịch đọng trên màng cơ bản của vi cầu thận.
  • Tăng huyết áp, GFR giảm, lắng nước tiểu bất thường.
  • Tiến triển từ từ : 50 – 60% chết trong 10 năm.
  • Bệnh cầu thận tăng sinh màng.
  • Viêm cầu thận liềm, bệnh thận IgA.

Bệnh thận hư thứ phát

Sau một bệnh nhiễm trùng:

  • Viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu trùng.
  • Viêm nội tâm mạc.
  • Sốt rét, giang mai thời kỳ 2.
  • Viêm gan siêu vi B.

Do thuốc:

  • Thuốc chống nọc rắn, chống độc tố, thuốc cản quang.
  • Thủy ngân hữu cơ và vô cơ.
  • Các bệnh ung thư.

Hội chứng thận hư trong các bệnh tổng quát:

  • Thoái biến dạng bột.
  • Đái tháo đường.
  • Lupus đỏ hệ thống : thường không có tăng huyết áp, chức năng thận giảm nhanh chóng. Cholesterol bình thường gợi ý hội chứng thận hư do lupus.
  • Viêm đa động mạch.
  • Hội chứng Goodpasture.
  • Schonlein Henoch.

Triệu chứng bệnh Hội chứng thận hư ở người lớn

Triệu chứng lâm sàng khi bệnh nhân mắc hội chứng thận hư:

Phù: phù tăng nhanh trong vài ngày hoặc vài tuần.

  • Bệnh nhân dễ dàng nhận biết bằng sự tăng cân.
  • Ở người lớn, cân nặng có thể tăng từ  20 – 30kg.
  • Bệnh nhân có thể phù mặt, đặc biệt là phù mi mắt rồi xuống chi dưới, bụng và bộ phận sinh dục.
  • Phù thường biểu hiện rõ ở vùng thấp của cơ thể, ấn vào chỗ phù có cảm giác mềm, lõm và không gây đau. Có thể có dịch trong ổ bụng. Thấy dịch ở màng phổi một bên hoặc hai bên.
  • Trường hợp phù nặng, có thể có cả dịch ở màng ngoài tim.

Tiểu ít:

  • Bệnh nhân chỉ có lượng nước tiểu thường dưới 500ml/ngày, có khi chỉ còn 200 – 300ml khi bệnh nhân phù nhiều.

Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, kém ăn hoặc có tăng huyết áp kèm theo.

Hội chứng thận hư ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đối tượng nguy cơ bệnh Hội chứng thận hư ở người lớn

Những đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng thận hư ở người lớn:

  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý làm tổn thương thận như: tiểu đường, lupus, thoái hóa dạng bột, bệnh cầu thận sang thương tối thiểu và các bệnh lý thận khác.
  • Bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc có thể gây ra hội chứng thận hư như: thuốc chống viêm không steroid và thuốc kháng sinh.
  • Bệnh nhân bị bệnh nhiễm trùng làm tăng nguy cơ của hội chứng thận hư bao gồm: HIV, viêm gan B, viêm gan C và bệnh sốt rét.
  • Người nghiện thuốc (như heroin, đối với bệnh xơ hóa cầu thận khu trú từng đoạn)
  • Dùng và lạm dụng thuốc giảm đau kéo dài.
  • Tiền sản giật.

Phòng ngừa bệnh Hội chứng thận hư ở người lớn

  • Để phòng bệnh, bệnh nhân không được tự ý dùng các thuốc ức chế miễn dịch.
  • Người bệnh cần phòng tránh nhiễm lạnh đường hô hấp trên, các bệnh viêm da.
  • Bệnh nhân không được tự ý bỏ thuốc, hoặc uống giảm liều thuốc, không dùng các thuốc không rõ nguồn gốc.
  • Có một chế độ ăn uống hợp lý, không uống bia, rượu; không hút thuốc lá; ăn ít thịt, giảm mỡ và tăng cường rau quả.
  • Bệnh nhân tránh lao động quá nặng nhọc.
  • Phòng tăng huyết áp, nếu bị tăng huyết áp cần phải điều trị và kiểm soát huyết áp.
  • Điều trị sỏi tiết niệu và hạn chế dùng muối; đề phòng nhiễm khuẩn tiết niệu và điều trị kịp thời viêm nhiễm tiết niệu.
Hội chứng thận hư ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hội chứng thận hư ở người lớn

Lâm sàng

  • Phù: phù là dấu hiệu lâm sàng đầu tiên cần đưa người bệnh đến bệnh viện. Phù xuất hiện nhanh, không có dấu hiệu báo trước. Phù thường to và rất to, phù toàn thân kèm theo cổ trướng, đôi khi có tràn dịch màng phổi và màng tinh hoàn. Cân nặng tăng nhanh 20% – 25% trọng lượng cơ thể. Ăn nhạt không giảm phù, phù thường kéo dài.
  • Tiểu ít: nước tiểu thường dưới 500ml/ 24h, có khi ít hơn chỉ vài chục ml trong ngày. Nước tiểu vàng, không đái buốt, đái dắt.
  • Da xanh, do phù giữ nước, niêm mạc rất hồng.
  • Mệt mỏi, kém ăn.
  • Thường không sốt.

Cận lâm sàng

Triệu chứng cận lâm sàng:

  • Protein niệu cao: ít nhất là trên 3,5g/24h có khí nhiều tới vài chục gam trong 24h.
  • Protein máu giảm dưới 60g/l, đặc biệt albumin máu giảm nặng dưới 30g/l, globulin máu tăng, tỷ số A/G < 1.
  • Lipid máu tăng, chủ yếu là tăng cholesterol toàn phần, triglyceride và phospholipid. Tăng lipid toàn phần ít có giá trị.
  • Natri máu thường giảm nhẹ, kali máu giảm ít, natri niệu thấp, kali niệu tăng.
  • Nước tiểu thường có trụ chiết quang, bạch cầu niệu ít, không có vi khuẩn niệu.
  • Máu lắng tăng cao.
  • Điện di globulin miễn dịch: IgG giảm, IgM tăng, IgA giảm ít.
  • Mức lọc cầu thận bình thường, chỉ giảm khi có suy thận.
  • Số lượng hồng cầu, Hb, hct giảm nhẹ.
  • Sinh thiết thận: tùy từng mức độ tổn thương thận.

Tiêu chuẩn chẩn đoán:

  • Phù.
  • Protein niệu: >3,5g/ 24 giờ hoặc > 40mg/ m2 da/ giờ.
  • Protein máu giảm dưới 60g/l, albumin máu giảm dưới 30g/l.
  • Tăng cholesterol máu > 6,4 mmol/l.
  • Có hạt mỡ lưỡng chiết, trụ mỡ , trụ hạt trong nước tiểu.

Các biện pháp điều trị bệnh Hội chứng thận hư ở người lớn

Điều trị hội chứng thận hư ở người lớn cần tuân thủ một số nguyên tắc:

  • Theo dõi và duy trì cân bằng dịch trong cơ thể:
    • Theo dõi nước tiểu ra, huyết áp, cân nặng, ion đồ, ure, creatinin hằng ngày, tính GFR.
    • Hạn chế nước < 1 lít.
    • Lợi tiểu (IV furosemide).
  • Bảo tồn chức năng thận:
    • Giảm đạm niệu.
    • Thuốc ức chế men chuyển, ức chế TT angiotensin.
    • Kiểm soát huyết áp tốt, HA 125/ 75 mmHg.

Bên cạnh dự phòng và điều trị các biến chứng, cần có điều trị riêng biệt từng nguyên nhân do bác sĩ chỉ định.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *