Siêu âm đàn hồi mô

1. Tổng quan về Siêu âm đàn hồi mô

Tên khoa học: Siêu âm đàn hồi mô

Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Siêu âm đàn hồi mô là một kỹ thuật siêu âm đánh giá độ cứng của mô thông qua mức độ đàn hồi của mô khi chịu tác động của lực cơ học.

Các mô bệnh lý có thể có cùng độ phản hồi âm, nhưng chúng có độ cứng khác nhau, các mô càng ác tính thì độ cứng càng tăng. Vì vậy khi đánh giá được độ cứng của mô tổn thương sẽ cung cấp thêm thông tin về bản chất của mô đó. Những mô bệnh lý có cùng độ phản hồi âm thì trên hình ảnh siêu âm B mode khó phân biệt tính chất lành tính hay ác tính, siêu âm Doppler có thể hỗ trợ thêm cho nhận định, những khối u ác thường tăng sinh mạch máu nhiều, nhưng nhiều trường hợp sự tăng sinh mạch máu cũng không rõ ràng vì vậy vẫn khó nhận định tính chất lành tính hay ác tính. Siêu âm đàn hồi mô sẽ giúp bổ xung thêm thông tin về đặc tính của mô tổn thương để làm tăng khả năng chẩn đoán. Siêu âm đàn hồi mô luôn được làm cùng siêu âm B – mode, không bao giờ làm siêu âm đàn hồi mô đơn độc.

Kỹ thuật này dùng để chẩn đoán bệnh gì?

  • Viêm tuyến tiền liệt
  • Ung thư tiền liệt tuyến
  • Phì đại tiền liệt tuyến
  • Ung thư tuyến giáp

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Siêu âm đàn hồi mô tuyến giáp: Chẩn đoán các nốt tuyến giáp
  • Siêu âm đàn hồi mô tuyến vú: Chẩn đoán các khối U vú, ung thư vú
  • Siêu âm đàn hồi mô gan: Xác định mức độ xơ hóa gan trên các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao dẫn đến xơ gan hay ung thư gan như: Viêm gan virus B, Virus C, gan nhiễm mỡ do rượu, một số bệnh chuyển hóa ảnh hưởng đến gan
  • Một số chỉ định khác: Siêu âm đàn hồi mô lách, tụy, thận & tuyến tiền liệt.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật – Siêu âm đàn hồi mô

Ưu điểm:

  • Siêu âm đàn hồi mô được coi như một bước ngoặt trong ngành siêu âm. Cho phép đánh giá độ cứng của mô, nó tạo ra bước ngoặt thứ hai của chẩn đoán siêu âm, cho phép đánh giá tính chất của mô tổn thương.
  • Nâng độ đặc hiệu của chẩn đoán, giúp cho thu hẹp chỉ định sinh thiết mà không bỏ sót tổn thương.
  • Siêu âm đàn hồi gan giúp đánh giá xơ gan không xâm lấn, có độ chính xác cao, dễ thực hiện.
  • Siêu âm đàn hồi tuyến vú giúp chẩn đoán chính xác hơn, tránh bỏ sót K vú, giảm sinh thiết không cần thiết, chỉ điểm vị trí sinh thiết U tuyến vú giúp làm giảm sinh thiết và tránh bỏ sót tổn thương ác tính. giúp tăng độ chính xác trong chẩn đoán nhân giáp, u tuyến vú và một số cơ quan khác. Siêu âm đàn hồi nhân giáp giúp chẩn đoán chính xác hơn, tránh bỏ sót ung thư tuyến giáp; giảm sinh thiết không cần thiết và chỉ điểm chính xác vị trí sinh thiết nhân giáp.
  • Dễ thực hiện,ít phụ thuộc người làm.
  • Tiêu chuẩn tham khảo đáng tin cậy (AUROC = 0,731)  giúp cân nhắc thực hiện FNA và chọn vị trí tối ưu để lấy tế bào.

Nhược điểm:

  • Nhược điểm của phương pháp này là lực ấn đầu dò khó xác định nên giữa lần này và lần khác ở cùng một người, giữa người này và người khác lực tác động sẽ khác nhau làm kết quả không thống nhất.

4. Quy trình thực hiện

Các bước tiến hành được thực hiện như sau:

Bệnh nhân nằm ngửa hơi nghiêng sang trái, tay phải đặt sau đầu, hít thở nhẹ nhàng; bác sĩ ngồi bên phải người bệnh, hướng mặt về người bệnh nhân và màn hình thiết bị, tay phải cầm đầu dò máy FibroScan. Kỹ thuật thực hiện trong khoảng 10 phút với ít nhất 10 lần đo hợp lệ.

Phương pháp siêu âm đàn hồi bằng cách tác động một lực từ bên ngoài lên tổn thương để gây ra biến dạng tổn thương như trên được gọi là tạo hình đàn hồi bán tĩnh hay còn gọi là đàn hồi gây biến hình.

Khi thực hiện kỹ thuật, người làm siêu âm ấn đầu dò bằng một lực nhất định để tác động lên mô tổn thương..

Phát một chùm sóng siêu âm tần số 50Hz vào mô tổn thương, sóng siêu âm là sóng dọc nó sẽ tác động vào mô tổn thương một lực cơ học xác định làm mô tổn thương bị biến dạng nén theo chiều dọc và dãn theo chiều ngang. Những rung động giãn theo chiều ngang sẽ tạo ra sóng rung động ngang. Tùy theo độ cứng của mô mà tốc độ của sóng rung động ngang khác nhau, mô càng cứng thì tốc độ sóng rung động ngang càng tăng.

Đầu dò siêu âm sẽ thu nhận sóng này và mã hóa ra bằng màu sắc để tạo ra bản đồ đàn hồi mô, từ đó giúp ta lượng hóa được độ cứng của mô, đơn vị là m/s hoặc kPa.

Phương trình sóng biến dạng ngang:

E (Young’s Modulus, Pa) = 3ρc2

ρ: Mật độ mô (gan = 1000mg/m3)

c: Vận tốc sóng biến dạng (m/s).

Khi thực hiện kỹ thuật, người làm siêu âm sẽ bấm vào nút phát siêu âm 10 lần, máy sẽ thu lại sóng rung động ngang của 10 lần đó và tính ra giá trị trung bình.

Để đánh giá mức độ lành tính và ác tính của một tổn thương người ta căn cứ vào ba thông số:

  • Độ cứng tương đối của tổn thương (Elasticity score – ES). Độ cứng được xác định bằng màu sắc tương ứng với thang màu quy ước, thường được chia ra làm 4 hoặc 5 score. Score 1 là mềm, score 2 và 3 là trung gian, score 4 là cứng.
  • Tỉ lệ diện tích của vùng tổn thương trên elastogram so với hình siêu âm B-mode (Area ratio – AR). Nếu khối tổn thương xâm lấn ra xung quanh thì sẽ làm vùng xung quanh tổn thương cứng mà siêu âm B-mode không phân biệt được, do đó diện tích tổn thương trên elastogram sẽ lớn hơn diện tích tổn thương trên B-mode.
  • Chỉ số nén: Tỉ lệ độ cứng của mô tổn thương so với mô lành lân cận (Strain ratio – SR).

Phân loại elastogram score (ES) về độ cứng của mô tổn thương theo Flob và cộng sự: số thứ tự từ score 1 đến score 5 từ trên xuống dưới.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *