Ung thư tuyến giáp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Ung thư tuyến giáp

Tuyến giáp có chức năng tiết ra các hormone quan trọng vào máu để vận chuyển đi khắp cơ thể. Hormone tuyến giáp có chức năng vô cùng quan trọng đặc biệt trong quá trình chuyển hóa giúp các cơ quan như não, tim và các cơ quan khác luôn ở trạng thái ổn định giúp cơ thể điều hòa thân nhiệt, giữ ấm và sử dụng năng lượng.

Ung thư tuyến giáp là gì ?

Ung thư tuyến giáp là bệnh xảy ra khi có sự bất thường trong sự phát triển của các tế bào tuyến giáp, là sự xuất hiện của các tế bào ung thư tạo thành khối u ác tính ở vùng tuyến giáp. Ung thư tuyến giáp có 4 dạng: ung thư nhú, ung thư nang, thể tủy và ung thư không biệt hóa. Trong 3 dạng này thì ung thư không biệt hóa là loại nguy hiểm nhất và khó điều trị nhất. Ung thư nhú chiếm tỉ lệ cao nhất và tiên lượng tốt nhất.

Ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không?

Ung thư tuyến giáp là bệnh lý ác tính chiếm 1-2% trong tất cả các loại ung thư nhưng chiếm tỉ lệ 90% trong nhóm ung thư tuyến nội tiết. Tuy nhiên, một điều được cho là may mắn hơn cả đó là căn bệnh này có tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90%, đây được cho là bệnh có tỉ lệ chữa khỏi cao nhất so với các loại ung thư khác nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Tỉ lệ mắc ở nữ giới cao hơn nam giới. Theo Globocan, ung thư tuyến giáp xếp thứ 9 trong các loại ung thư ở nữ với hơn 160000 ca mắc mới mỗi năm, nam giới với gần 50000 ca mỗi năm đứng thứ 20. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao trên thế giới.

Điều trị ung thư tuyến giáp dựa vào từng thể mô bệnh học cụ thể, bệnh thường có tiên lượng tốt do bệnh tiến triển chậm, có thể phẫu thuật và đáp ứng với điều trị iod. Trên thực tế vẫn còn bỏ sót một tỉ lệ bệnh nhân không được chẩn đoán hoặc chẩn đoán ở giai đoạn muộn dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy việc có những kiến thức cần thiết về nguyên nhân và dấu hiệu sớm để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là vô cùng quan trọng.

Nguyên nhân bệnh Ung thư tuyến giáp

Nguyên nhân ung thư tuyến giáp bao gồm:

  • Rối loạn hệ miễn dịch: Là nguyên nhân đầu tiên, khi hệ miễn dịch bị rối loạn, chức năng sinh sản sinh ra các kháng thể có tác dụng chống lại sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn bị suy giảm. Điều này tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn, virus tấn công cơ thể, trong đó có tuyến giáp bị xâm hại, gây ung thư tuyến giáp.
  • Nhiễm phóng xạ: Cơ thể người có thể bị nhiễm phóng xạ qua đường tiêu hóa, qua đường hô hấp gây ảnh hưởng đến tuyến giáp.
  • Yếu tố di truyền: Thực tế cho thấy khoảng 70% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có gia đình có bố mẹ, hoặc người thân mắc bệnh.
  • Yếu tố tuổi tác, thay đổi hormone: Ở độ tuổi 30- 50, ở phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2-4 lần so với nam giới. Nguyên nhân nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn là do yếu tố hormone ở phụ nữ kích thích quá trình hình thành bướu ở tuyến giáp, hạch tuyến giáp. Theo thời gian, các bướu này có thể phát triển thành ung thư.
  • Do mắc bệnh tuyến giáp: Người bị bệnh bướu tuyến giáp, viêm tuyến giáp, bệnh basedow hoặc hoóc-môn tuyến giáp bị suy giảm sẽ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn những người khác.
  • Do tác dụng phụ của một số loại thuốc: Bệnh nhân mắc các bệnh về tuyến giáp sẽ được bác sĩ chỉ định uống i ốt phóng xạ, chính đây là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
  • Các nguyên nhân khác như bị thiếu i ốt, uống rượu thường xuyên, hút thuốc lá, thừa cân, béo phì…

Triệu chứng bệnh Ung thư tuyến giáp

Việc nhận biết dấu hiệu của bệnh càng sớm sẽ giúp ích cho việc điều trị kịp thời và tỷ lệ trị khỏi hoàn toàn cao hơn. Ung thư tuyến giáp có thể xuất hiện từ từ, tăng dần, triệu chứng của ung thư tuyến giáp bao gồm:

Triệu chứng sớm:

  • Xuất hiện khối u ở cổ: có thể dễ dàng phát hiện dấu hiệu này do tuyến giáp nằm ở phía trước vùng cổ. Khối u có đặc điểm cứng, bờ rõ, bề mặt có thể nhẵn hay gồ ghề, di động theo nhịp nuốt.
  • Có hạch vùng cổ: hạch thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u.

Triệu chứng muộn:

  • Khối u to, rắn, cố định trước cổ.
  • Khàn tiếng, có thể khó thở do khối u to dần lên chèn ép vào thanh quản, khí quản.
  • Khó nuốt, nuốt vướng, do u chèn ép vào thực quản.
  • Da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét chảy máu.
Ung thư tuyến giáp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư tuyến giáp

  • Phơi nhiễm phóng xạ liều cao: những người thường xuyên tiếp xúc với chất phóng xạ liều cao sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư tuyến giáp. Những người thường xuyên phải điều trị bằng phóng xạ mà không được bảo vệ kỹ ở vùng cổ thì sau này sẽ có nguy cơ bị ung thư ở tuyến giáp.
  • Người sống ở vùng bị nhiễm phóng xạ cao cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các đối tượng khác.
  • Do di truyền: Những người có người thân mắc căn bệnh này thì tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn người khác.
  • Nữ giới trong độ tuổi 30-50.

Phòng ngừa bệnh Ung thư tuyến giáp

  • Tránh tiếp xúc với các chất, tia phóng xạ.
  • Khi cơ thể có các biểu hiện lạ như: mệt mỏi không rõ nguyên nhân, tăng cân đột ngột, cơ thể trở nên nhạy cảm hơn… cần đến khám tại các cơ sở y tế, vì đây là biểu hiện của rối loạn hormone tuyến giáp.
  • Thường xuyên tự kiểm tra vùng cổ để kịp thời phát hiện các khối u bất thường.
  • Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
  • Nếu trong gia đình có tiền sử người thân bị mắc căn bệnh này thì cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.
  • Chế độ ăn: dùng muối iod , sử dụng các thực phẩm giàu iod như tảo, rong biển, hải sản, ăn các loại thực phẩm giàu magie tốt cho tuyến giáp như hạt điều, hạch nhân,…

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư tuyến giáp

Để chẩn đoán xác định ung thư tuyến giáp cần phải kết hợp nhiều phương pháp như thăm khám lâm sàng và các phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng, cụ thể.

Lâm sàng

  • Có khối u tuyến giáp, một hay nhiều nhân với đặc điểm u cứng, bờ rõ, bề mặt nhẵn hay gồ ghề, đi động theo nhịp nuốt, u có thể ở một thùy eo hoặc cả hai thùy.
  • Ở giai đoạn muộn, khối u lớn thường có biểu hiện: khối u cứng, cố định, đỏ da, sùi loét hoặc chảy máu.
  • Đa số các hạch cổ là hạch cùng bên (có thể hạch cổ đối bên hoặc cả hai bên), hạch nhóm cảnh, thượng đòn, dưới hàm, dưới cằm, hạch gai. Có thể thấy hạch mà không sờ thấy u tuyến giáp.

Cận lâm sàng

Ngoài việc khám lâm sàng dựa vào triệu chứng, các xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán tuyến giáp bao gồm:

  • Xét nghiệm máu:

Xét nghiệm máu giúp định lượng nồng độ Calcitonin trong máu giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư tuyến giáp, nhất là ung thư biểu mô dạng tủy. Định lượng T3 và TSH giúp chẩn đoán phân biệt ung thư tuyến giáp với bệnh bướu cổ.

  • Siêu âm màu tuyến giáp:

Siêu âm giúp đánh giá tính chất, số lượng “hạt giáp” và phát hiện hạch cổ. Khi siêu âm nếu phát hiện một hoặc nhiều “hạt giáp” thì có khả năng bệnh nhân đã mắc ung thư tuyến giáp .Tuy nhiên siêu âm không thực sự tin cậy trong chẩn đoán phân biệt tổn thương lành tính với tổn thương ác tính.

  • Phương pháp xạ hình tuyến giáp:

Xạ hình tuyến giáp là phương pháp rất hữu ích, hiệu quả, với trang thiết bị hiện đại nhằm đánh giá hình ảnh chức năng của tuyến giáp, đánh giá nhân tuyến giáp, ung thư tuyến giáp. Để ghi hình tuyến giáp, các bác sĩ sẽ sử dụng dược chất phóng xạ là l-131 hoặc Technetium – 99m (Tc99m). Xạ hình tuyến giáp đang được ứng dụng tại 1 số bệnh viện lớn ở Việt Nam trong đó có bệnh viện Vinmec đem lại nhiều hiệu quả trong việc phát hiện sớm ung thư tuyến giáp.

Vai trò của xạ hình tuyến giáp trong chẩn đoán các bệnh lý tuyến giáp.

  • Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ:

Đây là một phương pháp rất hiệu quả hiện nay trong việc phân biệt các nhân giáp lành tính và ác tính với độ chính xác lên tới 95%. Bác sĩ sẽ dùng kim rất nhỏ để chọc vào tuyến giáp lấy ra một số tế bào và dịch trong nhân. Sau đó soi tế bào dưới kính hiển vi đánh giá xem có tế bào ung thư không. Biện pháp này thường được chỉ định đối với bệnh nhân có nhân giáp kích thước >1cm hoặc các nhân giáp bất thường trên hình ảnh xạ hình hoặc siêu âm tuyến giáp.

  • Tế bào học (sinh thiết):

Rất có giá trị, tìm thấy các tế bào ung thư trong tuyến giáp.

Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư tuyến giáp

Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp là phương pháp quan trọng nhất trong điều trị ung thư tuyến giáp, phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp tùy vào từng trường hợp cụ thể tuy nhiên phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp kết hợp với nạo vét hạch cổ là phương pháp điều trị tối ưu nhất. Với tất cả các trường hợp khối u tuyến giáp có chỉ định phẫu thuật thì sinh thiết tức thì trong mổ là phương pháp giúp phẫu thuật viên quyết định cách thức phẫu thuật cho phù hợp.

Ung thư tuyến giáp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Chỉ định cắt toàn bộ tuyến giáp kết hợp với nạo vét hạch cổ trong các trường hợp sau:

  • Với ung thư giáp trạng không biệt hóa nếu như còn khả năng phẫu thuật trên cơ sở đánh giá giai đoạn trước phẫu thuật kỹ. Nếu không còn khả năng phẫu thuật thì đôi khi buộc phải sử dụng các phẫu thuật điều trị triệu chứng như mở khí quản hay mở thông dạ dày sau đó chỉ định tia xạ và hóa trị.
  • Với ung thư tuyến giáp biệt hóa sẽ chỉ định cắt giáp toàn bộ khi có một trong các yếu tố tiên lượng xấu hoặc ung thư tuyến giáp tái phát, vét hạch cổ khi phát hiện hạch trên lâm sàng, dựa trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh và thăm khám kiểm tra đánh giá tổn thương trong phẫu thuật.
  • Với các trường hợp ung thư tuyến giáp thể tủy đa số tổn thương đa ổ, mức độ ác tính, tỷ lệ tái phát tại chỗ cao và thường có di căn hạch vùng từng giai đoạn sớm. Do đó phương pháp điều trị là cắt tuyến giáp toàn bộ, vét hạch cổ và xạ trị bổ trợ. 

Ngoài những trường hợp chỉ định cắt giáp toàn bộ, người bệnh được cân nhắc chỉ định cắt tuyến giáp gần toàn bộ hoặc cắt thùy và eo giáp.

  • Điều trị I131 là phương pháp điều trị bổ trợ giúp tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại hoặc những tổn thương di căn xa.
  • Xạ trị và hóa trị ít có giá trị với ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, thường được sử dụng đối với ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể tủy.
  • Liệu pháp hormon: chỉ định sau khi điều trị I131 hậu phẫu, hay sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp hoặc có di căn lan tràn sau khi điều trị triệt căn thất bại.
  • Liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân là liệu pháp giúp người bệnh ung thư củng cố hệ miễn dịch để kích thích các tế bào miễn dịch hoạt động, tăng khả năng nhận diện và tấn công tế bào ung thư, tăng hiệu quả điều trị.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *