Bàng quang: Cấu tạo, vị trí, chức năng, cách thức hoạt động

1. Vị trí của Bàng quang

Bàng quang nằm ở dưới phúc mạc, ngay sau khớp mu. Khi rỗng, bàng quang nằm hoàn toàn trong phần trước vùng chậu, phía sau là trực tràng và tạng sinh dục. Khi chứa đầy nước tiểu, bàng quang căng lên thành hình cầu, vượt lên trên khớp mu và nằm trong ổ bụng.

Bàng quang có hình tứ diện tam giác bao gồm 4 mặt:

  • Mặt trên được phúc mạc che phủ, khi bàng quang rỗng mặt trên sẽ lõm, khi bàng quang đầy mặt trên sẽ lồi ra
  • 2 mặt dưới bên nằm trên hoành chậu
  • Mặt sau dưới còn được gọi là đáy bàng quang, có hình dạng phẳng, đôi khi lồi ra

Bàng quang ở trẻ em phần lớn nằm trong ổ bụng, có hình dạng giống quả lê, phần cuống là ống niệu rốn. Khi trẻ lớn dần, bàng quang từ từ tụt xuống vùng chậu, ống niệu rốn thu nhỏ dần và bít hẳn lại.

2. Cấu tạo của Bàng quang

Cấu tạo của Bàng quang
Cấu tạo của Bàng quang

Cấu tạo bàng quang bao gồm 4 lớp được sắp xếp từ trong ra ngoài bao gồm:

  • Lớp niêm mạc
  • Lớp hạ niêm mạc hay còn gọi là lớp dưới niêm mạc: Lớp hạ niêm mạc khá lỏng lẻo, có thể khiến lớp cơ và lớp hạ niêm mạc trượt lên nhau
  • Lớp cơ: gồm 3 lớp là lớp cơ vòng ở trong, lớp cơ dọc ở ngoài và ở giữa là lớp cơ chéo
  • Lớp thanh mạc

Lòng bàng quang được một lớp niêm mạc che phủ. Bàng quang nối thông với bể thận bằng 2 niệu quản. Hai lỗ niệu quản kết hợp với cổ bàng quang tạo thành hình tam giác, được gọi là tam giác bàng quang. Gờ liên niệu đạo là đường gờ cao nối 2 lỗ niệu quản. Phía dưới, bàng quang được mở ra ngoài bằng niệu đạo.

Thông thường, ở người trưởng thành, bàng quang có thể chứa khoảng 300 – 500ml nước tiểu. Một vài trường hợp bệnh lý có thể khiến dung tích bàng quang thay đổi, tăng lên hàng lít hoặc giảm xuống chỉ còn khoảng vài chục ml.

3. Chức năng của Bàng quang

Chức năng bàng quang là nơi chứa nước tiểu do thận bài tiết ra và đào thải nước tiểu ra ngoài thông qua đường niệu đạo.

Bàng quang còn có vai trò dự trữ nước tiểu cho cơ thể. Khi 3 lớp cơ của bàng quang hoạt động, nước tiểu sẽ được đẩy ra ngoài theo từng đợt.

  • Lớp cơ trơn bàng quang nhận sự chi phối thần kinh phó giao cảm từ tủy, là cơ tống nước tiểu
  • Cơ vòng trong ở cổ bàng quang và lỗ niệu đạo trong nhận sự chi phối thần kinh giao cảm, có vai trò kiểm soát quá trình đi tiểu. Ở nam giới, cơ vòng trong có có chức năng ngăn chặn tinh dịch không bị trào ngược khi xuất tinh.
  • Cơ vân ở vòng ngoài có thể điều khiển theo ý muốn của bản thân

Chức năng tiểu tiện của bàng quang được kiểm soát và điều khiển bởi một cơ chế thần kinh phức tạp của hệ phó giao cảm tủy cùng, các sợi giao cảm tủy ngực và một phần của thân não, tủy sống. Khi bàng quang chứa căng đầy nước tiểu, các dây thần kinh sẽ gửi tín hiệu về não thông qua các dây liên lạc của tủy sống. Khi nhận được tín hiệu, não sẽ gửi tín hiệu phản hồi xuống bàng quang khiến cho thành bàng quang co lại và cơ thắt, van ở gần đầu niệu đạo thả lỏng và dần mở ra để nước tiểu chảy xuống, thoát ra ngoài cơ thể.

4. Các bệnh thường gặp

Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang
  • Ung thư bàng quang
  • Sỏi bàng quang

5. Những vấn đề cần lưu ý

Để bảo vệ sức khỏe bàng quang, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý về bàng quang, đặc biệt là ung thư, cần lưu ý:

  • Uống đủ nước mỗi ngày: mỗi ngày nên uống từ 2 – 2,5 lít nước để làm sạch vi khuẩn trong đường tiết niệu. Không uống quá nhiều nước hoặc quá ít nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của bàng quang
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, ngăn ngừa các bệnh viêm nhiễm, không cho vi khuẩn có cơ hội tấn công bàng quang
  • Không nhịn tiểu: nhịn tiểu rất có hại cho bàng quang, khiến các cơ bàng quang yếu đi, ảnh hưởng xấu đến thận
  • Kiểm soát cân nặng: bàng quang chịu áp lực của trọng lượng cơ thể. Việc không kiểm soát được cân nặng có thể khiến áp lực lên bàng quang tăng
  • Không hút thuốc lá: hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư bàng quang
  • Hạn chế các thực phẩm gây kích thích bàng quang như: đồ ăn cay nóng, đồ ăn chứa nhiều axit, socola…

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *