Võng mạc: Nguyên nhân, triệu chứng

1. Tổng quan bệnh Võng mạc

Võng mạc còn được gọi là màng thần kinh – nơi tiếp nhận các kích thích ánh sáng từ bên ngoài truyền về trung khu phân tích thị giác ở vỏ não (thông qua dây thần kinh thị giác số II). Do đó võng mạc là bộ phận quan trọng nhất của mắt giúp chúng ta nhận biết ánh sáng và hình ảnh xung quanh. Có nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh lý ở võng mạc, dẫn đến rối loạn thị giác, thậm chí các bệnh võng mạc có thể dẫn tới mù lòa nếu không phát hiện và xử trí kịp thời

2. Nguyên nhân bệnh Võng mạc

2.1 Bệnh võng mạc ở trẻ sơ sinh

Xảy ra ở trẻ đẻ non (tuổi thai < 37 tuần) hoặc cân nặng khi sinh thấp (< 2500 gam). Nguyên nhân do hệ thống mạch máu võng mạc ở trẻ đẻ non chưa kịp phát triển đầy đủ. Giai đoạn sớm, võng mạc chỉ có thay đổi nhẹ và triệu chứng không rõ ràng. Giai đoạn tiến triển, màng võng mạc có thể bị bong ra dẫn đến mù lòa.

2.2 Thoái hóa võng mạc

Là một bệnh lý phổ biến do thoái hóa võng mạc tại vùng hoàng điểm, đặc trưng bởi hai tổn thương tại tế bào thị giác và tế bào võng mạc. Bệnh tiến triển từ từ và làm mất thị lực không hồi phục.

2.3 Bệnh võng mạc do nhiễm trùng

Có thể do vi khuẩn, vi rút (cúm, quai bị…) hoặc nấm (nấm Cadida albicans, Aspergillose…). Bệnh thường từ các ổ nhiễm khuẩn lân cận như viêm tai, viêm mũi-xoang, viêm họng, viêm amidal hay sâu răng…

2.4 Bệnh võng mạc do các bệnh lý nội khoa

2 bệnh phổ biến nhất là bệnh võng mạc do đái tháo đường và bệnh võng mạc do tăng huyết áp:

  • Bệnh võng mạc do đái tháo đường: thường tiến triển chậm ở các bệnh nhân đái tháo đường typ I và typ 2 nhiều năm (10-15 năm). Bệnh trải qua 2 giai đoạn: không tăng sinh (mạch máu bị tổn thương gây tắc nghẽn, biến dạng. Dịch, protien, lipid rò rỉ từ mạch máu bất thường dẫn đến phù nề võng mạc, làm suy giảm thị lực) và giai đoạn tăng sinh (phát triển bất thường các mạch máu tại bề mặt võng mạc, có thể dẫn tới xuất huyết, bong võng mạc gây mù lòa)
  • Bệnh võng mạc do tăng huyết áp: Các bất thường của hệ thống mạch máu võng mạc do huyết áp cao là một quá trình diễn biến từ từ, biểu hiện đầu tiên là sự co thắt, dày thành và xơ cứng động mạch, sau đó tới xuất huyết võng mạc và cuối cùng là phù gai thị.

2.5 Bệnh võng mạc do chấn thương mắt

Rách võng mạc do chấn thương là hậu quả của tác động trực tiếp bên ngoài làm biến dạng nhãn cầu: sự thay đổi hình dạng nhãn cầu đột ngột gây co kéo thứ phát lên nền dịch kính tạo các vết rách võng mạc. Ngoài ra chấn thương trực tiếp lên vùng củng mạc cũng gây hoại tử võng mạc tại vị trí tương ứng, dẫn đến bong võng mạc.

2.6 Viêm võng mạc sắc tố di truyền

Là bệnh hiếm gặp do đột biến gen (di truyền lặn chiếm 60-70%, di truyền trội chiếm 25%, còn lại là di truyền liên kết nhiễm sắc thể giới tính X). Bệnh không có các yếu tố viêm nhiễm mà do sự thoái hóa tiến triển dần dần, bắt đầu từ các tế bào cảm thụ ánh sáng hình que của võng mạc, tiếp theo là các tế bào nón.

3. Triệu chứng bệnh

Một số bệnh lý võng mạc ở giai đoạn đầu triệu chứng thường  mơ hồ, khó phát hiện. Giai đoạn tiến triển bệnh biểu hiện bởi rối loạn thị giác ở các mức độ khác nhau.

Bệnh võng mạc ở trẻ sơ sinh

Thường không có biểu hiện bên ngoài, các bất thường được phát hiện khi khám mắt (mắt lác, chuyển động mắt bất thường).

Thoái hóa võng mạc

  • Nhìn vật biến dạng (méo mó, nhìn thẳng thành cong…)
  • Nhìn  mờ (có màn sương trước mắt)
  • Giảm thị lực trung tâm, nhìn vật bé lại, có thể có ruồi bay.

Do đái tháo đường

  • Mờ mắt hoặc mờ mắt thoáng qua ở giai đoạn sớm
  • Mất khả năng nhận biết màu sắc
  • Nhìn thấy các đốm đen hoặc chớp sáng

Do tăng huyết áp

  • Nhìn mờ
  • Nhìn đôi
  • Đau nhức đầu, sợ ánh sáng

Do chấn thương mắt

  • Cảm giác nặng trong mắt
  • Đột ngột xuất hiện ruồi bay trước mắt, xuất hiện các chấm đen
  • Đau mắt

Viêm võng mạc sắc tố di truyền

  • Giai đoạn đầu có biểu hiện quáng gà (nhìn kém khi bắt đầu nhập nhoạng tối), tầm nhìn của bệnh nhân bị thu hẹp dần theo hình ống.
  • Giai đoạn tiếp theo bệnh nhân rối loạn màu sắc, giảm tầm nhìn trung tâm (> 40 tuổi)

4. Đối tượng nguy cơ bệnh

  • Trẻ đẻ non (tuổi thai < 37 tuần) hoặc cân nặng khi sinh thấp (< 2500 gam). Tuổi thai và cân nặng càng nhỏ thì càng có nhiều khả năng bị bệnh võng mạc ở trẻ sơ sinh.
  • Bênh nhân đái tháo đường nhiều năm (10-15 năm) kiểm soát đường huyết không tốt
  • Bệnh nhân tăng huyết áp kiểm soát huyết áp không tốt.
  • Người cao tuổi, có hút thuốc lá, sử dụng rượu bia
  • Người có yếu tố gia đình bị các bệnh võng mạc mắt.

5. Các biện pháp chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng như trên và thăm khám của bác sỹ.

Tùy vào đối tượng và triệu chứng mà bác sỹ thực hiện các phương pháp thăm khám sau đây:

  • Khám thị lực
  • Khám thị trường
  • Đo nhãn áp
  • Khám vận động nhãn cầu
  • Đèn soi đáy mắt trực tiếp
  • Sinh hiển vi

6. Các biện pháp điều trị bệnh

Ở trẻ sơ sinh:

  • Giai đoạn sớm cần theo dõi chặt chẽ chưa cần điều trị
  • Khám mắt định kỳ 1-2 tuần một lần cho đến  khi đủ 14 tuần tuổi
  • Nếu bệnh tiến triển có thể sử dụng laser hoặc phương pháp lạnh đông để phá hủy các mạch máu bất thường. Tiêm nội nhãn thuốc chống tăng sinh mạch máu làm thoái triển các mạch bất thường. Trường hợp bong võng mạc có thể phẫu thuật để điều trị.

Thoái hóa võng mạc:

  • Chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu
  • Mục đích điều trị là kéo dài thời gian tiến triển của bệnh
  • Một số biện pháp hỗ trợ: laser đáy mắt, bổ sung Vitamin A, liệu pháp tế bào gốc.

Do đái tháo đường:

  • Kiểm soát đường huyết
  • Laser liệu pháp
  • Phẫu thuật loại bỏ xuất huyết, dịch kính
  • Phẫu thuật bong võng mạc
  • Tiêm nội nhãn thuốc chống tăng sinh mạch máu

Do tăng huyết áp:

  • Kiểm soát huyết áp
  • Thuốc giãn mạch tăng tuần hoàn võng mạc
  • Laser quang đông võng mạc với các tổn thương gây thiếu máu hoặc tăng sinh mạch
  • Phẫu thuật cắt dịch kính nếu có xuất huyết kéo dài

Viêm võng mạc sắc tố:

  • Bổ sung vitamin A liều 15000 UI hàng ngày giúp làm chậm thời gian tiến triển của bệnh

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *