Ung thư hắc tố da: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Ung thư hắc tố da

Ung thư hắc tố da là gì? Ung thư hắc tố da (Melanoma) là ung thư da ác tính nhất, phát triển từ các tế bào sản xuất melanin (melanocytes). Ung thư hắc tố cũng có thể biểu hiện ở vị trí ngoài da như mắt hoặc hiếm hơn là cơ quan nội tạng (ví dụ: ruột).  Nguy cơ mắc ung thư hắc tố da dường như đang gia tăng ở người dưới 40 tuổi, đặc biệt là phụ nữ.

Hiểu biết về các triệu chứng báo hiệu của ung thư da có thể giúp phát hiện các biến đổi ác tính trên da và điều trị sớm tránh ung thư lan tràn.

Nguyên nhân bệnh Ung thư hắc tố da

Nguyên nhân gây ung thư hắc tố da hiện chưa được sáng tỏ tuy nhiên tiếp xúc nhiều với tia UV từ ánh nắng mặt trời là yếu tố nguy cơ chính của bệnh.

Ung thư hắc tố da xảy ra khi các tế bào sản xuất melanin – sắc tố da của cơ thể bị phát triển quá mức không thể kìm hãm, dẫn đến hình thành khối u ác tính. Nguyên nhân là do các tổn thương DNA ở tế bào bình thường. Tuy nhiên tại sao DNA bị tổn thương và dẫn tới hình thành các khối u vẫn chưa được biết rõ.

Các bác sỹ cho rằng tiếp xúc với tia UV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư hắc tố da. Tia UV không phải là nguyên nhân gây tất cả các trường hợp ung thư hắc tố, đặc biệt ở các vị trí không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (kẽ tay chân, gan bàn tay, bàn chân…). Điều đó chứng tỏ có nhiều yếu tố nguy cơ khác của ung thư hắc tố, bao gồm:

  • Da  trắng: Có ít các sắc tố (melanin) trên da có nghĩa rằng bạn có ít khả năng bảo vệ khỏi các bức xạ UV hơn. Người tóc vàng, người dễ dàng có các tàn nhang, rám nắng có nguy cơ phát triển ung thư hắc tố hơn người da da đen.
  • Tiền sử rám nắng: tăng nguy cơ ung thư hắc tố.
  • Sống vùng gần xích đạo: có nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời với năng lượng bức xạ cao hơn, phơi nhiễm với tia UV nhiều hơn.
  • Có nhiều nốt ruồi hoặc các nốt ruồi không bình thường: Có nhiều hơn 50 nốt ruồi là yếu tố nguy cơ của ung thư hắc tố. Tương tự, có nhiều các nốt ruồi bất thường cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh.
  • Tiền sử gia đình bị ung thư hắc tố: người có tiền sử gia đình mắc ung thư hắc tố, đặc biệt là người thân thế hệ 1 như bố mẹ, anh chị em có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Suy giảm hệ miễn dịch: người có hệ miễn dịch bị suy giảm có nguy cơ ung thư hắc tố da cao hơn.

c

  • Ung thư hắc tố da có thể biểu hiện ở mọi vị trí trên cơ thể. Chúng thường phát triển trên các vùng tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như lưng, chân, tay và mặt.
  • Ung thư hắc tố da cũng có thể xảy ra ở các vùng ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như gan bàn chân, gan bàn tay và móng tay, đặc biệt ở người có làn da đen.

Các dấu hiệu ban đầu của ung thư hắc tố da:

  • Thay đổi trên nốt ruồi cũ: đột ngột thay đổi về hình dáng, kích thước hay chảy máu, ngứa ngáy. Nốt ruồi có màu sẫm dần hoặc có thể loét sùi, đường viền không đều, nham nhở, bất đối xứng.
  • Xuất hiện nốt tăng sắc tố hoặc khác thường trên da.

Đặc biệt: Ung thư hắc tố không phải luôn bắt đầu từ nốt ruồi có sẵn mà có thể xảy ra ở các vị trí da bình thường khác. Sự khác nhau giữa nốt ruồi bình thường và bất thường:

Nốt ruồi bình thườngNốt ruồi bất thường
Có màu sắc cố định: màu đen, nâu, sạm…
Ranh giới rõ ràng với mô xung quanh
Tròn, nhẵn và đường kính thường nhỏ hơn 6mm.
Đa số mỗi người có từ 10-45 nốt ruồi
Hình dạng bất đối xứng.

Đường viền không đều, nham nhở có thể có khía
Thay đổi màu sắc.
Đường kính lớn hơn 6 mm.

Thay đổi: tăng kích thước, thay đổi màu sắc hình dạng theo thời gian, ngứa, loét, chảy máu…

Các nốt ruồi ác tính rất khác nhau, một số có biểu hiện tất cả các triệu chứng trên, một số nốt ruồi ác tính chỉ có một hoặc hai đặc điểm.

Ung thư hắc tố da kín đáo:

  • Ung thư hắc tố da có thể phát triển ở các vị trí kín đáo mà ít khi được kiểm tra tới.
  • Ung thư hắc tố biểu hiện ở móng: thường xảy ra ở người da đen hoặc có làn da tối màu. Tổn thương phát triển ở móng tay, móng chân, gan bàn tay, gan bàn chân.
  • Ung thư hắc tố biểu hiện ở miệng, đường tiêu hóa, đường sinh dục tiết niệu: bệnh thường khó được phát hiện.
  • Ung thư hắc tố biểu hiện ở mắt: thường xuất hiện ở lớp hắc mạc. Người bệnh có thay đổi thị lực (nhìn mờ).
Ung thư hắc tố da: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư hắc tố da

Người lao động ngoài trời, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời:

  • Người sống ở vùng gần xích đạo.
  • Người có thói quen tắm nắng.
  • Người có lớn hơn 50 nốt ruồi trên cơ thể hoặc có các nốt ruồi bất thường.
  • Người bị suy giảm miễn dịch: HIV, sau ghép tạng, người dùng các thuốc ức chế miễn dịch như bệnh tự miễn…
  • Người có người thân bị ung thư hắc tố da.

Phòng ngừa bệnh Ung thư hắc tố da

  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giai đoạn giữa trưa nắng: Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời tích tụ theo thời gian sẽ làm tăng nguy cơ ung thư hắc tố da. Hạn chế các hoạt động ngoài trời tại thời điểm ánh nắng chiếu mạnh nhất (từ 11-14h trưa ) là cách tốt nhất phòng tránh các tổn thương da như cháy nắng, rám nắng cũng như phòng tránh ung thư hắc tố da.
  • Sử dụng kem chống nắng: kem chống nắng không thể bảo vệ hoàn toàn trước các tác hại của tia UV đặc biệt là các bức xạ dẫn đến ung thư hắc tố da. Tuy nhiên sử dụng kem chống nắng vẫn có vai trò quan trọng. Bác sỹ da liễu khuyến cáo sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30.
  • Mặc quần áo bảo hộ và đeo kính chống nắng khi ra ngoài.
  • Một điều quan trọng là chăm sóc làn da của mình để nhận biết các thay đổi trên cơ thể: thay đổi nốt ruồi cũ, thay đổi màu sắc 1 vùng da.
Ung thư hắc tố da: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư hắc tố da

Sàng lọc ung thư da:

  • Tự sàng lọc ung thư da: Tự khám da giúp chúng ta hiểu rõ được các nốt ruồi, các tàn nhang… trên cơ thể do đó có thể phát hiện sớm các thay đổi của chúng. Khám toàn diện các vị trí: thân mình, lưng, tay và chân. Ngoài ra kiểm tra các vị trí ít chú ý đến như: móng chân, móng tay, gan bàn chân, kẽ các ngón chân, ngón tay, háng và da đầu.
  • Sàng lọc ung thư da tại cơ sở y tế: các bác sỹ sẽ khám toàn bộ các vị trí nghi ngờ.

Các biện pháp chẩn đoán ung thư da.

Ung thư hắc tố da được phát hiện bằng khám da tuy nhiên bệnh chỉ có thể được khẳng định qua sinh thiết tổn thương. Các phương pháp sinh thiết tổn thương:

  • Sinh thiết khoan bằng dụng cụ bấm (Punch biopsy).
  • Sinh thiết trọn tổn thương (Excisional biopsy).
  • Sinh thiết một phần tổn thương (Incisonal biopsy).

Lựa chọn phương pháp sinh thiết phụ thuộc vào đặc điểm khối u. Sinh thiết khoan bằng dụng cụ bấm và sinh thiết trọn tổn thương được khuyến cáo hơn vì có thể lấy hết các tổn thương nếu cần thiết. Tuy nhiên trong trường hợp tổn thương lớn cần áp dụng sinh thiết một phần tổn thương.

Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư hắc tố da

Ung thư hắc tố có chữa được không? Bệnh có thể chữa khỏi thành công nếu được chẩn đoán và điều trị sớm.

Cách điều trị ung thư hắc tố da phụ thuộc và giai đoạn và thể trạng của bệnh nhân.

Ung thư hắc tố da giai đoạn sớm:

  • Với các ung thư hắc tố da giai đoạn sớm điều trị là phẫu thuật loại bỏ tổn thương.
  • Các tổn thương rất nhỏ có thể được loại bỏ hoàn toàn trong quá trình sinh thiết và không yêu cầu điều trị thêm.
  • Ung thư hắc tố da giai đoạn lan tràn.
  • Phẫu thuật: bao gồm phẫu thuật tổn thương và các hạch bạch huyết vùng để phòng ngừa tái phát và di căn xa.
  • Hóa chất: sử dụng thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Xạ trị: bổ trợ sau phẫu thuật. Có thể sử dụng xạ trị triệu chứng.
  • Liệu pháp miễn dịch: giúp hệ miễn dịch của cơ thể có thể tiêu diệt các tế bào ung thư. Một số miễn dịch đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam như Pembrolizumab (Keytruda).

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *