1. Tổng quan về Test thở C14O2 tìm H.Pylori
Tên khoa học: Test thở C14O2 tìm H.Pylori
Tên thường gọi: Xét nghiệm Urea qua hơi thở
Mô tả sơ bộ kỹ thuật:
Test thở C14O2 (Xét nghiệm Urea qua hơi thở) là một test đơn giản cho phép xử trí hơi thở của người bệnh để phát hiện tình trạng nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Nó được xem như là “tiêu chuẩn vàng” cho chẩn đoán nhiễm khuẩn HP trong phòng thí nghiệm. Người bệnh được cho uống một lượng nhỏ ure có gắn 14C. Enzym urease của Helicobacter Pylori (nếu có) sẽ nhanh chóng phân hủy ure 14C thành ammoniac và dioxyt carbon phóng xạ 14CO2. Dioxyt carbon có hoạt tính phóng xạ này sẽ nhanh chóng chuyển vào máu và đi tới phổi, chúng sẽ được phát hiện qua khí thở ra.
Kỹ thuật này dùng để chẩn đoán bệnh gì?
- Ung thư dạ dày
- Viêm loét dạ dày
- Loét dạ dày tá tràng
2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định:
- Theo dõi và đánh giá kết quả sau điều trị diệt HP.
- Chẩn đoán nhiễm HP, đặc biệt trẻ em và người cao tuổi không có chỉ định nội soi dạ dày.
- Kiểm tra vi khuẩn H.Pylori sau đợt điều trị với kháng sinh.
- Phương pháp này cũng thích hợp đối với trẻ em có các triệu chứng về tiêu hóa (đau thượng vị, ăn không tiêu, tiêu chảy, táo bón, …) nhằm giúp giảm tránh cho trẻ việc nội soi. Những người trong gia đình có người nhiễm H.Pylori cũng nên sử dụng phương pháp này để tầm soát H.Pylori.
Chống chỉ định:
Không có chống chỉ định tuyệt đối cho người bệnh làm test thở tìm HP.
3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật – Tổng quan về Test thở C14O2 tìm H.Pylori
Ưu điểm:
- Độ nhạy và độ đặc hiệu của Test thở C14O2 tìm H.Pylori tương đương với nội soi làm CLO test (tiêu chuẩn vàng).
- Đây là xét nghiệm phát hiện vi khuẩn HP không xâm lấn nhưng có độ chính xác cao hơn nhiều so với xét nghiệm máu.
- Chưa thấy có tác dụng khó chịu nào khi sử dụng PY test. Người bệnh không cần phải chịu đựng nỗi khó chịu khi nội soi, cũng không cần phải rúm người trước cây kim chích trong phương pháp xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán Helicobacter Pylori. Bạn chỉ cần … thở và ngồi chờ máy móc truy tìm H.Pylori.
Nhược điểm:
- Đồng vị carbon 14C là một đồng vị phóng xạ do vậy không được sử dụng cho phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ hay trẻ em
4. Quy trình thực hiện
Bước 1: Người bệnh thở vào túi đựng mẫu thứ 1 trước khi uống viên thuốc có chứa ure gắn đồng vị phóng xạ 14C.
Chú ý khi lấy mẫu hơi thở:
- Ngậm túi lấy mẫu hơi thở vào miệng, hít vào bằng mũi và giữ hơi thở trong vòng 5 – 10 giây.
- Thở từ từ vào túi lấy mẫu.
- Khi thở vào túi, chú ý hơi thở phải ra từ phổi.
Bước 2: uống ngay (trong vòng 5 giây) 1 viên thuốc có chứa ure gắn đồng vị phóng xạ 14C khi bụng đói với 100 ml nước. Không nhai, làm nát hoặc hòa tan viên thuốc.
Bước 3: sau khi uống viên thuốc nằm nghiêng trái 5 phút.
Bước 4: Ngồi yên trong 15 phút.
Bước 5: 20 phút sau khi uống viên thuốc, thở lần nữa vào túi đựng mẫu hơi thở thứ 2. Hai túi mẫu hơi thở trước và sau khi uống thuốc sẽ được mang đi phân tích bằng máy quang phổ kế.
Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật
Chưa thấy có tác dụng khó chịu nào khi thực hiện Test thở C14O2 tìm H.Pylori
5. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này
- Không ăn uống trước khi thực hiện test thở ít nhất từ 4-6 giờ đồng hồ.
- Dừng thuốc kháng sinh ít nhất 4 tuần trước khi làm test thở.
- Dừng thuốc PPI ít nhất 1 tuần trước khi làm test thở.
- Dừng thuốc Sucralfate ít nhất 2 tuần trước khi làm test thở.
- Hướng dẫn người bệnh các bước tiến hành cụ thể.
Nguồn: Vinmec