Viêm ống dẫn trứng

1. Tổng quan bệnh Viêm ống dẫn trứng

Bệnh viêm ống dẫn trứng là một tình trạng viêm nhiễm vùng chậu ở phụ nữ mà cụ thể là ống dẫn trứng bị viêm. VThông thường viêm ống dẫn trứng thường do lây lan vi khuẩn từ nhiễm trùng âm đạo, cổ tử cung và tử cung. Vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất là chlamydia, lậu cầu, là những vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục. Mycoplasma, tụ cầu, liên cầu, vi khuẩn lao, … cũng là những tác nhân gây nên bệnh viêm ống dẫn trứng.

2. Nguyên nhân bệnh Viêm ống dẫn trứng

Nguyên nhân gây viêm ống dẫn trứng là các loại vi khuẩn lây lan từ những vùng lân cận như âm đạo, cổ tử cung và buồng tử cung.

  • Chlamydia và lậu là hai vi khuẩn gây bệnh phổ biến nhất, thuộc nhóm vi khuẩn lây lan qua đường tình dục.
  • Các loại vi khuẩn khác như mycoplasma, tụ cầu, liên cầu cũng có thể gây bệnh.
  • Ít gặp hơn là tình trạng viêm phúc mạc do vi khuẩn hay do trực khuẩn lao cũng có thể gây viêm ống dẫn trứng.

Ngoài ra, còn liên quan đến các yếu tố làm dễ khác.

  • Vào thời điểm rụng trứng, chất nhầy cổ tử cung trở nên loãng hơn bình thường. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào tử cung, từ đó lan lên hai ống dẫn trứng.
  • Trong lúc hành kinh, nội mạc tử cung bong ra, sau đó liên kết với các cục máu đông tạo nên môi trường thích hợp để các loại vi khuẩn sinh sôi phát triển. Máu kinh còn có thể chảy ngược từ buồng tử cung lên hai ống dẫn trứng, mang theo vi khuẩn gây nên bệnh viêm ống dẫn trứng. Vì thế các triệu chứng của viêm ống dẫn trứng rất hay xuất hiện ngay sau hành kinh. Ngoài ra, vệ sinh kinh nguyệt không đúng cách còn có thể dẫn tới nhiễm trùng nội mạc tử cung, sau đó có thể lan lên gây viêm hai ống dẫn trứng.
  • Một số thủ thuật sản phụ khoa như phá thai, đặt dụng cụ tử cung như vòng tránh thai, cắt polyp tử cung hay cổ tử cung, nạo buồng tử cung … nếu không đảm bảo nguyên tắc vô trùng đều có thể dẫn tới viêm buồng tử cung và kéo theo viêm ống dẫn trứng. Viêm ống dẫn trứng còn có thể xảy ra sau sẩy thai, hoặc trong nhiễm trùng sau sinh.

3. Triệu chứng bệnh

  • ­  Đau bụng dưới, đau lưng.
  • ­ Khí hư ra nhiều, tăng tiết dịch âm đạo bất thường như màu vàng đục, có mùi hôi.
  • ­  Kinh nguyệt không đều.
  • ­  Biểu hiện toàn thân với sốt, ớn lạnh, buồn nôn hoặc nôn nhiều.
  • ­  Các biểu hiện nhiễm trùng đường tiểu như tiểu buốt, tiểu rắt.
  • ­   Những bất thường trong quan hệ tình dục như giao hợp đau.

Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có biểu hiện hay triệu chứng nào rõ ràng. Một số bệnh nhân có thể chỉ thỉnh thoảng gặp cảm giác khó chịu ở phần bụng dưới, đến khi được chẩn đoán thì bệnh đã nặng.

Nếu không được điều trị đúng cách, viêm ống dẫn trứng còn có biểu hiện của những biến chứng do nó gây ra như viêm buồng trứng, viêm tử cung, áp xe phần phụ, viêm phúc mạc vùng chậu, thai ngoài tử cung, vô sinh.

4. Đường lây truyền bệnh

Bệnh viêm ống dẫn trứng có thể được lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn, nhiễm các vi khuẩn như lậu cầu và chlamydia.

Đối tượng nguy cơ bệnh

  • Lớn hơn 25 tuổi và có quan hệ tình dục
  • Có nhiều bạn tình
  • Bạn tình của họ có nhiều bạn tình
  • Không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
  • Thụt rửa âm đạo thường xuyên, làm mất cân bằng hệ vi khuẩn có lợi – có hại bên trong âm đạo.
  • Tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc các bệnh viêm nhiễm vùng chậu.

Nhiều chuyên gia đồng ý rằng việc đặt dụng cụ trong buồng tử cung chỉ có nguy cơ gây nhiễm trùng trong vòng 3 tuần đầu tiên sau đặt và không làm tăng nguy cơ viêm nhiễm vùng chậu nói chung, bao gồm cả viêm ống dẫn trứng.

5. Phòng ngừa bệnh

  • Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ vùng kín, đặc biệt lưu ý trong những ngày hành kinh.
  • Vệ sinh trước và sau quan hệ tình dục.
  • Có đời sống lành mạnh, không quan hệ tình dục bừa bãi.
  • Sử dụng các biện pháp tránh thai nếu chưa có ý định có thai. Việc mang thai ngoài ý muốn sẽ làm tăng tỷ lệ nạo phá thai không an toàn, gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe sinh sản của nữ giới, trong đó bao gồm cả viêm nhiễm ống dẫn trứng nói riêng và viêm nhiễm vùng chậu nói chung.
  • Khi có các biểu hiện bất thường như đau bụng dưới, đau lưng, khí hư âm đạo hôi, giao hợp đau, nhiễm trùng đường tiểu, rối loạn kinh nguyệt, … nên đến khám bác sĩ kịp thời

6. Các biện pháp chẩn đoán bệnh

Chẩn đoán viêm ống dẫn trứng dựa vào triệu chứng, thăm khám vùng chậu và các xét nghiệm cận lâm sàng.

Trong quá trình thăm khám vùng chậu, bác sĩ sẽ sử dụng tăm bông để lấy mẫu từ dịch âm đạo và cổ tử cung, sau đó đưa đi xét nghiệm để xác định vi khuẩn gây bệnh.  

Để xác nhận chẩn đoán viêm ống dẫn trứng và các biến chứng của nó, một số xét nghiệm cần thiết khác cần được thực hiện, bao gồm:

  • Công thức máu: số lượng tế bào bạch cầu tăng khi có tình trạng viêm.
  • Phân tích nước tiểu: xác định tình trạng nhiễm trùng đường tiểu nếu có.
  • Siêu âm: cho hình ảnh các cơ quan sinh dục bên trong.

7. Các biện pháp điều trị bệnh

Bệnh viêm ống dẫn trứng đáp ứng tốt với việc điều trị nếu được phát hiện sớm. Trong trường hợp này, bệnh thường không gây ra biến chứng và người phụ nữ vẫn duy trì được chức năng sinh sản của mình.

Điều trị viêm ống dẫn trứng chủ yếu là điều trị nội khoa với kháng sinh, kết hợp với điều trị nâng đỡ như nghỉ ngơi, nâng cao thể trạng và theo dõi diễn tiến của bệnh.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *