Viêm phổi ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

1. Tổng quan bệnh Viêm phổi ở trẻ em

Viêm phổi bao gồm viêm phế quản phổi, viêm phổi mô kẽ, viêm phổi thuỳ. Đây đều là các tình trạng viêm đường hô hấp và nhu mô phổi, khi đó một số loại vi khuẩn và virus phát triển tạo ra mủ và chất nhầy trong phế nang, làm cho oxy không tới được hệ tuần hoàn. Điều này liên quan mật thiết đến các triệu chứng điển hình của viêm phổi.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi. Hàng năm, tại Việt Nam có tới 1/3 số ca trẻ em tử vong là do viêm phổi. Bệnh có thể lây nhiễm, tuy nhiên cũng có thể phòng tránh bằng một số biện pháp cụ thể.

2. Nguyên nhân bệnh Viêm phổi ở trẻ em

Các lứa tuổi khác nhau thường gặp phải các tác nhân gây bệnh khác nhau. Đa số trường hợp gây ra viêm phổi ở trẻ em là virus, bao gồm RSV (Respiratory Syncytial Virus), Adenovirus, Parainfluenza virus, Influenza virus. Những chủng virus này có thể lây lan nhanh theo đường hô hấp, đặc biệt là trong thời tiết thay đổi đột ngột, giao mùa, điều kiện vệ sinh môi trường không tốt. Ngoài ra cũng có những trường hợp mắc viêm phổi do vi khuẩn, thường gặp nhất là Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae,Staphylococcus aureus . Trẻ sinh non, suy dinh dưỡng, mắc các dị tật bẩm sinh đều có nguy cơ viêm phổi cao hơn các trẻ khác.

3. Triệu chứng bệnh Viêm phổi ở trẻ em

Cần phân biệt các triệu chứng viêm phổi với các nguyên nhân gây suy hô hấp khác như: hen, dị vật đường thở, bệnh phổi bẩm sinh, tràn dịch màng phổi, suy tim, tim bẩm sinh…Mỗi giai đoạn bệnh khác nhau cũng có những biểu hiện bệnh khác nhau:

  • Giai đoạn khởi phát: Xuất hiện các triệu chứng của nhiễm trùng hô hấp (sốt, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, quấy khóc, giảm hoạt động…)
  • Giai đoạn toàn phát: Ho khan, ho có đờm, thở nhanh liên tục. Bệnh nặng lên khi có những dấu hiệu tím tái da và niêm mạc, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, co rút cơ liên sườn.

4. Phòng ngừa bệnh

Nguyên tắc chung của phòng tránh viêm phổi là giảm tiếp xúc với các tác nhân và điều kiện thuận lợi gây bệnh:

  • Rửa tay trước và sau khi ăn
  • Tránh tiếp xúc với người ốm
  • Không dùng chung đồ dùng sinh hoạt với người ốm
  • Giữ vệ sinh môi trường sống
  • Tiêm vắc xin phòng phế cầu
  • Đối với phụ nữ có thai: khám sàng lọc phát hiện dị tật bẩm sinh, theo dõi và chăm sóc sức khoẻ hợp lý, tránh các trường hợp sinh non, suy dinh dưỡng, thiếu cân.
  • Cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tiến triển nặng hơn dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

5. Các biện pháp chẩn đoán bệnh

Các bác sĩ cần khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán viêm phổi. Trong đó các dấu hiệu sốt, ho, thở nhanh, rút lõm lồng ngực là quan trọng nhất để chẩn đoán lâm sàng và xác định mức độ nặng của bệnh. Chụp X quang tim phổi thẳng là tiêu chuẩn chẩn đoán xác định viêm phổi. Ngoài ra trong một số trường hợp cần làm thêm các xét nghiệm khác như:

  • Cấy máu nếu nghi ngờ có nhiễm khuẩn huyết
  • Khí máu động mạch nếu có suy hô hấp
  • Huyết thanh chẩn đoán trong các trường hợp viêm phổi kéo dài cần xác định rõ nguyên nhân

Trong trường hợp bệnh nặng, có các dấu hiệu như: không uống được, tím tái, li bì, co giật, suy dinh dưỡng nặng, trẻ cần được điều trị và theo dõi nội trú tại bệnh viện.

6. Các biện pháp điều trị bệnh

Các biện pháp điều trị viêm phổi khác nhau đều dựa trên nguyên tắc chung, trước hết là cần đánh giá đúng mức độ nặng nhẹ của bệnh. Sau đó cần lựa chọn kháng sinh phù hợp và đánh giá đáp ứng sau 48h điều trị.

Với các trường hợp viêm phổi nhẹ

  • Điều trị ngoại trú: Amoxicillin: 50mg/kg cân nặng, 2 – 3 lần/ngày, 5-7 ngày
  • Hoặc dùng Amoxicillin/clavulanate: 40mg/kg cân nặng/ngày, 5-7 ngày
  • Tái khám khi có dấu hiệu thở nhanh hoặc bệnh nặng hơn

Với các trường hợp viêm phổi nặng: cần điều trị nội trú trên cơ sở 4 nguyên tắc: hỗ trợ hô hấp, sử dụng kháng sinh, điều trị hỗ trợ khác và điều trị biến chứng.

  • Hỗ trợ hô hấp bằng các cho thở oxy hoặc thở áp lực dương liên tục qua mũi cần thực hiện khi trẻ có dấu hiệu suy hô hấp: tím tái, thở nhanh trên 70 lần/phút, rút lõm lồng ngực
  • Mặc dù đa số trường hợp viêm phổi ở trẻ em là do virus, tuy nhiên tỉ lệ bội nhiễm vi khuẩn rất cao nên kháng sinh được sử dụng thường quy trong điều trị viêm phổi và viêm phổi nặng. Các nhóm kháng sinh thường được sử dụng là Amoxicillin, Ceftriaxone, Cefotaxim
  • Điều trị hạ sốt, giãn phế quản, tăng cường dinh dưỡng khi cần.
  • Khi có các biến chứng như tràn dịch màng phổi, áp xe phổi, xẹp phổi… thì cần có các biện pháp điều trị phù hợp.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *