Mũi cấu tạo thế nào? Vì sao mũi ngửi được mùi?

1. Vị trí của Mũi

Mũi là phần đầu tiên của bộ phận hô hấp, nhô ra nằm giữa khuôn mặt, có 2 lỗ mũi ngăn cách nhau bởi vách mũi cho không khí đi vào và ra qua hệ vỏ bọc, thông với miệng. Sau mũi là cơ quan khứu giác và xoang, không khí sẽ qua hầu sau hốc mũi, một phần đi qua hệ tiêu hóa, và sau đó vào phần còn lại của hệ hô hấp. Mũi có nhiệm vụ dẫn khí, sưởi ấm, làm sạch luồng không khí đi qua mũi, dùng để ngửi và tham gia vào việc phát âm, cộng hưởng âm thanh.

2. Cấu tạo của Mũi

Cấu tạo của mũi:

Mũi ngoài: Phía trên mũi ngoài được gắn vào phần dưới trán bởi gốc mũi. Từ gốc mũi đến đỉnh mũi là một gờ tròn gọi là sống mũi. Phía dưới đỉnh mũi ở 2 bên là 2 lỗ mũi trước ngăn cách nhau bởi vách mũi. Thành ngoài 2 lỗ mũi là 2 cánh mũi. Cánh mũi giới hạn với má một rãnh gọi là rãnh mũi má. Cấu tạo của mũi ngoài:

  • Khung xương mũi ngoài: là một vành xương hình quả lê, gồm có 2 xương mũi và phần mũi của xương trán, mỏm trán và khuyết mũi của xương hàm trên.
  • Các sụn mũi: gồm sụn cánh mũi lớn, sụn cánh mũi nhỏ, các sụn mũi phụ, sụn mũi bên, sụn vách mũi và sụn lá mía mũi.
  • Các cơ của mũi ngoài là các cơ bám da làm nở mũi hay hẹp mũi.
  • Da mũi: mỏng, dễ di động, trừ ở đỉnh mũi và ở các sụn mũi thì dày, dính, có nhiều tuyến bã. Da mũi ngoài liên tục với da ở tiền đình mũi trong.
  • Mạch máu, thần kinh của mũi ngoài: Các nhánh cánh mũi và vách mũi của động mạch mặt cấp máu cho cánh mũi và phần dưới của vách mũi. Nhánh lưng mũi của động mạch mắt và nhánh dưới ổ mắt của động mạch hàm trên cấp máu cho phần ngoài và sống mũi. Máu từ mũi ngoài đổ vào tĩnh mạch mặt và tĩnh mạch mắt. Vận động các cơ mũi là các nhánh của thần kinh mặt. Cảm giác do nhánh trán, nhánh mũi mi của thần kinh mắt và nhánh dưới ổ mắt của thần kinh hàm trên. Tất cả đều thuộc thần kinh sinh ba.

Mũi trong (ổ mũi): Ổ mũi đi từ lỗ mũi trước tới lỗ mũi sau, ở phía trên liên quan với xương trán, xương sàng và xoang bướm. Ở dưới ngăn cách với vòm ổ miệng bởi vòm khẩu cái cứng. Phía sau thông với hầu qua lỗ mũi sau. Phía dưới có các xoắn mũi giới hạn các ngách mũi, thông với các xoang xương lân cận. Ổ mũi được lót bởi niêm mạc có cấu tạo đặc biệt chia làm 2 vùng là vùng thở và vùng ngửi. Niêm mạc cũng phủ liên tiếp với các xoang xương đổ vào các ngách mũi có tác dụng phát âm. Ổ mũi được chia làm 2 ngăn bởi một vách giữa gọi là vách mũi, mỗi ngăn ổ mũi có 2 lỗ và 4 thành:

  • Lỗ mũi trước: Mở vào tiền đình mũi, là phần đầu tiên của ổ mũi, tương ứng với các sụn cánh mũi của mũi ngoài, giới hạn với phần mũi còn lại bởi một đường gờ ở thành ngoài, gọi là thềm mũi, tương ứng với bờ trên của sụn cánh mũi lớn. Lót ở bên trong tiền đình mũi là da, có nhiều lông mũi và tuyến nhầy để ngăn bụi.
  • Lỗ mũi sau: Thông với hầu, gồm 2 lỗ hình bầu dục mà trục đứng đo  khoảng 2-5cm, đường kính ngang khoảng 1,25cm. Lỗ mũi sau được giới hạn ở trong là bờ sau vách mũi, ở dưới là giới hạn đường khẩu cái cứng và khẩu cái mềm, ở ngoài là mảnh trong chân bướm, ở trên là thân xương bướm.
  • Các thành hố mũi: thành trên (vòm mũi), thành dưới (nền mũi), thành ngoài, Thành trong (vách mũi), niêm mạc mũi.

Các xoang mũi là các hốc rỗng bên trong một số xương ở mặt và sọ tạo thành, cấu trúc của mũi gồm các xoang thông với hố mũi và có 4 loại xoang chính:

  • Xoang hàm trên là một hốc xẻ trong xương hàm trên là một xoang lớn nhất, có hình tháp giống như xương gồm mặt trước giáp má, mặt trên giáp với nền ổ mắt; mặt sau liên quan với hố chân bướm khẩu cái, đỉnh liên quan với gò má, nền hay mặt trong liên quan với mũi và có lỗ thông đổ vào ngách mũi giữa; ở bờ dưới của xoang còn liên quan với răng hàm bé thứ hai và chân răng hàm lớn thứ nhất nên khi bị sâu răng có thể gây ra viêm xoang.
  • Xoang trán có 2 xoang trán tương ứng của phần đứng xương trán. Mặt trước của xoang có da che phủ, mặt sau mỏng liên quan với não, màng não, mặt trong là một vách xương mỏng ngăn cách 2 xoang ở hai bên, mặt dưới liên quan với trần ổ mắt và xoang sàng. Lỗ thông của xoang trán đổ vào ngách mũi giữa.
  • Xoang sàng: Có từ 8-10 xoang nhỏ nằm hoàn toàn ở khối bên xương sàng. Ngoài ra còn có các nửa xoang hợp với nửa xoang của xương trán tạo thành xoang nguyên.
  • Các xoang sàng chia làm 3 gồm các xoang sàng trước quây xung quanh phễu của xoang trán cùng đổ vào ngách mũi giữa. Các xoang sàng giữa cũng đổ vào ngách mũi giữa. Các xoang sàng sau liên quan mật thiết với xoang bướm và đổ vào ngách mũi trên.
  • Xoang bướm là một hốc xẻ trong thân xương bướm, có liên quan như các mặt của thân xương, lỗ thông của xoang ở phía trước đổ vào ngách mũi trên cùng với xoang sàng sau.

3. Chức năng của Mũi

Chức năng hô hấp: Thông thường không khí hít vào hoặc thở ra phải đi qua mũi. Tức là luồng không khí hít vào, đi dọc theo cuốn dưới và ngách giữa đến vòm họng hình thành một đường cong lõm về phía dưới. Chỉ có một phần rất ít của không khí là vào khu khứu giác để tác động vào tế bào khứu giác. Không khí khi vào mũi sẽ được làm ấm, tăng độ ẩm và khử trùng. Sở dĩ niêm mạc mũi làm được ba việc này là vì nó có nhiều mạch máu và các tế bào của nó luôn tiết ra chất nhầy. Sau khi bụi bặm và vi trùng bị chất nhầy cản lại thì các lông chuyển sẽ đẩy những dị vật đó về phía tiền đình thành những cục mà ta quen gọi là rỉ mũi. Vì vậy, phần trước của hố mũi có nhiều vi trùng còn phần sau hầu như không có. Ngoài ra những dây thần kinh giao cảm và tam thoa ở mũi còn có khả năng điều chỉnh biên độ của các cơ hô hấp ở lồng ngực làm cho hít sâu hoặc hít nông tùy theo mũi thông hay ngạt.

Chức năng khứu giác: Các tế bào khứu giác có nhiệm vụ thu nhận những kích thích mùi, và chuyển những kích thích đó về hành khứu. Ở hành khứu có những tế bào trung gian chuyển những xung động qua củ khứu rồi về các trung tâm khứu giác ở vỏ não. Các trung tâm này có nhiệm vụ phân tích mùi. Khứu giác là giác quan đầy tính chất bản năng, có tính chất gợi nhớ lâu dài, mà người ta gọi là quen hơi. Mũi còn giúp loại bỏ các mầm bệnh xâm nhập cơ thể qua hệ hô hấp. Nếu bạn ngạt mũi và phải thở bằng miệng, không khí đi vào sẽ không được làm sạch.

Chức năng phát âm: Hố mũi phát ra những giọng mũi và tiếp thu những rung động của không khí trong khi phát âm và biến nó thành những kích thích chủ trì sự phối hợp các cơ họng và thanh quản, đóng vai trò quan trọng trong phát âm.

4. Các bệnh thường gặp

  • Viêm xoang
  • Polyp mũi

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *