Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

1. Tổng quan bệnh Viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng nhiễm trùng tại vị trí tuyến tiền liệt nguyên nhân do vi khuẩn hoặc không do vi khuẩn. Bệnh thường xảy ra ở nam giới độ tuổi trung niên với biểu hiện cấp tính hoặc mãn tính.

Bệnh viêm tuyến tiền liệt ở nam không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây các biến chứng nghiêm trọng như vô sinh, hiếm muộn.

2. Nguyên nhân bệnh Viêm tuyến tiền liệt

Nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt là gì? Thực tế viêm tuyến tiền liệt thường xuất hiện sau nhiễm trùng ngược dòng của viêm niệu đạo, viêm mào tinh hoàn hoặc các vị trí lân cận vùng trực tràng. Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu là các vi khuẩn gram (-) đường tiêu hóa và sinh dục tiết niệu như Ecoli. Ngoài ra có thể gặp các vi khuẩn không điển hình khác như Chlamydia, lậu, giang mai…

Một số nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt khác:

  • Chèn ép tuyến tiền liệt: nam giới ngồi xe đạp nhiều dẫn đến tăng áp lực lên tuyến tiền liệt làm máu không lưu thông gây kích thích phía trên của tuyến tiền liệt và niệu đạo
  • Sung huyết tuyến tiền liệt do chấn thương
  • Quan hệ tình dục không điều độ: nam giới quan hệ tình dục với tần số cao trong thời gian ngắn dẫn tới rối loạn xuất tinh gây sung huyết và giãn nở tuyến tiền liệt quá mức.
  • Quan hệ tình dục không an toàn: nam giới quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn với bạn tình; quan hệ nhiều bạn tình hoặc đồng giới có nguy cơ cao viêm tuyến tiền liệt cũng như lây nhiễm các bệnh xã hội (lậu, giang mai, sùi mào gà…)

3. Triệu chứng bệnh Viêm tuyến tiền liệt

Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt được xác định như sau:

Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn:

  • Triệu chứng toàn thân: mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, đau mình mẩy, đau nhiều vùng bẹn, thắt lưng, đặc biệt vị trí giữa bìu và xương mu.
  • Triệu chứng kích thích: tiểu buốt, nước tiểu có thể có máu, tiểu nhiều lần (>10 lần/ban ngày), tiểu đêm (2-4 lần/đêm).
  • Triệu chứng tắc nghẽn: tiểu rắt, tiểu khó, tiểu ngắt quãng, tia nước tiểu yếu.
  • Rối loạn chức năng tình dục: đau buốt khi xuất tinh, rối loạn co cứng của dương vật.

Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn:

Triệu chứng gần giống viêm tuyến tiền liệt cấp tính nhưng kéo dài và có thể có các biểu hiện của biến chứng:

  • Đau tinh hoàn, đau vùng  bìu bẹn, tiểu nhiều lần liên tiếp.
  • Nước tiểu đục, có thể có máu.
  • Ảnh hưởng quan hệ tình dục: giảm ham muốn, rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh.
  • Vô sinh: viêm tuyến tiền liệt mãn tính ảnh hưởng đến chức năng sản xuất tinh dịch và chất lượng tinh trùng.

Viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do vi khuẩn:

Biểu hiện tương tự như viêm tuyến tiền liệt mãn tính. Tuy nhiên khi xét nghiệm nước tiểu và tinh dịch sẽ không phát hiện thấy vi khuẩn, thường chỉ thấy các tế bào mủ.

4. Đối tượng nguy cơ bệnh

  • Nam giới độ tuổi trung niên có hoạt động tình dục
  • Nam giới có dị tật đường tiết niệu, hẹp bao quy đầu
  • Viêm nhiễm đường tiết niệu: viêm bàng quang, viêm niệu đạo
  • Chấn thương vùng khung chậu
  • Người phải đặt sonde tiểu
  • Quan hệ tình dục không an toàn

5. Phòng ngừa bệnh

  • Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục hàng ngày, đặc biệt trước và sau quan hệ tình dục.
  • Uống nhiều nước (2-4 lít/ngày), không nhịn tiểu khi mót tiểu.
  • Không ăn thức ăn cay, nóng, hạn chế rượu, bia, thuốc lá và chất kích thích. Ăn nhiều rau xanh và trái cây.
  • Không ngồi lâu, nên ngồi trên đệm lót để giảm áp lực lên tuyến tiền liệt.
  • Thực hiện các biện pháp bảo hộ khi đạp xe thời gian dài để giảm áp lực lên tuyến tiền liệt.
  • Khi bị viêm tuyến tiền liệt nên uống nhiều nước và đi lại vận động nhiều.

6. Các biện pháp chẩn đoán bệnh

  • Chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt dựa vào triệu chứng và thăm khám lâm sàng của bác sỹ.
  • Một số xét nghiệm máu và nước tiểu được chỉ định khi cần thiết.

7. Các biện pháp điều trị bệnh

Bao gồm điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng

Điều trị nguyên nhân:

Sử dụng các kháng sinh nhạy cảm với vi khuẩn gây bệnh. Tùy thuộc vào mức độ viêm mà sử dụng kháng sinh đường tiêm hay đường uống, điều trị ngoại trú hay nội trú. Viêm tuyến tiền liệt mãn tính cần sử dụng kháng sinh kéo dài hơn.

Điều trị triệu chứng:

  • Thuốc giảm đau chống viêm nhóm NSAIDs giúp giảm đau, hạ sốt.
  • Thuốc chẹn beta làm giãn cổ bàng quang
  • Thuốc làm giảm hormon tuyến tiền liệt (Proscar) cũng được chứng minh tính hiệu quả
  • Một số biện pháp bổ trợ vật lý trị liệu: xoa bóp massage tuyến tiền liệt giúp giảm sung huyết; tập thể dục nằm duỗi thẳng, thư giãn cơ mu dưới…

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *