U nhầy ruột thừa: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh U nhầy ruột thừa

U nhầy ruột thừa là sự tích tụ chất nhầy bên trong lòng ống ruột thừa và có sự tắc nghẽn ở gốc ruột thừa. Khối u này có thể lành tính hoặc ác tính.

Về mặt giải phẫu bệnh, u nhầy ruột thừa phân làm 4 loại:

  • U nhầy đơn thuần (simple mucocele).
  • Tăng sản nhầy (Mucosal hyperplasia).
  • U nang tuyến nhầy (Mucinous cystadenoma).
  • Ung thư nang tuyến nhầy (Mucinous cystadenocarcinoma).

Nguyên nhân bệnh U nhầy ruột thừa

Nguyên nhân gây u nhầy ruột thừa có thể do:

  • Sự tăng sinh niêm mạc.
  • u nang niêm mạc.
  • carcinoma u tuyến niêm mạc.

Hơn 50% trường hợp u nhầy ruột thừa là u nang nhầy.

Triệu chứng bệnh U nhầy ruột thừa

Đa phần u nhầy ruột thừa thường không có triệu chứng và thường được phát hiện tình cờ  khi đi siêu âm và chụp CT, scan.

U nhầy ruột thừa có triệu chứng cơ năng và thực thể xuất hiện dưới 50% số ca và thường liên quan đến ung thư ác tính.

Các triệu chứng u nhầy ruột thừa thường gặp bao gồm đau bụng dưới phải và khối vùng bụng, sụt cân, buồn nôn, thay đổi thói quen đi cầu, thiếu máu và đi cầu ra máu. Tùy theo vị trí của ruột thừa, những triệu chứng khác có thể có như tiểu máu.

Biến chứng nguy hiểm nhất của u nhầy ác tính là giả u nhầy phúc mạc, đây cũng là một bệnh lý hiếm gặp và hay tái phát xảy, ra do vỡ các nang nhầy tế bào tuyến, thường từ u nhầy ruột thừa hoặc u nang nhầy buồng trứng.

U nhầy ruột thừa: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đối tượng nguy cơ bệnh U nhầy ruột thừa

Bệnh lý này có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào, kể cả nam và nữ, tuy nhiên đối tượng thường thấy là ở độ tuổi > 35, nữ gặp nhiều hơn nam.

Phòng ngừa bệnh U nhầy ruột thừa

  • U nhầy ruột thừa là một bệnh lý thường không có triệu chứng hoặc rất ít triệu chứng để phát hiện bệnh, do đó để phòng ngừa bệnh lý này cần phải khám sức khỏe định kỳ 2 lần mỗi năm để có thể phát hiện sớm và chữa trị kịp thời.
  • Điều chỉnh hợp lý thói quen đại tiện: nên duy trì thói quen đại tiện ngày một lần là lý tưởng. Ngoài ra, cần tạo thói quen đại tiện vào giờ cố định.

Các biện pháp chẩn đoán

Thăm khám lâm sàng:

  • Đây là phương pháp đầu tiên, đơn giản và quan trọng cần được thực hiện để chẩn đoán u nhầy ruột thừa.
  • Thường có triệu chứng đau ở hạ vị và hố chậu phải.
  • Một số ít trường hợp có triệu chứng kích thích ở bàng quang do khối u khi quá lớn đè lên thành bàng quang.

Siêu âm:

  • Cấu trúc dạng nang, bờ rõ, tỷ trọng không đồng nhất vùng hố chậu phải.
  • Có thể có những vòng hồi âm dày theo kiểu vỏ hành hoặc nhưng những vân cát, đôi khi có những đốm hồi âm lắng động theo trọng lực.

CT scan:

  • Đây là phương tiện chẩn đoán tốt nhất, độ nhạy lên đến 93%.
  • Cấu trúc tròn, giới hạn rõ, có vỏ bao ở vùng hố chậu phải, có thể calci hóa ngoại vi dạng viền.
U nhầy ruột thừa: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp điều trị

Khi bệnh nhân được chẩn đoán là u nhầy ruột thừa thì việc điều trị u nhầy ruột thừa lúc này rất cần thiết vì nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân, thường thì sẽ được đề nghị cắt trọn khối nhầy của ruột thừa.

Để cắt khối nhầy này có thể tiến hành theo hai cách là mổ hở và mổ nội soi, tuy nhiên vấn đề này vẫn còn đang tranh cãi, có nhiều ý kiến cho rằng nên mổ hở cắt ruột thừa vì nếu mổ nội soi người ta sợ dễ xảy ra trường hợp ruột thừa bị vỡ làm chất nhầy lan vào khoang phúc mạc dẫn đến u giả nhầy phúc mạc (Pseudomyxoma peritonei) hoặc khi gặp loại ung thư nang tuyến nhầy mà dễ vỡ hoặc đụng chạm vào thành bụng đều là tai hoạ khó kiểm soát được.

Tuy nhiên, có thể thực hiện mổ nội soi với điều kiện kỹ thuật viên tham gia mổ nội soi phải vững tay nghề, khéo léo và cần phải tuyệt đối tuân thủ những quy tắc an toàn, nhất là khi đem khối u từ trong bụng ra ngoài và phải sử dụng túi nội soi.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *