1. Vị trí của Túi tinh
Túi tinh cùng với tinh hoàn, mào tinh hoàn, ống dẫn tinh, tuyến tiền liệt và tuyến hành niệu đạo là những cơ quan sinh dục trong của nam giới, nằm trong chậu hông.
Túi tinh nằm chếch xuống dưới, vào trong, dọc theo bờ ngoài ống dẫn tinh nên hai túi tinh giới hạn lên tam giác túi tinh, ở trong tam giác này có tam giác ống dẫn tinh.
Túi tinh có hai mặt:
- Mặt trước nằm sát đáy bàng quang kéo dài từ chỗ tận cùng của niệu quản tới đáy tuyến tiền liệt.
- Mặt sau liên quan với trực tràng và ngăn cách với trực tràng bởi mạch trực tràng-bàng quang
Chạy dọc theo bờ trong của túi có ống dẫn tinh. Trên bờ ngoài túi tinh có các tĩnh mạch từ đám rối tĩnh mạch tiền liệt chạy ra sau, đổ vào tĩnh mạch chậu trong.
2. Cấu tạo của Túi tinh
Kích thước: Mỗi tuyến tính dài khoảng 5 cm và rộng 2 cm. Tuyến tinh là một ống đơn gấp khúc. Khi duỗi thẳng nó là một ống dài 10-15 cm với đường kính 3-4 mm
Túi tinh được cấu tạo bởi 3 lớp áo:
- Áo ngoài: là lớp mô liên kết
- Áo cơ: gồm các thớ dọc ở ngoài, thớ vòng ở trong
- Áo niêm mạc: biểu mô niêm mạc có các tế bào trụ tiết ra tinh dịch.
Động mạch, tĩnh mạch và thần kinh chi phối:
- Động mạch cấp máu cho túi tinh là động mạch ống dẫn tinh, là một nhành tách ra từ phần thông của động mạch rốn, chạy theo ống dẫn tinh. Động mạch tách ra các nhánh cho túi tinh và nhánh nối tiếp với động mạch tinh hoàn.
- Tĩnh mạch: đi kèm với động mạch, đổ vào tĩnh mạch tinh hoàn.
- Thần kinh: thần kinh chi phối bởi đám rối tinh hoàn, tách từ đám rối liên mạc treo tràng và đám rối thận.
3. Chức năng của Túi tinh
- Những lớp cơ màng của túi tinh có chức năng bài tiết ra một chất lỏng làm trung hoà acid gọi là tinh dịch, thành phần giàu fructose cần cho phản ứng tạo năng lượng của tinh trùng, ngoài ra còn có các prostaglandin giúp kích thích tử cung và vòi trứng co thắt để đẩy tinh trùng về phía trứng. Chất tiết này chiếm khoảng 60-70% khối lượng tinh dịch. Tuy nhiên, số lượng này có thể thay đổi tuỳ thuộc vào từng người cũng như số lần xuất tinh trong một ngày.
- Túi tinh đóng vai trò quan trọng trong sinh sản vì, ngoài tác động tới sự trưởng thành và khả năng di chuyển của tinh trùng, nó còn có khả năng ức chế miễn dịch ở đường sinh dục nữ.
Nguồn: Vinmec