Mất ngủ mãn tính: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Mất ngủ mãn tính

Mất ngủ mãn tính là tình trạng khó vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ vào ban đêm, thức giấc sớm và không ngủ lại được trong thời gian ít nhất 1 tháng. Hầu hết những người mất ngủ đều có các biểu hiện trên.

Mất ngủ dưới 1 tháng gọi là mất ngủ cấp ( ngắn hạn) và mất ngủ trên 1 tháng là mất ngủ mãn tính.

Ước tính 10 – 15 % dân số mất ngủ ngắn hạn hoặc mãn tính. Nước Mỹ có 12,7% người lớn mất ngủ mãn tính, 44% người cao huyết áp mất ngủ so với 19,3% ở người bình thường.

Thức giấc giữa đêm (middle-of-the-night: MONT), khó ngủ trở lại (difficulty returning to sleep: DRS), thức sớm gặp nhiều nhất ở người mất ngủ mãn tính và thường kèm tình trạng khó vào giấc ngủ. Người Việt là một trong các dân tộc có thói quen ngủ trưa rất hợp lý và khoa học nhưng khi mất ngủ mãn tính thì giấc ngủ trưa cũng không còn. Ngủ ngày hay gặp ở người lớn tuổi và bắt đầu một thời kỳ bệnh lý mới.

Nguyên nhân bệnh Mất ngủ mãn tính

Nguyên nhân mất ngủ mãn tính là do chất lượng cuộc sống giảm sút, các bệnh lý cơ thể trong đó có bệnh lý tâm thần, cơ thể bị giảm miễn dịch tự nhiên. Có thể kể ra các nguyên nhân sau:

Mất ngủ do bệnh tật

  • Đau nhức xương khớp, thoái hoá đốt sống, thoái hóa khớp, loãng xương gây đau nhức về đêm.
  • Các bệnh về tim mạch: Cao huyết áp, thiếu máu cơ tim (thiểu năng mạch vành), suy tim gây đau tức ngực, khó thở.
  • Các bệnh đường hô hấp: Các bệnh giãn phế quản, hen phế quản gây ho nhiều, khó thở.
  • Các bệnh đường tiêu hoá: Bệnh dạ dày, viêm đại tràng mãn tính, rối loạn tiêu hoá.
  • Các bệnh đường tiết niệu, sỏi tiết niệu (sỏi thận , sỏi bàng quang..), u xơ tuyến tiền liệt, đái tháo đường, thường gây đi tiểu nhiều lần trong đêm.
  • Bệnh tâm thần: Người có bệnh tâm thần bị mất ngủ mãn tính nhiều hơn và khó ngủ trở lại hơn người không bị bệnh.

Mất ngủ do ảnh hưởng xấu của môi trường

Các yếu tố hay gặp như: Nhà chật chội, đông người, nơi nhiều tiếng ồn ào, mất vệ sinh hay gặp ở vùng đô thị làm người bệnh càng thêm khó ngủ.

Mất ngủ do ăn uống không điều độ

Nếu ăn quá no, uống nhiều nước trước khi ngủ hoặc uống rượu, bia, ăn nhiều chất kích thích (cà phê, trà, thuốc lá …) cũng ảnh hưởng xấu tới giấc ngủ.

Mất ngủ do rối loạn tâm sinh lý

Bệnh trầm cảm, tức giận, buồn rầu, ghen tị, lo âu quá mức (lo lắng trong công việc, về tài chính, về bệnh tật ..), stress kéo dài, tâm thần phân liệt…

Mất ngủ do thay đổi hormone

Estrogen, hormone thay đổi trong thời kỳ kinh nguyệt.

Mất ngủ do suy giảm các chức năng của cơ thể, suy giảm hàm lượng hormon

Đây là một nguyên nhân rất khó tránh khỏi, tuổi tác càng cao thì mọi chức năng của cơ thể đều bị suy giảm, trong đó chức năng của hệ thần kinh trung ương là rất nhạy cảm.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng mất ngủ mãn tính như:

  • Quá lo lắng về giấc ngủ của mình.
  • Cố gắng thử và chủ ý dùng nhiều thời gian cho giấc ngủ. Khi cố gắng ngủ nghĩa là bệnh nhân đang cố tình quên đi một điều gì đó, vì vậy sẽ không tránh khỏi thức tỉnh, thậm chí thức trắng, kết quả là chỉ thiếp đi khi quá mệt mỏi. Lúc này mất ngủ càng thêm tồi tệ.

Triệu chứng bệnh Mất ngủ mãn tính

Người bị bệnh mất ngủ thường gặp phải các triệu chứng sau đây:

  • Trằn trọc khó ngủ.
  • Dễ tỉnh giấc nhưng rất khó ngủ lại.
  • Thức dậy quá sớm.
  • Cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy.
  • Bệnh nhân không có cảm giác đã được nghỉ ngơi sau khi ngủ.
  • Bệnh nhân cảm thấy lờ đờ, mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày.
  • Khó chịu, trầm cảm hoặc lo âu.
  • Gặp khó khăn trong các vấn đề về chú ý, tập trung và ghi nhớ.
  • Nhức đầu hay căng thẳng…
  • Mệt mỏi, uể oải trong ngày.
  • Bồn chồn, dễ nóng giận.
  • Quên, không thể tập trung vào công việc.
  • Khó đưa ra những quyết định sáng suốt.
  • Tăng tính bị ám thị, dễ bị ảnh hưởng bởi người khác.
  • Mất khả năng thiết lập kế hoạch cho tương lai.
  • Có thể có những ảo giác nghĩa là nhìn thấy những hình ảnh không có thực.

Những dấu hiệu này nặng hay nhẹ tùy thuộc vào tình trạng mất ngủ nhiều hay ít của bệnh nhân. Khi thấy có những triệu chứng trên bệnh nhân nên đi đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mất ngủ mãn tính: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đối tượng nguy cơ bệnh Mất ngủ mãn tính

Mất ngủ mãn tính có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng, từ nam đến nữ, từ trẻ đến già. Tuy nhiên đối tượng thường hay bị mất ngủ mãn tính là:

  • Những người bị bệnh nội khoa.
  • Người phải đối mặt với lo âu như thi cử hoặc phỏng vấn xin việc làm, đối mặt với sự thất bại, sự mất mát, thay đổi cuộc sống.
  • Người bị mệt mỏi, căng thẳng và stress kéo dài hay những trường hợp rối loạn nhân cách.
  • Người hay sử dụng các chất kích thích như cafe, thuốc lá, ma túy, người nghiện ngập thường rất dễ dẫn đến tình trạng mất ngủ mãn tính.

Phòng ngừa bệnh Mất ngủ mãn tính

Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa rối loạn giấc ngủ:

  • Đảm bảo phòng ngủ phải yên tĩnh, phòng tối và mát: tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt… có thể cản trở giấc ngủ. Hãy thử sử dụng một máy âm thanh hoặc nút tai để giấu tiếng ồn bên ngoài, mở cửa sổ hoặc quạt để giữ cho căn phòng mát mẻ. Sử dụng rèm cửa hoặc mặt nạ ngủ để ngăn chặn ánh sáng.
  • Cố định một lịch ngủ: hỗ trợ đồng hồ sinh học bằng cách đi ngủ và thức dậy vào đúng giờ mỗi ngày, kể cả cuối tuần, ngay cả khi đang mệt mỏi. Điều này sẽ giúp bạn có thể quay lại chu kỳ giấc ngủ thường xuyên.
  • Tránh ngủ trưa quá nhiều: ngủ trưa trong ngày có thể làm cho khó khăn hơn để ngủ vào ban đêm. Bạn có thể ngủ một giấc ngủ ngắn, tối đa đến 30 phút và dậy trước 15h.
  • Tránh các hoạt động kích thích và những tình huống căng thẳng trước khi đi ngủ: bao gồm các bài tập mạnh; thảo luận hay tranh luận lớn; xem tivi, máy tính hoặc sử dụng video game. Thay vào đó, tập trung vào các hoạt động nhẹ nhàng yên tĩnh như: đọc sách, đàn hoặc nghe nhạc nhẹ.
  • Hạn chế cà phê, rượu, bia và nicotine: ngừng uống đồ uống có chứa cafein ít nhất 8 giờ trước khi đi ngủ.
  • Tránh uống rượu vào buổi tối; trong khi uống rượu có thể làm cho bạn cảm thấy buồn ngủ nhưng nó làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn.
  • Bỏ hút thuốc lá hoặc tránh hút thuốc vào ban đêm vì nicotine là một chất kích thích.
  • Sử dụng một cuốn nhật ký mất ngủ để xác định thói quen gây mất ngủ: nhiều khi thói quen hàng ngày ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ như xem tivi khuya hoặc lướt Internet.

Ví dụ: Người bệnh có thể theo dõi ghi vào cuốn nhật ký của mình giờ nào đi vào giấc ngủ và giờ nào thức dậy, nơi đi vào giấc ngủ, những gì mình đã ăn và uống cũng như bất kỳ sự kiện căng thẳng xảy ra trong ngày.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Mất ngủ mãn tính

Để chẩn đoán bệnh mất ngủ mãn tính cần đòi hỏi một sự kiểm tra tỉ mỉ.

Mỗi bệnh nhân mất ngủ mãn tính sẽ được phân tích những vấn đề xung quanh giấc ngủ: thói quen ngủ của bệnh nhân  như thế nào, tư thế ngủ, môi trường phòng ngủ ra sao, loại thuốc gì mà bệnh nhân đã dùng, bệnh nhân dùng bữa khi nào, đã uống gì vào buổi sáng và buổi tối ngày hôm đó… Tất cả những điều này và thêm nhiều điều khác nữa sẽ được xem xét để có được chẩn đoán chính xác.

Chẩn đoán mất ngủ dựa trên lời khai chủ quan của người bệnh.

Đối với mất ngủ ở tuổi trung niên cần được tiếp cận về tâm sinh lý, về hoạt động tâm thần, nhất là giới nữ.

Các biện pháp điều trị bệnh Mất ngủ mãn tính

Cách tốt nhất để chữa bệnh mất ngủ mãn tính là cần phải tìm được nguyên nhân gây ra  tình trạng mất ngủ này.

  • Liệu pháp tâm lý: phương pháp này có vai trò rất quan trọng trong chữa trị mất ngủ mãn tính.
  • Thư giãn đơn giản như: ngồi thiền, luyện khí công, yoga, tập dưỡng sinh,…đều hiệu quả để chữa trị chứng mất ngủ.
  • Thực hiện nếp sống và chế độ ăn uống điều độ, tinh thần lạc quan, thường tham gia các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt câu lạc bộ, theo đuổi một hay vài thú tiêu khiển lành mạnh cũng là những yếu tố giúp loại bỏ chứng mất ngủ.
  • Ăn một số loại thức ăn bổ dưỡng điều trị mất ngủ như Trà hoa cúc, bột yến mạch hoặc thịt gà vào bữa tối, một cốc mật ong ấm trước khi ngủ…giúp khắc phục bệnh mất ngủ mãn tính.

Ngoài ra có thể điều trị mất ngủ bằng thuốc:

  • Tây y: Sử dụng các thuốc an thần hỗ trợ điều trị bệnh này, tuy nhiên về lâu dài, tác dụng phụ là điều khó tránh.
  • Đông y lại thường dùng các thảo dược hoạt huyết, thông mạch, dưỡng não, bổ huyết giúp người bệnh dần dần khắc phục những triệu chứng của mất ngủ.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *