Xuất tinh ngược

1. Tổng quan bệnh Xuất tinh ngược

Xuất tinh ngược là gì?

Xuất tinh ngược dòng là một tình trạng mà trong đó tinh dịch đi ngược vào bàng quang sau đó đi ra bên ngoài theo đường nước tiểu thay vì được phóng thích ra ngoài thông qua niệu đạo khi xuất tinh. Tình trạng này còn được gọi là cực khoái khô.

Xuất tinh ngược là như thế nào?

Xuất tinh ngược là hiện tượng nam giới mặc dù vẫn giao hợp bình thường và đạt cảm giác cực khoái đồng thời có động tác và cảm giác xuất tinh nhưng tinh dịch xuất ra ngoài sẽ rất ít hoặc không có. Sau khi giao hợp, người bệnh đi tiểu thấy nước tiểu có lẫn những lợn cợn màu trắng đục.

Hiện tượng xuất tinh ngược được giải thích như sau:

Bình thường, đường xuất tinh kết hợp với niệu đạo sẽ tạo thành một kết cấu hình chữ Y. Tinh dịch sau khi từ ống dẫn tinh đi vào niệu đạo có thể thông với bàng quang.

Cấu tạo của cơ vòng ở cổ bàng quang và ở niệu đạo giống như cánh cửa, “cửa” bàng quang đóng lại thì “cửa” niệu đạo mở ra để khi nam giới đạt cảm giác cực khoái khi xuất tinh thì tinh dịch sẽ được phóng thích ra ngoài.

Nhưng nếu cơ vòng ở cổ bàng quang mất khả năng co thắt, cửa niệu đạo bị đóng lại thì tinh dịch sẽ không ra ngoài được nữa mà đi ngược vào trong bàng quang.

Xuất tinh ngược có nguy hiểm không?

Hiện tượng này ít xảy ra nhất trong các vấn đề về xuất tinh.

Nó không gây ảnh hưởng nhiều tới đời sống tình dục vì nam giới vẫn đạt được cảm giác cực khoái. Tuy nhiên, đây lại là một nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn ở nam giới.

Vì khi tinh trùng đi ngược vào trong bàng quang mà không được xuất ra ngoài hoặc xuất ra quá ít khiến lượng tinh trùng ít và yếu sẽ khiến cho việc thụ thai trở nên khó khăn hơn, gây ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản.

2. Nguyên nhân bệnh Xuất tinh ngược

Nguyên nhân của bệnh xuất tinh ngược có thể do bàng quang vẫn mở thay vì đóng trong khi xuất tinh gây ra tình trạng tinh dịch đi ngược vào bàng quang.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất tinh ngược nhưng chủ yếu là những yếu tố chính như sau:

Các tình trạng bệnh lý gây tổn thương các sợi thần kinh giao cảm trung gian vùng cổ bàng quang và cơ thắt tuyến tiền liệt khiến cho các cơ vòng ở vùng này bị mất khả năng co thắt.

  • Bệnh đái tháo đường
  • Bệnh đa xơ cứng
  • Sau phẫu thuật cắt bỏ u xơ tuyến tiền liệt, cắt bỏ đại tràng
  • Các biến chứng bệnh lý cột sống như thoái hóa, gai đôi, dị dạng
  • Các phẫu thuật vùng tiểu khung
  • Tác dụng phụ của thuốc như các thuốc điều trị bệnh tâm thần, tăng huyết áp, phì đại tuyến tiền liệt

Dị tật bẩm sinh ở niệu đạo và bàng quang

Nam giới thường xuyên kìm hãm việc xuất tinh khi quan hệ tình dục

Các nguyên nhân khác:

  • Sau mổ nội soi vùng bàng quang, các bệnh gây xơ cứng cổ bàng quang, các rối loạn co thắt cơ vùng niệu đạo
  • Bệnh lý u tuyến yên làm tăng prolactin máu

3. Triệu chứng bệnh

  • Nam giới có cảm giác cực khoái nhưng không thể xuất tinh ra ngoài được.
  • Không thấy tinh dịch xuất hiện sau mỗi lần giao hợp.
  • Sau khi quan hệ tình dục khi đi tiểu thấy lợn cợn màu trắng đục có lẫn trong nước tiểu.

4. Đối tượng nguy cơ bệnh

Nam giới có các vấn đề liên quan đến bàng quang thường dễ gặp phải tình trạng này.

Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Bệnh đái tháo đường
  • Bệnh đa xơ cứng
  • Bệnh phì đại tuyến tiền liệt
  • Phẫu thuật bàng quang
  • Chấn thương tủy sống
  • Dùng thuốc điều trị cao huyết áp hoặc rối loạn tâm lý

5. Phòng ngừa bệnh

  • Duy trì kiểm soát lượng đường trong máu
  • Tránh các loại thuốc dễ gây xuất tinh ngược
  • Khám bác sĩ ngay sau khi phát hiện triệu chứng
  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng và tình trạng sức khỏe
  • Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc được kê toa.
  • Mạnh dạn chia sẻ với người nữ nhằm tìm sự đồng cảm từ hai phía và cùng tìm giải pháp khắc phục. Tâm lý xấu hổ, ngần ngại chỉ khiến vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn.

6. Các biện pháp chẩn đoán bệnh

  • Thăm hỏi vấn đề sức khỏe, tìm hiểu các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh xuất tinh ngược.
  • Khám lâm sàng dương vật, tinh hoàn và trực tràng.
  • Xét nghiệm nước tiểu, tìm sự hiện diện  của tinh dịch trong nước tiểu sau khi đạt cực khoái.

7. Các biện pháp điều trị bệnh

  • Ngưng sử dụng các thuốc có thể gây xuất tinh ngược dòng.
  • Khoảng một phần ba bệnh nhân bị xuất tinh ngược do bệnh đái tháo đường hoặc phẫu thuật đã cải thiện được tình trạng sau khi điều trị bằng các thuốc đóng cổ bàng quang như pseudoephedrine, phenylephrine, chlorpheniramine, brompheniramine hoặc imipramine. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc này có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp, có thể gây nguy hiểm ở nam giới có bệnh tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch.

Nguồn: Vinmec

1 những suy nghĩ trên “Xuất tinh ngược

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *