Cơ dựng sống

1. Vị trí của Cơ dựng sống có chức năng gì?

Cơ dựng sống nằm ở mặt sau thân – vùng lưng, chạy dọc từ xương chẩm tới xương cùng, song song với cột sống. 

Các cơ ở vùng lưng gồm có 

  • Lớp nông: cơ thang, cơ lưng rộng, cơ nâng vai, cơ trám, cơ răng sau trên, cơ răng sau dưới
  • Lớp giữa: cơ dựng sống
  • Lớp sâu: cơ ngang gai, cơ gian gai

Khối cơ dựng sống là nhóm cơ ở lớp cơ giữa vùng lưng, chạy dọc từ xương chẩm tới xương cùng nên được chia thành 3 đoạn: đoạn thắt lưng, đoạn ngực, đoạn cổ.

Trong đó cơ dựng sống bao gồm cơ dài, cơ chậu sườn và cơ gai.

  • Cơ dài: nằm ở phía ngoài, bao gồm: cơ dài ngực, cơ dài cổ, cơ dài đầu
  • Cơ chậu sườn: nằm ở giữa, bám từ 1/3 sau mào chậu đến các xương sườn. Gồm có cơ chậu sườn thắt lưng, cơ chậu sườn ngực, cơ chậu sườn cổ.
  • Cơ gai: nằm ở phía trong, gồm có:  cơ gai cổ, cơ gai ngực, cơ gai đầu

2. Chức năng của Cơ dựng sống.

Cơ dựng sống là nhóm cơ chạy dọc và song song với cột sống, vì vậy nó có chức năng rất quan trọng trong việc giúp cho cột sống chuyển động. 

Chức năng của Cơ dựng sống

Động tác chủ yếu của cơ dựng sống là duỗi và nghiêng cột sống. Vì thế việc co rút nhiều cơ dựng sống có thể dẫn tới tình trạng cong vẹo cột sống, có thể làm sai lệch đốt sống và tổn thương đến đĩa đệm. 

Khi cơ dựng sống duỗi phần đầu và cột sống giúp cho lưng gập lại. Khi cơ dựng sống co lại bên nào thì cột sống nghiêng bên đó. 

Cơ dựng sống vận động bởi thần kinh gai sống.

Do cơ dựng sống chạy dọc và song song với cột sống vì thế rất nhiều dây thần kinh đi qua. Trong đó có rễ thần kinh tủy đi ra từ lỗ ghép trong khoang cạnh sống. Có thể dựa vào vị trí giải phẫu cơ dựng sống để thực hiện kĩ thuật gây tê mặt phẳng khoang cơ dựng sống, có tác dụng ức chế dẫn truyền cảm giác vận động và giao cảm, làm giảm đau trong phẫu thuật. Từ đó người bệnh sẽ vượt qua ca phẫu thuật một các dễ dàng, không bị đau. Hơn thế nữa bệnh nhân có thể vận động sớm và rút ngắn thời gian nằm viện. 

Kỹ thuật gây tê mặt phẳng khoang cơ dựng sống là một kĩ thuật giảm đau, không cần sử dụng morphine, không gây biến chứng sau mổ, vì thế nó là xu hướng trong ngành gây mê hồi sức toàn thế giới đang hướng tới.

3. Những điều cần lưu ý

Cơ dựng sống gắn vào các đốt sống nên khi nhóm cơ này gặp vấn đề, chúng có thể gây sai lệch đốt sống và làm tổn thương đến đĩa đệm. 

Các cơn đau do cơ dựng sống thường cảm nhận được ngay tại cột sống. Cơ bắp cảm thấy cứng và mất đi độ đàn hồi vốn có, gây cứng khớp và giảm chức năng vận động, cảm giác như toàn bộ lưng bị co thắt.

Khi cơ dựng sống bị co rút nhiều có thể dẫn đến tình trạng vẹo cột sống hoặc làm giảm đường cong sinh lý ban đầu của cột sống. Do nhóm cơ dựng sống nằm sát ngay cột sống và có nhiều dây thần kinh đi qua nên các điểm kích hoạt trigger point ở trong nhóm cơ này có thể gây ra các cơn đau ở vùng ngực, vùng bụng và có thể nhầm lẫn với các bệnh như đau thắt ngực, sỏi thận, viêm ruột thừa, và các vấn đề về phổi.

Để cơ dựng sống không bị co rút nhiều tránh tình trạng cong vẹo cột sống và mất đường cong sinh lý cần thay đổi tư thế liên tục khi làm việc. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ khi ngồi học cần ngồi đúng tư thế, đứng dậy tập thể dục sau mỗi 45 phút. 

Tránh cúi gập người xuống để bê những vật nặng, thay vào đó ta phải ngồi xuống, co vật vào người sau đó nâng vật lên bằng cách đứng dậy từ tư thế ngồi xổm ban đầu.

Tập thể dục thường xuyên giúp cơ bắp săn chắc, dẻo dai và giúp cho cơ thể thêm khỏe mạnh.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *