Vỡ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

1. Tổng quan bệnh Vỡ tử cung

Vỡ tử cung là tình trạng tử cung bị xé rách từ niêm mạc qua lớp cơ, nếu đến cả phúc mạc làm buồng tử cung thông với ổ bụng là vỡ tử cung hoàn toàn, nếu lớp phúc mạc còn nguyên thì là vỡ tử cung không hoàn toàn. Vỡ tử cung tổn thương đến cả bàng quang hoặc đường tiêu hóa là vỡ tử cung phức tạp

Vỡ tử cung là tai biến sản khoa nghiêm trọng đe dọa đến cả tính mạng của mẹ lẫn thai nhi, có thể xảy ra khi mang thai hoặc trong giai đoạn chuyển dạ.

2. Nguyên nhân bệnh Vỡ tử cung

Nguyên nhân gây vỡ tử cung được chia thành 3 nhóm nguyên nhân: do mẹ, do thai và do thầy thuốc gây ra

Nguyên nhân vỡ tử cung từ mẹ

  • Do khung chậu méo, hẹo hay bất thường
  • Tình trạng tử cung dị dạng, kém phát triển hoặc tử cung đôi
  • Sẹo ở tử cung do phẫu thuật về phụ khoa hoặc do tiền sử sản khoa như mổ lấy thai cũ hoặc tổn thương lớp cơ tử cung khi bóc nhau nhân tạo hay nạo phá thai gây ra
  • Cơn co tử cung cường tính
  • Các khối u tiền đạo của người mẹ như u nang buồng trứng, u xơ tử cung, u tiểu khung hay âm đạo ngăn cách không cho thai xuống
  • Mẹ đẻ nhiều lần hoặc suy dinh dưỡng là nguyên nhân làm chất lượng cơ tử cung kém

Nguyên nhân do thai nhi

  • Thai to toàn phần hay từng phần
  • Thai bị dị dạng, dính nhau hay não úng thủy
  • Do các ngôi bất thường của thai (ngôi ngược, ngôi ngang), kiểu thế bất thường hoặc cúi không tốt

Nguyên nhân do thầy thuốc

  • Các can thiệp thủ thuật đường dưới trong cuộc đẻ làm rách cổ tử cung kéo lên đoạn dưới
  • Các thủ thuật không đúng chỉ định và được làm không đúng kỹ thuật như forceps, giác hút, xoay thai
  • Làm các thủ thuật quá thô bạo
  • Dùng Oxytocin (thuốc tăng co) không đúng

3. Triệu chứng bệnh Vỡ tử cung

 Triệu chứng của bệnh tùy thuộc vào giai đoạn đang mang thai hay trong giai đoạn chuyển dạ

Triệu chứng bệnh vỡ tử cung khi mang thai:

  • Triệu chứng thường không điển hình chủ yếu là đau bụng tự nhiên, đau nhiều ở vùng tử cung, đau ngày càng tăng lan ra toàn ổ bụng
  • Âm đạo có thể ra máu đỏ tươi

Triệu chứng vỡ tử cung khi sinh

Có thể là cơn dọa vỡ tử cung hoặc vỡ tử cung trong chuyển dạ

Dọa vỡ tử cung:

  • Sản phụ đau quằn quại, cơn đau kéo dài và cường độ tăng khiến bệnh nhân kêu la dữ dội
  • Đoạn dưới bị kéo dài có khi đến rốn
  • Ở giai đoạn muộn tử cung có thể bị thắt lại ở đoạn dưới tạo thành hình quả bầu nậm, vòng thắt đó gọi là vòng Bandl
  • Thành đoạn dưới rất mỏng và ấn đau, ngôi thai có thể phồng lên
  • Hai dây chằng tròn sờ rõ và căng, phối hợp với vòng Bandl gọi là dấu Bandl-Frommel. Tử cung sẽ vỡ ngay nếu không được xử trí
  • Cơn co tử cung kéo dài với cường độ mạnh, khoảng cách các cơn co ngắn
  • Tim thai biến đổi do thiếu oxy

Vỡ tử cung trong chuyển dạ:

  • Các dấu hiệu dọa vỡ tử cung rõ ràng, sản phụ biểu hiện kích thích, vật vã dữ dội vì đau đớn
  • Đoạn dưới kéo dài, căng mỏng có chỗ ấn đau chính là điểm sắp vỡ
  • Xuất hiện các dấu hiệu choáng
  • Âm đạo ra máu đỏ tươi
  • Không còn hình ảnh quả bầu nậm tử cung hay dấu Bandl-Frommel
  • Nghe không thấy tim thai

4. Đối tượng nguy cơ

  • Sản phụ có tiền sử mổ lấy thai trong lần mang thai kế tiếp có nguy cơ vỡ tử cung do vết mổ cũ
  • Sản phụ có khung chậu và tử cung bất thường
  • Sản phụ có tiền sử đẻ con có ngôi bất thường (ngôi ngược, ngôi ngang)
  • Sản phụ có các bệnh lý nội khoa trong lúc mang thai

5. Phòng ngừa bệnh

  • Quản lý thai nghén, phát hiện các trường hợp thai nghén có nguy cơ cao chảy máu sau sinh như sinh nhiều lần, có vết mổ ở tử cung, bất cân xứng thai-chậu,…
  • Sử dụng các thuốc tăng co tử cung đúng chỉ định và liều lượng
  • Thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật sản khoa đúng chỉ định, đủ điều kiện và đúng kỹ thuật

6. Các biện pháp chẩn đoán

Chẩn đoán vỡ tử cung ngoài các triệu chứng lâm sàng theo thời kỳ thì còn cần các xét nghiệm để chẩn đoán xác định

Đối với vỡ tử cung trong thời kỳ thai nghén

Cần thực hiện chẩn đoán bằng:

  • Siêu âm: thai nằm trong ổ bụng, không thấy hoạt động tim thai
  • Công thức máu: có hồng cầu giảm, hemoglobin và hematocrit giảm

Vỡ tử cung trong thời kỳ chuyển dạ:

  • Siêu âm: thai nằm trong ổ bụng, không thấy hoạt động tim thai, thấy tổn thương ở tử cung, dịch trong ổ bụng
  • Công thức máu: thiếu máu

7. Các biện pháp điều trị bệnh

  • Cần phải mổ cấp cứu ngay khi có dấu hiệu vỡ tử cung, nếu lâm sàng không xác định rõ có thể mổ thăm dò để tránh sót trường hợp vỡ tử cung dưới phúc mạc
  • Thực hiện hồi sức, chống choáng bằng giảm đau, truyền dịch, truyền máu tươi để bù lại khối lượng tuần hoàn và điện giải, nâng huyết áp tối đa của bệnh nhân lên 90-100 mmHg mới được mổ
  • Tổn thương tử cung được xử trí phụ thuộc vào nhu cầu sinh con, mức độ tổn thương tại tử cung và điều kiện, kinh nghiệm của cơ sở phẫu thuật

Có thể cân nhắc giữa bảo tồn và cắt tử cung:

  • Bảo tồn tử cung: nếu sản phụ còn nhu cầu sinh con, tổn thương sạch, vết thương nhỏ, thời gian vỡ tử cung không quá dài thì có thể cắt lọc và xén gọn vết rách rồi khâu lại
  • Cắt tử cung: khi sản phụ đã đủ con, vết thương nghiêm trọng, nham nhở, rộng, thời gian vỡ lâu thì phải cắt tử cung bán phần

Ngoài ra cần:

  • Lau sạch ổ bụng, dẫn lưu nếu ổ bụng bẩn và nghi ngờ nhiễm khuẩn
  • Khi mổ chú ý kiểm tra tổn thương kèm theo như ruột và bàng quang
  • Sau mổ cần dùng kháng sinh liều cao, phối hợp và theo dõi chặt chẽ để phát hiện nhiễm khuẩn

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *