Chân răng có gì đặc biệt?

1. Vị trí của Chân răng

Răng gồm có hai phần là thân răng và chân răng, được phân cách nhau bởi cổ răng giải phẫu (còn gọi là đường men-ximăng). Thân răng là phần thấy được ở trên cổ răng giải phẫu. Chân răng thường dài hơn thân răng, bằng mắt thường không thể thấy được do chân răng cắm sâu vào xương ổ răng của răng hàm. Chân răng được che phủ trên cùng bởi lợi bám ở cổ răng và tận cùng bằng chóp chân răng.

Mỗi răng có bao nhiêu chân răng? Số lượng chân răng tùy thuộc vào loại răng và vị trí của răng trên hàm.

Đối với răng vĩnh viễn

  • Các răng có một chân gồm: các răng cửa, răng nanh, răng hàm nhỏ hàm dưới, răng hàm nhỏ thứ hai hàm trên.
  • Các răng có hai chân gồm: răng hàm nhỏ thứ nhất hàm trên (gồm một chân ngoài và một chân trong), răng hàm lớn thứ nhất và thứ hai hàm dưới (gồm một chân xa và một chân gần).
  • Các răng có ba chân gồm: răng hàm lớn thứ nhất và thứ hai hàm trên (gồm hai chân ngoài và một chân trong).
  • Răng có số thân bất thường: răng khôn

Đối với răng sữa

  • Các răng có một chân gồm: các răng sữa, răng nanh
  • Các răng có hai chân gồm: các răng hàm dưới (gồm một chân xa và một chân gần).
  • Các răng có ba chân gồm: các răng hàm trên (gồm hai chân ngoài và một chân trong).

Chân răng sữa không chắc bằng răng vĩnh viễn do chân răng sữa mảnh và dài hơn, chân răng sữa tách nhau ở gần cổ răng hơn và về phía chóp thì càng tách xa. Do đó, chân răng sữa dễ lung lay, dễ bị gãy khi nhổ răng.

2. Cấu tạo của Chân răng

Cấu tạo chân răng gồm 3 bộ phận:

Cấu tạo của Chân răng

Xi- măng gốc răng: khác với thân răng được bao phủ bởi men răng, lớp ngoài cùng của thân răng là xi-măng gốc răng. Xi-măng gốc răng là một lớp xương do mô liên kết tạo ra bao bọc mặt ngoài gốc răng có nguồn gốc trung bì, là chỗ bám cho các dây chằng nha chu nối răng vào xương ổ. Xi măng gốc răng gồm 2 loại: xi-măng gốc răng không có tế bào có ở cổ răng và ½ chân răng phía cổ răng, xi-măng gốc răng có tế bào có ở vùng quanh chóp gốc, ½ chân răng phía chóp răng và nơi chia 2, chia 3 của răng nhiều chân.

Ngà răng là lớp bên trong xi-măng gốc răng. Ngà ở vùng chân răng cứng hơn ngà ở chân răng. Ngà răng có các mạch máu, dây thần kinh chạy qua nên nhạy cảm với các yếu tố tác động như thức ăn nóng, lạnh,… Nếu ngà răng không được bảo vệ, bị lộ ra ngoài thì sẽ bị hỏng rất nhanh.

Cấu tạo của Chân răng

Tủy răng: phần tủy răng nằm ở thân răng gọi là buồng tủy, phần nằm dưới chân răng gọi là ống tủy. Tủy răng chứa các dây thần kinh và mạch máu để nuôi răng. Khi sâu răng tiến vào buồng tủy sẽ gây nhiễm trùng tủy, viêm tủy gây những cơn đau dữ dội. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng sẽ lan xuống gây áp xe răng, viêm mô tế bào, viêm khớp răng.

3. Chức năng của Chân răng

  • Chân răng được bao quanh bởi các dây chằng nha chu, nối chân răng vào xương ổ răng ở xương hàm, giúp răng được giữ cố định, đứng vững trên cung hàm.
  • Tận cùng chân răng có chóp chân răng (apex) là nơi mà chùm mạch máu và thần kinh đi vào để đến tủy răng, giúp cung cấp dinh dưỡng nuôi răng.

4. Các bệnh thường gặp

  • Nha chu
  • Sâu răng

5. Những điều cần lưu ý

Để có một hàm răng khỏe cần phải có các chân răng khỏe mạnh:

  • Để bảo vệ sức khỏe răng miệng nói chung và chân răng nói riêng, cần phải chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách, đánh răng hàng ngày, mỗi lần đánh răng nên kéo dài từ 2-3 phút, nên chà kĩ trên từng bề mặt nên loại trừ nhiều nhất các mảng bám.
  • Dùng chỉ nha khoa để loại trừ mảng bám ở các kẽ răng mà bàn chải không tác động tới được. 
  • hực hiện chế độ ăn hạn chế đường, tinh bột, đặc biệt với trẻ nhỏ để giảm nguy cơ sâu răng.
  • Không nên ăn thức ăn quá cứng để tránh tác động các lực mạnh lên răng. Không thay đổi nhiệt độ đột ngột lên răng, như vừa ăn thức ăn nóng, chuyển qua ăn thức ăn lạnh.
  • Khi có các triệu chứng bệnh lý về răng miệng, nên đến các cơ sở nha khoa uy tín để khám và điều trị kịp thời.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *