Viêm màng ngoài tim co thắt

1. Tổng quan bệnh Viêm màng ngoài tim co thắt

Bình thường quả tim được bao bọc bởi màng ngoài tim. Màng ngoài tim gồm hai lớp lá thành và lá tạng, giữa hai lớp có ít dịch để giúp quả tim vận động dễ dàng. Viêm màng ngoài tim co thắt là tình trạng bệnh lí mà trong đó màng ngoài tim mất tính chất đàn hồi, sẹo hóa, trở thành một lớp “vỏ cứng” bao quanh các buồng tim, dẫn tới giảm sự đổ đầy các tâm thất, gây ra các triệu chứng suy tim phải và trái. Quá trình này thường mất vài tháng đến vài năm.

2. Nguyên nhân bệnh Viêm màng ngoài tim co thắt

Bệnh viêm màng ngoài tim co thắt có thể có nhiều nguyên nhân:

  • Do virus hoặc vô căn, chiếm khoảng 42-61%
  • Sau phẫu thuật tim
  • Sau chiếu xạ
  • Rối loạn mô liên kết
  • Sau nhiễm trùng (lao hoặc vi khuẩn sinh mủ)
  • Nguyên nhân hỗn hợp (ung thư, chấn thương, do thuốc, bệnh sarcoidosis)

3. Triệu chứng bệnh Viêm màng ngoài tim co thắt

Triệu chứng của viêm màng ngoài tim co thắt bao gồm cả triệu chứng của suy tim phải và suy tim trái

  • Phù tùy mức độ, có thể phù nhẹ hai chân cho đến phù toàn thân
  • Gan to, tĩnh mạch cổ nổi
  • Khó thở, đặc biệt khó thở khi gắng sức

4. Đối tượng nguy cơ bệnh

  • Viêm màng ngoài tim không điều trị
  • Các bệnh lí hệ thống
  • Chấn thương hoặc phẫu thuật tim

5. Phòng ngừa bệnh

  • Can thiệp và điều trị sớm tràn dịch màng tim và viêm màng ngoài tim cấp
  • Dẫn lưu dịch màng tim, đặc biệt là tràn dịch màng tim sau phẫu thuật có thể làm giảm khả năng viêm màng ngoài tim co thắt

6. Các biện pháp chẩn đoán bệnh

  • Siêu âm doppler tim: là thăm dò nên được sử dụng đầu tiên để chẩn đoán. Trên siêu âm tim có thể thấy màng tim dày, có thể có calci hóa hoặc không, bất thường sự đổ đầy thất thì tâm trương
  • Chụp cộng hưởng từ tim: là phương tiện có thể khảo sát được rất chính xác tình trạng của quả tim, sự dày màng tim, sẹo, mô sợi, sự giãn tĩnh mạch chủ dưới, dấu hiệu gián tiếp của giảm khả năng đổ đầy thất phải
  • Chụp cắt lớp vi tính: cũng như chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp có thể xác định được sự dày màng tim, nhưng tốt hơn MRI trong việc phát hiện vôi hóa, tuy nhiên MRI lại tốt hơn trong việc phân biệt sự dày màng tim với tràn dịch lượng ít.
  • Điện tâm đồ: thường không có dấu hiệu gì đặc biệt, một số trường hợp có thể thấy biến đổi ST-T không đặc hiệu, dấu hiệu điện thế thấp hoặc nhịp nhanh
  • X-quang ngực: thường cũng không dùng để chẩn đoán bệnh, một số trường hợp có thể thấy vôi hóa xung quanh tim
  • Xét nghiệm máu: NT-proBNP thường dùng trong chẩn đoán suy tim hay đối với những bệnh nhân khó thở nghi ngờ suy tim. Tuy nhiên nó lại ít giá trị trong viêm màng ngoài tim co thắt và cũng không khuyến cáo dùng để chẩn đoán viêm màng ngoài tim co thắt.
  • Thông tim thăm dò huyết động: bằng cách đưa các dụng cụ vào buồng tim và đo áp lực, có thể nhận ra viêm màng ngoài tim co thắt qua dấu hiệu “dấu căn” hay còn gọi là dip plateau kinh điển

7. Các biện pháp điều trị bệnh

Điều trị viêm màng ngoài tim co thắt gồm có điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật. Không có phác đồ điều trị viêm màng ngoài tim co thắt cụ thể, các thuốc cũng hạn chế tùy thuộc giai đoạn và đáp ứng của bệnh nhân. Ở giai đoạn sớm, viêm màng ngoài tim co thắt bán cấp, có thể điều trị colchicine hoặc thuốc giảm đau không steroid (NSAID) trong 2-3 tháng. Nếu tình trạng không cải thiện, có thể xem xét thuốc chống viêm Corticoid, điều trị tiếp 2-3 tháng. Nếu tình trạng vẫn không cải thiện, cần phẫu thuật cắt bỏ màng tim.

Đối với viêm màng ngoài tim co thắt mạn tính, phẫu thuật nên được chỉ định sớm đối với những bệnh nhân nhiều triệu chứng, dai dẳng, triệu chứng sung huyết (phù toàn thân, rối loạn chức năng gan, rung nhĩ, khó thở, tràn dịch đa màng..). Đối với những bệnh nhân không thể phẫu thuật, thuốc lợi tiểu có thể được cân nhắc chỉ định.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *