Giáo dục giới tính cho trẻ mầm non

Giáo dục giới tính cho trẻ em là vấn đề luôn được xã hội quan tâm. Bên cạnh trách nhiệm nhà trường thì các bậc cha mẹ cũng nên là nền tảng vững chắc để giảng giải cho bé hiểu những vấn đề nhạy cảm về giới tính, tình dục từ khi còn bé.

Nhất là những em còn ở độ tuổi mầm non từ 3 – 5 tuổi, đã sẵn sàng về thể chất và tâm thần vận động để học hỏi, hòa nhập cùng thế giới xung quanh. Nhưng kèm với việc giúp con phát triển kiến thức, kỹ năng thì chúng ta cũng cần sẵn sàng giáo dục giới tính cho bé ngay giai đoạn này để con đi đúng đường, đồng thời giải đáp những thắc mắc nhạy cảm, có phần ngây ngô của trẻ về khác biệt giới tính.

Tại sao nên giáo dục giới tính cho bé từ lúc mầm non?

Bởi qua đó chúng ta có thể giúp con có được hiểu biết toàn diện về các vấn đề cơ thể mình gặp phải, việc thay đổi tâm sinh lý, thông qua đó sẽ biết cách phòng tránh và giải quyết vấn đề. Đồng thời điều này còn giúp bé sống chan hòa với người khác giới và cùng giới, biết cách phân biệt mối quan hệ lành mạnh hay không lành mạnh.

Nếu trẻ không được giáo dục giới tính từ khi còn bé, những thắc mắc, tò mò trong độ tuổi mới lớn không được giải đáp thì có thể dẫn tới nhiều hậu quả khó lường. Chẳng hạn như không biết cách tự bảo vệ mình trước hành vi xấu của người khác. Hoặc tiếp nhận thông tin về giáo dục giới tính không chính thống, làm sai lệch ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động.

Những điều cha mẹ nên dạy con ở lứa tuổi mầm non

Trẻ từ 2 – 3 tuổi:

Dạy con biết nhận diện: tên gọi, chức năng, đặc điểm nhận biết các bộ phận trên cơ thể.

Hướng dẫn cách chăm sóc các bộ phận trên cơ thể, rèn tính độc lập trong vệ sinh thân thể.

Dạy con biết tự tôn trọng các bộ phận trên cơ thể và tôn trọng cả cơ thể của người khác, nhất là người khác giới.

Dạy bé biết có một số giới hạn khi tiếp xúc với cơ thể với người lạ: Hướng dẫn trẻ nhận biết khu vực nào là nhạy cảm, bí mật. Đồng thời cho con biết cách thể hiện sự không đồng ý khi có người vi phạm vào khu vực cấm trên người trẻ. Cách nhận biết, chọn lựa các mối quan hệ an toàn là như thế nào và thiết lập vòng tròn an toàn cho trẻ với người thân và người lạ (Ai được ở trong vòng tròn an toàn với con? Ai không được vào trong vòng tròn với con?).

Không để bé trai và bé gái chùng chung WC với nhau

Cuối cùng đừng quên thiết lập thói quen để con chia sẻ bằng lời nói/ hành động với người chăm sóc để chúng ta có thông tin về đời sống/sinh hoạt của trẻ, kịp thời phát hiện/ngăn chặn các tình huống xấu có nguy cơ xảy ra.

Một số lưu ý nhạy cảm mà bạn nên lưu ý:

  • Khuyến khích trẻ tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân. Để người thân có cùng giới tính vệ sinh cơ thể của trẻ (bố, mẹ, ông, bà, anh chị ruột). Nó sẽ giúp ta tránh một số nguy cơ trẻ bị xâm hại từ chính người thân trong gia đình. Cũng như loại bỏ sự “bình thường hoá” trong suy nghĩ khi có người khác giới động vào cơ thể mình.
  • Không nên cho trẻ em nam và trẻ em nữ dùng chung WC, tắm chung. Chúng ta nên để trẻ có không gian riêng tư với giới tính của mình.

Trẻ từ 3 – 5 tuổi:

Giai đoạn này bé đang có sự tò mò rất mạnh mẽ về giới tính của mình và bạn khác giới. Trên thực tế rất nhiều trường hợp trẻ có hành vi xâm hại tình dục lẫn nhau, hoặc tự “xâm hại” mình.

Trẻ 3 – 5 tuổi đã có ngôn ngữ khá rõ ràng, hoạt động vận động và nhận thức tương đối nhanh nhẹn nên nội dung giảng dạy cũng phong phú hơn: Đầu tiên chúng ta nên ôn luyện lại các kiến thức về chăm sóc cơ thể, nâng cao tính tự lập khi bé chăm sóc bản thân trong sinh hoạt hằng ngày. Tiếp theo bạn nên dạy trẻ một số vấn đề cơ bản như sau.

Dạy trẻ các nhóm kỹ năng giao tiếp xã hội: thiết lập vòng tròn quan hệ lành mạnh và an toàn là một phương án giúp hỗ trợ trẻ chống lại nguy cơ bị quấy rối tình dục từ người lạ.

Dạy bé cách thiết lập mối quan hệ tốt với bạn bè/người thân: Giúp trẻ nhỏ tìm thấy sự an toàn, chia sẻ trong cộng đồng, tránh để xảy ra trường hợp cô đơn mà bị kẻ xấu dụ dỗ.

Dạy các con kỹ năng ứng xử với người lạ: Cả gia đình và nhà trường đều cần phối hợp viết ra vòng tròn an toàn trong giao tiếp, những ai được phép tương tác thân thiết với trẻ? Hỗ trợ bé nhận biết và nhớ các cá nhân trong vòng tròn đó. Dạy trẻ cách giao tiếp/ứng xử với người lạ khi họ cho quà, khi ở nhà một mình, khi gặp người lạ (ở trường, nhà, trên đường…). Đồng thời biết cách yêu cầu trợ giúp từ cộng đồng khi gặp nguy hiểm.

Ngày nay trẻ em rất dễ tiếp cận với nhiều nguồn thông tin trên mạng internet nên phụ huynh phải lưu ý kiểm soát bé

Nguyên tắc khi giáo dục giới tính ở độ tuổi mầm non

Dùng ngôn từ đơn giản và đáng tin cậy: Chúng ta nên lựa từ để giải thích ở mức độ mà con có thể hiểu được. Một bé ở độ tuổi mầm non sẽ chẳng thể hiểu được cơ chế rụng trứng, nhưng các con có thể tỏ ra thích thú khi biết được phụ nữ cũng có trứng để sinh con.

Có thể nói mình không biết: Nếu không biết phải trả lời bé như thế nào, thì bạn hãy thẳng thắn nói với con rằng hiện tại bạn cũng chưa hiểu rõ về vấn đề này và hẹn lần tới sẽ giải đáp. Ngay sau đó, cha mẹ nên tìm hiểu thông tin rõ ràng và giải đáp lại cho bé một cách chính xác.

Cả bố và mẹ đều phải tham gia: Khi phụ huynh đều tham gia giáo dục giới tính cho con thì trẻ sẽ thấy rằng tất cả mọi người đều có thể tham gia thảo luận bình đẳng về vấn đề này. Điều này sẽ tạo cảm giác thoải mái hơn khi nói chuyện về những vấn đề nhạy cảm, đồng thời bé biết cách giao tiếp tế nhị hơn trong các mối quan hệ thân mật khi trưởng thành.

Cha mẹ nên là người khơi dậy sự tò mò: Một số trẻ gần như không bao giờ chủ động đặt câu hỏi. Lúc này, cha mẹ cần phải chủ động khơi dậy sự tò mò về giới tính cho con trong những tình huống diễn ra hàng ngày. Chẳng hạn khi đang xem chương trình nói về phụ nữ mang thai, phụ huynh có thể hỏi: “Đố con biết mang thai là gì?”

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *