Tăng huyết áp thai kỳ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Tăng huyết áp thai kỳ

Huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành mạch. Huyết áp gồm có hai con số (ví dụ 140/80mmHg, 130/90mmHg). Số cao hơn gọi là huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa), số thấp hơn là huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu). Theo khuyến cáo hiện nay của Hội tim mạch Châu Âu và Hội tim mạch Việt Nam, gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg (Hội Tim mạch Hoa Kì coi huyết áp ≥130/80mmHg là tăng huyết áp). Tức là huyết áp bình thường phải nhỏ hơn 140/90mmHg.

Tăng huyết áp thai kỳ là gì?

Tăng huyết áp thai kỳ là tăng huyết áp xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ và trở về bình thường 6 tuần sau đẻ. Tăng huyết áp thai kỳ mức độ nhẹ khi huyết áp từ 140-159/90-109mmHg, mức độ nặng khi huyết áp ≥160/100mmHg.

Các khái niệm sau cần phải phân biệt với tăng huyết áp thai kỳ:

  • Tăng huyết áp phát hiện từ trước: tăng huyết áp có từ trước tuần thứ 20 của thai kỳ, kéo dài hơn 6 tuần sau đẻ.
  • Tăng huyết áp phát hiện từ trước, năng lên khi có thai kèm protein niệu.
  • Tiền sản giật: tăng huyết áp thai kỳ kèm protein niệu (>0,3g/24h). Do vậy nếu phát hiệu tăng huyết áp thai kỳ (sau tuần 20) kèm protein trong nước tiểu cần phải chẩn đoán là tiền sản giật.

Tăng huyết áp thai kỳ có thể gây ảnh hưởng nguy hiểm đến cả mẹ và thai nhi. Đối với mẹ, nó có thể gây bong rau, đột quỵ, suy đa tạng, rối loạn đông máu rải rác. Đối với thai nhi, nó có thể gây chậm phát triển trong tử cung, sinh non, thai lưu.

Nguyên nhân bệnh Tăng huyết áp thai kỳ

Nguyên nhân tăng huyết áp thai kỳ rất phức tạp với sự đóng góp của nhiều yếu tố và vẫn còn đang được nghiên cứu.

Triệu chứng bệnh Tăng huyết áp thai kỳ

Thường tăng huyết áp thai kỳ đơn thuần không có nhiều triệu chứng, đa phần tình cờ phát hiện ra. Bệnh nhân thường có triệu chứng trong trường hợp tiền sản giật:

Tăng huyết áp thai kỳ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
  • Đau đầu kéo dài, dữ dội.
  • Rối loạn thị lực (nhìn đôi, nhìn mờ, mất thị lực thoáng qua…).
  • Đau vùng thượng vị.
  • Thay đổi ý thức.
  • Khó thở, đau ngực sau xương ức.

Khi có các triệu chứng này thì bệnh tương đối nặng, cần xử trí khẩn cấp, có thể phải chấm dứt thai kỳ.

Đối tượng nguy cơ bệnh Tăng huyết áp thai kỳ

  • Tiền sản giật ở thai kỳ trước.
  • Tuổi >40 hoặc <18.
  • Tăng huyết áp mạn tính.
  • Bệnh thận mạn.
  • Bệnh tự miễn (Lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng kháng phospholipid).
  • Đái tháo đường.
  • Béo phì.
  • Có thai bằng thụ tinh nhân tạo.
  • Đa thai.

Phòng ngừa bệnh Tăng huyết áp thai kỳ

  • Tránh mang thai, sinh nở khi tuổi cao.
  • Giảm cân trước khi mang thai (nếu thừa cân).
  • Chế độ ăn lành mạnh: nhiều rau xanh, hoa quả, ít mỡ động vật, thay bằng dầu thực vật để giảm nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ.
  • Tập thể dục thường xuyên trước khi mang thai. Trong khi có thai cũng cần vận động phù hợp tùy từng giai đoạn. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán tiền sản giật, nên vận động nhẹ nhàng tùy tình trạng bệnh nhân. Không khuyến khích nằm tại giường trong một thời gian dài.
  • Kiểm soát đường huyết tốt trước và trong khi mang thai nếu bị đái tháo đường hoặc đái tháo đường thai kỳ.
Tăng huyết áp thai kỳ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Tăng huyết áp thai kỳ

  • Đo huyết áp đúng cách để chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ.
  • Cần làm các xét nghiệm: tổng phân tích nước tiểu, nước tiểu 24h để tìm protein niệu, chẩn đoán tiền sản giật.
  • Siêu âm thai định kỳ để đánh giá sự phát triển của thai nhi.
  • Xét nghiệm chức năng gan, thận, đường máu… đánh giá tổn thương các cơ quan nếu có tiền sản giật.

Các biện pháp điều trị bệnh Tăng huyết áp thai kỳ

Tăng huyết áp thai kỳ điều trị như thế nào?

  • Cần điều trị tăng huyết áp thai kỳ khi huyết áp ≥ 140/90mmHg.
  • Khi huyết áp tâm thu ≥ 170mmHg, huyết áp tâm trương ≥110mmHg cần phải nhập viện cấp cứu.
  • Các thuốc được ưu tiên dùng: methyldopa, labetalol, chẹn kênh Canxi (nifedipin…).
  • Chống chỉ định dùng các thuốc ức chế men chuyển, ức chế thụ thể vì có thể gây dị tật cho thai nhi.
  • Bệnh nhân tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật mức độ nhẹ, khuyến cáo chấm dứt thai kỳ ở tuần 37.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *