Tăng thông khí: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Tăng thông khí

Tăng thông khí là gì?

Tăng thông khí (tên tiếng Anh là Hyperventilation) là tình trạng mất cân bằng giữa việc hít và thở. Việc thở ra thường nhiều hơn so với việc hít vào gây giảm nhanh lượng (CO2) trong cơ thể. Sự sụt giảm loại khí này có thể khiến người bệnh cảm thấy choáng váng, nhịp tim nhanh, khó thở, khiến người bệnh thở nhanh và sâu hơn so với bình thường và thường ở trong trạng thái hoảng loạn khi phát bệnh. Hội chứng tăng thông khí (HVS) được xem là một loại rối loạn hô hấp, dựa trên tâm lý hoặc sinh lý. 

Tăng thông khí có nguy hiểm không?

Hội chứng tăng thông khí không đe dọa đến tính mạng, nhưng có thể gây suy giảm đáng kể lượng CO2 trong cơ thể, gây tê, ngứa ran ở tay chân. Nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến co thắt cơ nghiêm trọng và bất tỉnh. Có rất nhiều nguyên nhân gây hội chứng tăng thông khí, một số người dễ bị hiện tượng này hơn so với những người khác trong đó phụ nữ mắc chứng rối loạn thần kinh tim là thường gặp nhất. Nếu không được điều trị, tăng thông khí thậm chí có thể gây tử vong.

Nguyên nhân bệnh Tăng thông khí

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng tăng thông khí phổi nhưng lo âu và hoảng sợ (rối loạn lo lắng) là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tăng nhanh nhịp thở. Tình trạng này được xem là phản ứng của cơ thể đối với các trạng thái cảm xúc như trầm cảm, lo âu, hoảng loạn, tức giận hay căng thẳng kéo dài. 

Những người bị stress, suy nhược hệ thần kinh cũng dễ bị rối loạn thần kinh tim. Biểu hiện ở tim đập nhanh, trống ngực, chóng mặt… nhưng khi khám lại không có tổn thương tại tim. Chính tình trạng lo lắng không rõ nguyên nhân ở người bệnh rối loạn nhịp tim đã dẫn tới hội chứng tăng thông khí. Khi họ lo lắng và để ý thái quá về tình trạng hô hấp của mình, cảm thấy thiếu oxy để thở sẽ cố gắng thở nhanh và sâu hơn để lấy đủ oxy.

Các nguyên nhân khác bao gồm:

  • Chảy máu.
  • Sử dụng chất kích thích.
  • Sử dụng thuốc quá liều (ví dụ quá liều aspirin).
  • Chế độ sống không lành mạnh:môi trường ẩm thẩm, suy dinh dưỡng.
  • Bị tác dụng phụ của một số thuốc điều trị.
  • Đau nghiêm trọng.
  • Mang thai.
  • Các bệnh về phổi như nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen suyễn, giãn phế quản, tắc mạch phổi, ứ khí phổi…
  • Các tình trạng ở tim như cơn đau tim, rối loạn thần kinh tim.
  • Nhiễm ceton axit (một biến chứng của lượng đường trong máu cao ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 1).
  • Chấn thương vùng đầu, tổn thương cầu não, hành não và trung não, chấn thương sọ não, áp lực nội sọ.
  • Đi du lịch đến độ cao trên 800m.

Triệu chứng bệnh Tăng thông khí

Tăng thông khí có hai hình thức chính: tăng thông khí hàng ngày và tăng thông khí đột ngột. 

  • Tăng thông khí hàng ngày biểu hiện bằng việc thở nhanh nên thường khó được nhận biết. 
  • Tăng thông khí đột ngột lại xảy ra nhanh chóng, đột ngột với những triệu chứng nghiêm trọng hơn. Người bệnh mắc hội chứng tăng thông khí đột ngột có thể phải trải qua cảm giác khó chịu, đau nhức một số bộ phận trên cơ thể như bụng, ngực, hệ thần kinh và cảm giác.

Tăng thông khí phổi có thể là một vấn đề nghiêm trọng đối với người bệnh. Các triệu chứng có thể kéo dài từ 20-30 phút với một số triệu chứng, dấu hiệu điển hình.

  • Người bệnh thở gấp gáp, hít vào quá nhiều không khí dẫn đến một vài triệu chứng ở bụng và ngực như: đầy hơi, ợ hơi, vùng bụng nặng nề, đau ngực ,tức ngực, thở khò khè.
  • Thở nhanh cũng khiến người bệnh bị giảm lượng canxi, CO2 trong máu, gây ra những triệu chứng về thần kinh như: tê ngứa bàn tay, bàn chân hoặc xung quanh miệng; tay và chân co thắt hoặc chuột rút, co giật cơ.
  • Về mặt cảm xúc, người bệnh thường xuyên lo âu, bất an, cảm giác hồi hộp dễ căng thẳng, tim đập nhanh và mạnh.
  • Miệng khô do quá nhiều không khí lưu thông qua miệng.
  • Do việc cung cấp máu cho não bị hạn chế nên bệnh nhân thường có cảm giác chóng mặt, đầu váng vất mơ hồ lẫn lộn, có vấn đề với sự cân bằng.

Một số biểu hiện khác cũng cần được chú ý như:

  • Sốt.
  • Vã mồ hôi, run rẩy, kiệt sức.
  • Thường xuyên thở dài hoặc ngáp.
  • Nhiễm trùng, chảy máu.
  • Suy giảm thị lực như nhìn mờ hoặc tầm nhìn đường hầm, nhìn thấy ảo ảnh.
  • Gặp vấn đề với sự tập trung hoặc bộ nhớ, thường hay nhầm lẫn.
  • Mất ý thức (ngất xỉu).
Tăng thông khí: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Nếu bạn hay có các triệu chứng này thì cần liên hệ với bác sĩ để khám và tìm ra nguyên nhân của tình trạng thở nhanh. Hội chứng tăng thông khí ban đầu sẽ hơi mơ hồ và thường bị chẩn đoán nhầm là hen suyễn. 

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Tăng thông khí

Khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, bác sĩ sẽ nhanh chóng kiểm tra hơi thở và hệ tuần hoàn của bệnh nhân. Một số xét nghiệm có thể được bác sĩ chỉ định bổ sung để tìm hiểu nguyên nhân gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của người bệnh bao gồm:

  • Xét nghiệm máu động mạch.
  • Các xét nghiệm máu khác.
  • Chụp X-quang phổi.
  • Chụp thông khí/tưới máu.
  • Chụp CT.
  • Điện tâm đồ (EKG, ECG).

Nếu bác sĩ nghi ngờ có tình trạng nghiêm trọng hơn hội chứng tăng thông khí, bạn có thể được đề nghị nhập viện để kiểm tra và theo dõi thêm. Một số tình trạng nghiêm trọng khác liên quan đến thở nhanh hoặc sâu bao gồm:

  • Các vấn đề về phổi.
  • Các vấn đề về tim.
  • Các vấn đề về hệ thần kinh.
  • Các phản ứng và ngộ độc thuốc.
  • Nhiễm trùng.
  • Thai nghén.
  • Các rối loạn về gan.

Các biện pháp điều trị bệnh Tăng thông khí

Mục tiêu của điều trị trong cơn thở nhanh là tăng lượng khí cacbonic trong cơ thể và làm chậm nhịp thở, người bệnh có thể tham khảo một số phương pháp xử lý nhanh và điều trị tăng thông khí phổi như sau:

Phương pháp xử lý nhanh

  • Giữ tâm lý bình tĩnh, tránh hoảng sợ. Điều quan trọng để điều trị hội chứng này là cố gắng giữ bình tĩnh trong các trường hợp thở nhanh cấp tính. Người bệnh nên trao đổi trước với người thân và đồng nghiệp, nhờ họ hỗ trợ bằng cách vỗ nhẹ nhàng lên lưng khi xuất hiện hiện tượng này. Lưu ý giải tán đám đông, ra không gian mở để dễ thở và thư giãn hơn.
  • Học cách kiểm soát hơi thở và thở chậm lại: Người bệnh nên luyện tập cách kìm chế bản thân bằng phương pháp hít vào từ từ đầy phổi, giữ không khí trong phổi 5 giây rồi thở ra từ từ. Áp dụng kĩ thuật này lặp đi lặp lại cho đến khi thấy hơi thở trở về mức bình thường.
  • Thở qua từng lỗ mũi: Người bệnh đưa tay khum lại che miệng, dùng ngón tay bịt một bên mũi và xen kẽ hơi thở đổi bên qua từng lỗ mũi. Tư thế này sẽ giúp không khí được đưa ra ngoài chậm hơn.
  • Sử dụng túi giấy để thở: Người bệnh nên chuẩn bị sẵn một túi giấy bên người. Khi phát bệnh lấy túi giấy che nhẹ vùng miệng và mũi, thở vào để đảm bảo khí CO2 không bị đưa ra hết ngoài không khí, sau đó hãy hít thở 12 lần với túi và 12 lần thở ngoài không khí.

Phương pháp chữa trị lâu dài

  • Giảm stress, căng thẳng: Nếu mắc hội chứng tăng thông khí, người bệnh cần hạn chế mọi tác nhân gây stress, căng thẳng và nhờ sự tư vấn, hỗ trợ thêm của các chuyên gia tâm lý. Việc hạn chế lo âu căng thẳng và sử dụng các kỹ thuật thở sẽ giúp kiểm soát tình trạng bệnh.
  • Châm cứu trị liệu: cũng có thể là một cách điều trị hiệu quả cho hội chứng tăng thông khí. Việc châm cứu đả thông kinh mạch có thể giảm bớt phần nào sự lo lắng và mức độ nghiêm trọng của việc thở nhanh.
  • Sử dụng thuốc: Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng thuốc phù hợp.
  • Tập thể dục thể thao thường xuyên: các bài tập thể dục như đi bộ nhanh, chạy trong khi thở vào và ra bằng mũi có thể hạn chế tăng thông khí.
  • Rèn luyện các bài tập về cơ thể/ tâm trí: tập Thái Cực quyền, yoga, thiền định hoặc khí công tối thiểu 1 tiếng/ngày có thể giúp bạn bình tâm, giải tỏa tâm lý và kiểm soát thở nhanh hiệu quả.
Tăng thông khí: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tình trạng thở nhanh có thể điều trị và khống chế được, nhưng bệnh nhân vẫn cần quan tâm đến những vấn đề tiềm ẩn. Hãy tham khảo và nhờ sự trợ giúp của bác sĩ để tìm hiểu “gốc rễ” của vấn đề và từ đó tìm cách điều trị thích hợp.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *