Nước tiểu: Những điều cần biết

1. Nước tiểu là gì?

Nước tiểu là một chất lỏng vô trùng do thận tiết ra và thải ra khỏi cơ thể qua đường niệu đạo. Quá trình trao đổi chất của các tế bào tạo ra nhiều sản phẩm, có một số thì giàu nitơ như urê hay axit uric và creatinin cần phải loại bỏ khỏi máu và cuối cùng bị tống ra khỏi cơ thể qua một quá trình gọi là tiểu tiện. Các chất hóa học này có thể được nhận dạng và được phân tích bằng phương pháp xét nghiệm phân tích nước tiểu.

Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt hoặc đậm nhất là màu hổ phách. Màu sắc của nước tiểu phụ thuộc vào lượng nước tiểu và thời gian đi tiểu. Nếu uống ít nước, lâu đi tiểu thì nước tiểu sẽ có màu sẫm hơn. Ví dụ nước tiểu vào buổi sáng sau khi ngủ dậy sẽ đậm màu hơn nước tiểu bài tiết trong ngày. Một số bệnh lý có khả năng làm thay đổi màu sắc của nước tiểu như người bị đái tháo đường hay các bệnh về gan mật sẽ khiến nước tiểu có màu trắng đục…

Nước tiểu bình thường sẽ trong suốt. Để lắng đọng một thời gian sẽ xuất hiện một lớp vẩn đục lơ lửng ở giữa hoặc đọng lại ở đáy bình đựng nước tiểu. Việc nước tiểu có lắng cặn xuống bề mặt bình đựng là hoàn toàn bình thường. Đó là các cặn phosphat, urat natri hay axit uric có trong nước tiểu.

Nước tiểu bình thường có mùi khai nhẹ, để lâu trong không khí mùi khai sẽ đậm đặc dần lên do ure trong nước tiểu chuyển hóa thành amoniac. Với một số bệnh lý nhất định, nước tiểu của người bệnh có chứa những chất tạo mùi khác biệt như mùi hôi, mùi aceton. Cần quan sát và theo dõi nước tiểu hàng ngày. Nếu thấy nước tiểu có màu và mùi khác lạ, vẩn đục, xuất hiện bọt khí, đặc sánh hơn bình thường nghĩa là cơ thể đã có những dấu hiệu bất thường, cần đi xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt.

2. Công dụng của Nước tiểu

Nước tiểu hình thành từ đâu? Nước tiểu hình thành thế nào?

  • Trong điều kiện bình thường, nếu uống nước nhiều thì đi tiểu nhiều, uống ít đi tiểu ít. Mới nghe qua, tưởng như nước vào cơ thể sẽ biến thành nước tiểu một cách rất đơn giản. Thực ra, nó phải trải qua các quá trình biến đổi trung gian rất phức tạp ở thận.
  • Hai quả thận nằm hai bên cột sống ở sau thắt lưng, mỗi bên một quả to bằng nắm đấm, hình dạng giống với hạt đậu tằm. Kết cấu của quả thận gồm bộ phận sinh nước tiểu (nhu mô thận) và bộ phận bài tiết nước tiểu (bể thận). Nhu mô thận gồm các tiểu cầu thận và các ống. Khi đi qua tiểu cầu thận, máu được lọc một lượt; các chất phế thải trong máu và phần nước thừa được đưa vào các ống nhỏ, đó chính là nước tiểu.
  • Nước tiểu được tập trung đến bể thận rồi theo niệu quản đi xuống bàng quang. Bộ phận này giống như một quả bóng đàn hồi, vai trò chủ yếu là lưu giữ nước tiểu. Khi lượng nước tiểu đạt đến mức nhất định, bàng quang phình ra. Các tín hiệu kích thích được các dây thần kinh truyền lên đại não. Đại não ra lệnh “thải nước tiểu”. 
  • Nước tiểu sẽ bị ép chảy thoát ra ngoài. Mỗi ngày, cầu thận người trưởng thành lọc 1440 lít máu và tạo ra khoảng 170 lít tiểu đầu. Nhờ quá trình hấp thu lại mà chỉ có khoảng 1,5 lít nước tiểu chính thức được tạo ra. Chỗ thông giữa bóng đái và ống đái có cơ vòng bịt chặt nằm bên ngoài là cơ vân hoạt động theo ý muốn. Khi nước tiểu tích ở bóng đái lên đến 200ml làm căng bóng đái và tăng áp suất thẩm thấu trong bóng đái gây ra cảm giác thèm đi tiểu, lúc này cơ vòng mở ra và nước tiểu được thải ra ngoài.

3. Hàm lượng

  • Thành phần của nước tiểu đầu gần giống với huyết tương gồm các chất như: đường glucose, acid amin, Na+, K+, HCO3-, Cl-… còn protein ít hơn huyết tương từ 300 đến 400 lần vì những protein kích thước lớn không thể qua được màng lọc. Nồng độ các chất hoà tan loãng hơn. Chứa ít các chất cặn bã và các chất độc hơn và chứa nhiều chất dinh dưỡng
  • Thành phần của nước tiểu chính thức là nước, các chất cặn bã (acid uric, creatinin, ure…), sản phẩm chuyển hóa của một số thuốc, các ion điện giải (K+, H+,…)… Nồng độ các chất hoà tan đậm đặc hơn. Chứa nhiều các chất cặn bã và các chất độc hơn , gần như không còn chứa chất dinh dưỡng
  • Nước tiểu bình thường ở người khỏe mạnh có tính axit nhẹ với độ pH nằm trong khoảng từ 4,8 – 8,5. Độ pH trung bình thường gặp là 5,8. Nếu độ pH = 4 nghĩa là nước tiểu đang có tính axit mạnh, pH = 9 nghĩa là nước tiểu có tính bazơ.
  • Độ axit của nước tiểu cao hay thấp là do mật độ các axit tự do có trong nước tiểu. Trong đó, thận có vai trò cân bằng lượng axit và bazơ.
  • Thể tích nước tiểu bình thường ở người trưởng thành là 1.000-1400 ml/24 giờ, tương đương khoảng 18 – 20 ml/kg trọng lượng cơ thể. Thể tích nước tiểu có thể thay đổi theo từng giai đoạn thậm chí là từng ngày, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, các bệnh lý, chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt, lượng mồ hôi, lượng nước uống..
  • Nước tiểu sẽ được thải ra mỗi lần từ 300 – 400 ml trên tổng khối lượng nước tiểu bài tiết trong 24 giờ, nếu tính trung bình mỗi lần đi tiểu xả ra khoảng 350 ml thì số lần đi tiểu trong ngày có thể là 4,3 lần. Tất nhiên, đó là số lượng tính trung bình theo công thức chung, còn trên thực tế, người lớn khỏe mạnh sẽ đi tiểu 3 – 6 lần trong ngày và từ 0 đến 1 lần vào ban đêm. Nếu như đi tiểu hơn 8 lần trong vòng 24 giờ, đi tiểu vào ban đêm nhiều hơn 2 lần, mỗi lần nước tiểu ít (ít hơn 200 ml), thì được xem là người thuộc nhóm mắc bệnh “đi tiểu thường xuyên”

4. Các vấn đề thường gặp

  • Són tiểu
  • Viêm đường tiết niệu
  • Tiểu đường tuýp 2
  • Sỏi thận
  • Suy thận cấp
  • Đạm niệu (Protein niệu)
  • Sỏi bàng quang
  • Thận ứ nước

5. Những vấn đề cần lưu ý

Sự đổi màu ở nước tiểu lại là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề nguy hiểm về sức khỏe.

  • Nước tiểu không màu, trong suốt có thể là do uống quá nhiều nước, nên giảm bớt lượng nước uống nếu thấy phiền toái vì phải đi tiểu quá nhiều lần, chỉ nên uống khoảng 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày, việc uống quá nhiều nước sẽ khiến thận phải hoạt động liên tục.
  • Nước tiểu màu rơm nhạt (vàng nhạt): Cơ thể hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh và được cung cấp đầy đủ nước.
  • Nước tiểu màu vàng trong suốt: Bình thường
  • Vàng sẫm: Bình thường, cần lưu ý bổ sung thêm nước.
  • Màu hổ phách hoặc mật ong: cơ thể đang không uống đủ nước, nên bổ sung nước ngay lập tức.
  • Xiro hoặc bia nâu: Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể bị mất nước hoặc có bệnh về gan. Lúc này, cần nên uống nhiều nước và đi khám bác sỹ nếu tình trạng này kéo dài.
  • Hồng hoặc đỏ: Ăn các loại rau quả màu đỏ như củ cải đường, việt quất, rau đại hoàng,… Nếu không, màu này có thể báo hiệu khá nhiều bệnh nghiêm trọng như nhiễm trùng đường tiểu, các bệnh về thận, khối u ác tính và bệnh tuyến tiền liệt.
  • Có máu trong nước tiểu: Đây là dấu hiệu cảnh báo thận đang có vấn đề, các khối u, bệnh về tuyến tiền liệt, nhiễm độc chì hoặc thủy ngân, nhiễm trùng đường tiết niệu, nên đi khám để tìm ra nguyên nhân.
  • Màu cam: Nước tiểu thường có màu này khi uống không đủ nước hay ăn cá và thực phẩm có phẩm màu. Bên cạnh đó, đây cũng là dấu hiệu của bệnh về gan và ống mật.
  • Xanh hoặc xanh dương: Nếu nước tiểu màu xanh, xanh dương thì có thể mắc bệnh di truyền hiếm gặp, ăn thức ăn có màu thực phẩm, tác dụng phụ của thuốc hay viêm đường tiết niệu do vi khuẩn.
  • Nước tiểu sủi bọt: nếu nó xảy ra thường xuyên, đó có thể là dấu hiệu của bệnh thận hoặc chế độ ăn dư thừa protein.
  • Những tác nhân bên ngoài: Một số loại thuốc nhuận tràng, thuốc hóa trị…sẽ làm nước tiểu sẫm màu hơn bình thường.

Khi nhận thấy có những dấu hiệu bất thường trong nước tiểu như: có máu trong nước tiểu, nước tiểu sủi bọt, nước tiểu màu xanh hoặc xanh dương,…  nên đến bệnh viện/phòng khám để được làm xét nghiệm nước tiểu.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *