Táo bón: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Táo bón

Táo bón là tình trạng nhu động ruột không xảy ra thường xuyên hoặc khó khăn trong việc đi đại tiện kéo dài trong vài tuần hoặc lâu hơn. Vậy táo bón là gì?

Táo bón được định nghĩa là có ít hơn 3 lần đi đại tiện trong một tuần. Mặc dù táo bón không thường xuyên diễn ra phổ biến, tuy nhiên, ở một số người, táo bón gây cản trở sinh hoạt hoặc hạn chế làm các công việc hằng ngày. Táo bón mãn tính cũng là nguyên nhân khiến người bệnh phải rặn rất nhiều khi đi đại tiện và là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau.

Điều trị táo bón mạn tính phụ thuộc một phần vào nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, không tìm thấy nguyên nhân.  

Táo bón ở trẻ em là một vấn đề phổ biến. Nguyên nhân phổ biến bao gồm tập luyện đi vệ sinh sớm và thay đổi chế độ ăn uống. May mắn thay, hầu hết các trường hợp táo bón ở trẻ em là tạm thời.

Khuyến khích trẻ thực hiện các thay đổi chế độ ăn uống như ăn nhiều trái cây và rau quả giàu chất xơ và uống nhiều chất lỏng hơn – có thể giúp giảm táo bón.

Nguyên nhân bệnh Táo bón

Nhiều yếu tố có thể góp phần gây táo bón trẻ em, bao gồm:

  • Nhịn đi đại tiện: Do trẻ không để ý đến nhu cầu của cơ thể khi muốn đi vệ sinh do mải chơi hoặc một số trẻ không muốn đi vệ sinh công cộng và chờ đến khi về nhà để đi.
  • Trẻ sợ đi đại tiện do khối phân lớn trong đại tràng gây đau khi trẻ phải rặn.
  • Vấn đề tập luyện đi đại tiện (Toilet training): Một số phụ huynh tập luyện đi đại tiện cho trẻ quá sớm dẫn tới trẻ cáu gắt và giữ phân, không muốn đi vệ sinh. Từ việc tập luyện giống như một cuộc chiến với trẻ, trẻ sẽ bỏ qua những kích thích muốn đi đại tiện và theo thời gian nó sẽ trở thành thói quen không tốt của trẻ.
  • Thay đổi chế độ ăn uống. Không đủ trái cây và rau quả giàu chất xơ hoặc chất lỏng trong chế độ ăn của trẻ có thể gây táo bón. Một trong những thời điểm phổ biến khiến trẻ bị táo bón là khi chuyển từ chế độ ăn toàn hoàn toàn bằng sữa mẹ sang chế độ ăn dặm.
  • Thay đổi thói quen. Mọi thay đổi trong thói quen của trẻ – như đi du lịch, thời tiết nóng hoặc căng thẳng – có thể ảnh hưởng đến chức năng ruột. Trẻ em có nhiều khả năng bị táo bón ở thời gian bắt đầu đi học.
  • Thuốc. Một số thuốc chống trầm cảm và các loại thuốc khác có thể góp phần gây táo bón.
  • Dị ứng sữa bò. Dị ứng với sữa bò hoặc tiêu thụ quá nhiều sản phẩm từ sữa (phô mai và sữa bò) đôi khi cũng dẫn đến táo bón.
  • Tiền sử gia đình. Trẻ em có thành viên gia đình bị táo bón có nhiều khả năng bị táo bón. Điều này có thể là do các yếu tố di truyền hoặc sống chung với nhau.

Triệu chứng bệnh Táo bón

  • Đi đại tiện ít hơn 3 lần/1 tuần.
  • Phân cứng và khó đẩy phân ra ngoài.
  • Phân có đường kính lớn có thể gây tắc nghẽn nhà vệ sinh.
  • Đau khi đi đại tiện.
  • Đau bụng.
  • Máu trên bề mặt phân cứng.
  • Nếu trẻ sợ rằng việc đi đại tiện sẽ bị tổn thương và đau thì bé tránh không đi đại tiện. Phụ huynh có thể nhận thấy trẻ bắt chéo chân, siết chặt mông, vặn vẹo cơ thể hoặc mặt tỏ vẻ khó chịu  khi cố gắng giữ phân.
Táo bón: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Táo bón ở trẻ em thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, táo bón mãn tính có thể dẫn đến các biến chứng hoặc báo hiệu có tình trạng bệnh lý khác tiềm ẩn. Phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ nếu táo bón kéo dài hơn hai tuần hoặc kèm theo:

  • Sốt.
  • Nôn.
  • Máu trong phân.
  • Chướng bụng.
  • Giảm cân.
  • Vết nứt hậu môn.
  • Sa trực tràng.

Đường lây truyền bệnh Táo bón

Bệnh táo bón không lây từ trẻ mắc bệnh sang trẻ khỏe mạnh.

Đối tượng nguy cơ bệnh Táo bón

Táo bón xảy ra ở những trẻ em có yếu tố sau đây cao hơn so với những trẻ không có:

  • Ít vận động.
  • Ăn không đủ hoặc rất ít chất xơ.
  • Uống không đủ nước.
  • Dùng một số loại thuốc, bao gồm một số thuốc chống trầm cảm.
  • Có bệnh ảnh hưởng đến hậu môn hoặc trực tràng.
  • Có tiền sử gia đình bị táo bón.

Phòng ngừa bệnh Táo bón

Để giúp ngăn ngừa táo bón ở trẻ, các phụ huynh cần lưu ý:

  • Cung cấp đầy đủ thực phẩm giàu chất xơ. Cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, như trái cây, rau, đậu, ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì. Nếu trẻ không quen với chế độ ăn nhiều chất xơ, hãy bắt đầu bằng cách thêm vài gram chất xơ mỗi ngày để ngăn ngừa khí trong dạ dày nhiều và đầy hơi.
  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước.
  • Thúc đẩy hoạt động thể chất. Hoạt động thể chất thường xuyên giúp kích thích hoạt động ruột hiệu quả.
  • Tạo thói quen đi vệ sinh. Thiết lập thời gian cố định sau bữa ăn để trẻ đi vệ sinh hằng ngày. Nếu cần thiết có thể phụ huynh dành riêng bệ vệ sinh cho trẻ để trẻ có thể thoải mái khi đi vệ sinh.
  • Nhắc nhở trẻ chú ý đến dấu hiệu muốn đi vệ sinh. Một số trẻ vì quá mải chơi nên không để ý hoặc do muốn chơi thêm mà không muốn đi vệ sinh. Nếu thói quen này trong một thời gian dài cũng gây là tình trạng táo bón.
  • Xem lại thuốc. Nếu như trẻ đang dùng một số loại thuốc gây táo bón, hãy hỏi bác sĩ xem có các lựa chọn khác về thuốc hay không.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Táo bón

Tìm hiểu về tiền sử bệnh. Bác sĩ sẽ hỏi về trẻ thông qua phụ huynh về những căn bệnh trong quá khứ của trẻ. Ngoài ra, bác sĩ sẽ khai thác thêm thông tin về chế độ ăn uống và hoạt động thể chất của trẻ.

Khám thực thể bằng cách đặt một ngón tay có đeo găng cao su vào hậu môn của trẻ để kiểm tra các bất thường của hậu môn và lấy một ít phân để xét nghiệm tìm máu trong phân.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm sau:

  • X-quang bụng nhằm tìm xem có bất kỳ tắc nghẽn nào trong bụng của trẻ không.
  • Chụp X-quang có thuốc cản quang: chụp vùng quanh hậu môn và trực tràng để xem khả năng giữ và thải phân.
  • Sinh thiết trực tràng. Trong xét nghiệm này, một mẫu mô nhỏ được lấy từ niêm mạc trực tràng để xem các tế bào thần kinh có bình thường không.
  • Đo áp lực hậu môn trực tràng (anorectal manometry): Trong xét nghiệm này, một loại ống mỏng gọi là ống thông được đặt vào trực tràng để kiểm tra mức độ nhạy cảm của trực tràng, khả năng hoạt động của trực tràng và khả năng hoạt động của cơ vòng hậu môn.
  • Xét nghiệm máu.
Táo bón: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp điều trị bệnh Táo bón

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể lựa chọn các phương pháp điều trị táo bón như sau:

  • Bổ sung thực phẩm chức năng tạo xơ không kê đơn hoặc chất làm mềm phân. Nếu trẻ ăn được nhiều chất xơ trong chế độ ăn, việc bổ sung chất xơ không cần kê đơn là cần thiết như Metamucil hoặc Citrucel. Tuy nhiên, khi sử dụng các thực phẩm chức năng này, trẻ cần uống ít nhất khoảng 1 lít nước mỗi ngày để các sản phẩm này hoạt động hiệu quả nhất. Xin ý kiến của bác sĩ để tìm ra liều lượng phù hợp với tuổi và cân nặng của trẻ.
  • Thuốc đạn glycerin có thể được sử dụng để làm mềm phân ở trẻ không thể nuốt thuốc dạng viên.
  • Thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ. Nếu sự tích tụ của phân tạo ra tắc nghẽn, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ để giúp loại bỏ tắc nghẽn. Phụ huynh không được phép cho trẻ uống thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ mà không có sự đồng ý của bác sĩ và được hướng dẫn về liều lượng thích hợp.
  • Đến bệnh viện để thụt tháo. Đôi khi có những trường hợp trẻ bị táo bón lâu ngày và ở mức độ nghiêm trọng đến mức cần phải nhập viện, khi đó sẽ được bác sĩ chỉ định cho thụt tháo để làm sạch đường ruột.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *