Cột sống người cấu tạo thế nào?

1. Vị trí của Cột sống

Cột sống người hay còn gọi là xương cột sống người, là cột trụ chính của thân người đi từ mặt dưới xương chẩm đến đỉnh xương cụt. Cột sống người gồm 33-35 đốt sống chồng lên nhau.

2. Cấu tạo của Cột sống

2.1 Cột sống người có dạng gì?

Cột sống con người được chia làm 4 đoạn, mỗi đoạn có một chiều cong và cấu tạo riêng thích hợp với chức năng của đoạn đó. Từ trên xuống dưới:

  • Đoạn cổ gồm 7 đốt, cong lồi ra phía trước
  • Đoạn ngực có 12 đốt cong lồi ra sau
  • Đoạn thắt lưng có 5 đốt, cong lồi ra trước
  • Đoàn cùng có 5 đốt dính liền với nhau tạo thành xương cùng, cong lồi ra sau
  • Đoạn cụt gồm 4-6 đốt sống cuối cùng dính với nhau tạo thành xương cụt.

Chiều dài của toàn bộ cột sống khoảng bằng 40% chiều cao cơ thể.

Vị trí của Cột sống

2.2 Đặc điểm chung của các đốt sống

Mỗi đốt sống gồm có 3 phần là: thân đốt sống và cung đốt sống quây quanh lỗ đốt sống.

  • Thân đốt sống (corpus vertebrae) : có hình trụ dẹt, mặt trên và mặt dưới đều hơi lõm để tiếp khớp với đốt sống kế cận qua đĩa gian đốt sống.
  • Cung đốt sống (arcus vertebrae): ở phía sau thân đốt sống, cùng với thân đốt sống giới hạn nên lỗ đốt sống.
  • Lỗ đốt sống (foramen vertebrae): nằm giữa thân đốt sống và cung đốt sống. Các đốt sống chồng lên nhau tạo thành cột sống thì các lỗ này tạo thành ống sống, chứa tủy sống.

Cung đốt sống gồm:

  • Mảnh cung đốt sống (lamina arcus vertebrae) rộng và dẹt
  • 2 cuống cung đốt sống (pediculus arcus vertebrae) ở trước mảnh, dính với thân . Cuống có hai bở trên và dưới đều lõm gọi là các khuyết sống trên và dưới. Khuyết sống dưới của đốt sống trên cùng khuyết sống trên của đốt sống dưới liền kề tạo nên lỗ gian đốt sống, là nơi mà các dây thần kinh sống và các mạch máu đi qua.

Các mỏm tách ra từ cung đốt sống là:

  • 1 mỏm gai (từ giữa mặt sau của mảnh cung đốt sống chạy ra sau và xuống dưới, sờ thấy được ở dưới da lưng);
  • 2 mỏm ngang (từ chỗ nối giữa cuống và mảnh chạy ngang ra hai bên);
  • 4 mỏm khớp (tách ra từ khoảng chỗ nối giữa cuống và mảnh).

2.3 Đặc điểm riêng của đốt sống ở từng đoạn

Cấu tạo của Cột sống
  • Các đốt sống cổ (vertebrae cervicales): có đặc điểm chung là mỏm ngang dính vào thân và cuống cung đốt sống bằng 2 rễ, giới hạn nên lỗ ngang (foramen tranversarium) nơi có các mạch đốt sống đi qua. Đốt sống cổ VII (vertebra prominens) có mỏm gai dài nhất trong số các mỏm gai đốt cổ.
  • Các đốt sống ngực (vertebrae thoraciacae) có đặc điểm chung là có hõm sườn mỏm ngang (fovea costalis processus transversi) trên mỏm ngang để tiếp khớp với củ sườn và các hõm sườn trên và dưới trên thân đốt để tiếp khớp với chỏm sườn.
  • Các đốt sống thắt lưng (vertebrae lumbales) có đặc điểm là không có lỗ ngang như đốt sống cổ, không có các hõm sườn trên mỏm ngang và thân như đốt sống ngực.
  • Xương cùng: do các đốt sống cùng dính chặt với nhau tạo thành. Xương cùng tiếp khớp ở trên với đốt sống thắt lưng V, ở dưới tiếp với xương cụt và hai bên tiếp với xương chậu. Xương cùng có hình tháp có hai mặt là mặt trước và mặt sau, hai phần bên, nền ở trên, đỉnh ở dưới. Đỉnh xương cùng tiếp với xương cụt.
  • Xương cụt do 4-6 đốt sống cụt dính liền nhau tạo nên.

3. Chức năng của Cột sống

  • Cột sống người giúp chống đỡ trọng lực cơ thể và kết nối các xương khác lại với nhau, giúp cho sự vận động của con người trở nên đa dạng, linh hoạt.
  • Cột sống người giúp bảo vệ tủy sống , một bộ phận của hệ thần kinh trung ương, chi phối mọi hoạt động của cơ thể.
  • Cột sống có hình dạng gần giống chữ S dó có hai đoạn ưỡn ở cổ và thắt lưng và một đoạn gù ở ngực. Nhờ hình dáng này cùng với hoạt động của các đĩa đệm giúp phân tán lực tác động lên cơ thể.
  • Cột sống cùng với các xương sườn và xương chậu tạo thành khung xương để các cơ bám và bảo vệ các nội tạng trong lồng ngực và ổ bụng.
Tình trạng cột sống

4. Các bệnh thường gặp

  • Thoát vị đĩa đệm
  • Lao cột sống
  • Thoái hóa cột sống thắt lưng
  • Gai cột sống
  • Vẹo cột sống
  • Thoái hóa cột sống cổ

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *